Giải nỗi đau startup Việt khởi nghiệp khiêm tốn, chưa xứng tiềm năng
Bộ KH&CN khuyến khích các địa phương tăng cường liên kết vùng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo ra nguồn lực cộng hưởng.
“Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024” (Techfest VinhPhuc 2024) vừa khai mạc sáng 20/12 với chủ đề “Vĩnh Phúc - Tiên phong sáng tạo, khát vọng đổi mới”, đây là sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức.
Diễn ra trong 2 ngày 20 và 21/12, Techfest VinhPhuc 2024 quy tụ hơn 80 gian hàng trưng bày các dự án khởi nghiệp, sản phẩm công nghệ từ các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục... Sự kiện còn mang đến cơ hội để các startup quảng bá ý tưởng, tiếp cận nguồn lực và kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, để đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 từ 10,5-11%, Vĩnh Phúc xác định động lực tăng trưởng chính của tỉnh là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Nhằm thúc đẩy, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Vĩnh Phúc đã đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp cũng được khuyến khích phát triển với mục tiêu biến Vĩnh Phúc trở thành một trong những địa phương có hệ sinh thái khởi nghiệp năng động nhất cả nước.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo đã được lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều địa phương, vùng miền trong cả nước, tiêu biểu là tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Quảng Ninh, Bình Dương, Vĩnh phúc…
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo thường có hoạt động đột phá, tạo ra thị trường mới dựa trên công nghệ và mô hình kinh doanh mới, chấp nhận rủi ro cao để tăng trưởng nhanh. Chính vì vậy, khởi nghiệp sáng tạo đòi hỏi khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách riêng để hỗ trợ.
Bên cạnh nhiều dấu ấn đã đạt được, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại vùng đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng vẫn còn một số hạn chế.
Sự liên kết và hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa thực sự chặt chẽ. Việc thu hút nguồn lực đầu tư, tài chính, chuyên gia và công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học và của các doanh nghiệp lớn vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo chưa đủ sâu rộng.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được hình thành và phát triển, song quy mô hoạt động vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm lực và tiềm năng. Do vậy, trong thời gian tới, Bộ KH&CN khuyến khích các địa phương tăng cường liên kết vùng trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo nhằm tạo ra nguồn lực cộng hưởng.
Lãnh đạo Bộ KH&CN lưu ý cần phát huy vai trò và sức mạnh của các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, xem đây là hạt nhân để phát triển, từ đó kết nối với các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trường đại học và viện nghiên cứu tại các địa phương.