'Giải' nỗi lo thiếu nước sạch dịp hè
Sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả
(HNM) - Nhiều năm qua, nước sạch trong dịp hè luôn là nỗi lo lắng của nhiều người dân Thủ đô. Vậy nhưng năm nay, công tác cung cấp nước sạch mùa hè đã có sự chuyển biến tích cực, nhiều điểm nóng “khát” nước sạch đã thực sự "hạ nhiệt". Thậm chí, từ đầu hè đến nay qua nhiều đợt nắng nóng kéo dài, song thành phố vẫn bảo đảm được nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.
Sản xuất nước sạch tại Nhà máy Nước Yên Phụ. Ảnh: Nhật Nam
Không để xảy ra tình trạng khan nước
Về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn từ đầu hè đến nay, ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng - Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: "Cho đến thời điểm này, thành phố đã cơ bản bảo đảm nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân. Không để xảy ra tình trạng khan nước, mất nước kéo dài, kể cả trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm".
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới tại các khu vực từng là điểm nóng “khát” nước sạch những năm trước, như ngõ 291 phố Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) - cuối nguồn; ngõ 514 Thụy Khuê (quận Tây Hồ) - cốt địa hình cao; hay tại các chung cư cao tầng: VP3, VP5 (Khu bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai),... tình hình cung cấp nước sạch từ đầu hè đến nay đều cơ bản ổn định. Bà Nguyễn Hương Trà (P814 chung cư VP3 Khu bán đảo Linh Đàm) chia sẻ: “Từ đầu hè, đã có 4-5 lần đơn vị quản lý, vận hành chung cư thông báo về việc Công ty cổ phần Viwaco tạm ngừng cấp nước do ảnh hưởng sự cố đường ống nước sạch sông Đà. Song, chưa một lần nào các hộ bị gián đoạn cấp nước...”.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, công tác cấp nước hè đến thời điểm này được bảo đảm là do trong năm 2018 thành phố đã hoàn thành 4 dự án phát triển nguồn cấp, bổ sung khoảng 335.000m3/ngày-đêm, nâng tổng công suất cấp nước từ các nhà máy nước tập trung lên khoảng 1,37 triệu mét khối/ngày-đêm. Trong khi, nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt trung bình của các hộ đã đấu nối là 1,1 triệu-1,2 triệu mét khối/ngày-đêm. Vì vậy, kể cả trong những ngày cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng tăng cao (5-10%), thì với sản lượng nguồn cấp hiện nay, vẫn không lo thiếu nước sạch.
Để đáp ứng khả năng cao nhất về nhu cầu sử dụng nước của 100% hộ dân thuộc hệ thống cấp nước tập trung và một số khu vực thuộc các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Ba Vì...; UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 158/KH-UBND (ngày 23-7) về cung cấp nước sạch mùa hè năm 2019 trên địa bàn. Theo kế hoạch này, thành phố yêu cầu các đơn vị bảo đảm hệ thống mạng lưới cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực cho toàn bộ khách hàng hiện có; cung cấp nước sạch cho khách hàng mới nằm trong khu vực đã có hệ thống mạng cấp nước. Kịp thời khắc phục những điểm rò rỉ, vỡ ống gây mất nước, thất thoát nước sạch.
Chủ động các giải pháp
Bảo đảm vận hành mạng lưới cấp nước ổn định, ông Trần Quốc Đạt, Trưởng phòng Thanh tra, Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội cho biết, ngay từ giữa tháng 3-2019, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch cấp nước hè. Bảo dưỡng, sửa chữa các nhà máy nước, thay thế bơm, thổi rửa giếng; rà soát các khu vực bất lợi, cốt địa hình cao, khó khăn về nước để có phương án vận hành mạng, nhằm ổn định việc cấp nước. Đơn vị cũng xây dựng phương án vận hành mạng phục vụ cấp nước hè (từ ngày 15-4 đến 15-10-2019), khi thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, khi có sự cố về mạng và nguồn, thực hiện phân khu cấp nước theo giờ, cấp nước bằng xe stec...
Tại Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Đông, bên cạnh việc chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị vật tư thay thế..., ông Lại Văn Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, đơn vị còn phối hợp với ban quản lý các nhà chung cư kiểm tra, rà soát hệ thống đồng hồ tổng, bể chứa để cung cấp nước đầy đủ; hướng dẫn ban quản lý có biện pháp vệ sinh, thau rửa bể mái, bể ngầm (6 tháng/1 lần) bảo đảm chất lượng nước.
Từ đầu hè đến nay, trên địa bàn sử dụng nước sạch sông Đà đã 5 lần xảy ra sự cố rò rỉ đường ống truyền dẫn, song về cơ bản việc cấp nước tại khu vực nội đô không bị gián đoạn. Ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty Viwasupco (đơn vị sản xuất và cung cấp nước mặt sông Đà) cho hay, chuyển biến này đến từ việc đơn vị đã đầu tư xây dựng trạm bơm tăng áp Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) và 6,4km truyền dẫn, đưa vào hoạt động từ tháng 3-2019. Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ và đoạn tuyến từ trạm bơm đến Vành đai 3 giúp đơn vị điều tiết, duy trì nguồn cấp cho khu vực nội đô, bổ sung lưu lượng cấp nước cho khu vực khi có sửa chữa, bảo dưỡng tuyến số 1 sông Đà. Ngoài ra, công ty cũng chủ động kiểm tra, xác định các điểm xung yếu để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh xảy ra sự cố...
Về tổng thể, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, Sở đã chủ động xây dựng giải pháp cấp nước khi xảy ra sự cố vỡ ống, hoặc giảm áp lực nước trên tuyến ống truyền tải từ các nhà máy nước mặt sông Đà, sông Đuống. Khi có sự cố, bảo dưỡng, thực hiện phân luồng nguồn cấp, điều tiết, bổ sung cho khu vực bị ảnh hưởng; đồng thời yêu cầu các công ty cấp nước xây dựng phương án cấp nước đối với các khu vực cuối nguồn, các khu chung cư, vị trí có cốt địa hình cao...
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/942015/giai-noi-lo-thieu-nuoc-sach-dip-he