Giải nỗi oan người mẹ 'bán' trái tim con lấy 2 tỷ đồng
Một người mẹ ở Hải Dương viết trên trang cá nhân Facebook về niềm khao khát tìm người đã được ghép trái tim của con trai bà vào khoảng giữa tháng 9/2020.Thông tin này sau đó được mạng xã hội chia sẻ rộng rãi trong những ngày gần đây. Con trai bà bị TNGT, đã hiến 6 tạng cho y học, cứu sống nhiều người bệnh nặng. Riêng trái tim, người mẹ chưa biết đã được ghép cho ai, bà bị nghi ngờ 'bán' trái tim con 2 tỷ đồng.
Theo chia sẻ trên trang cá nhân, bà T.T.N (Hải Dương) có người con trai duy nhất, sau khi học xong Đại học Thủy Lợi, công tác tại một công ty thủy lợi ở Bắc Ninh. Dự định cuối năm 2020, con trai bà sẽ tổ chức lễ cưới. Nhưng tai họa ập xuống, anh bị TNGT chấn thương sọ não, cấp cứu tại BV Đa khoa Bắc Ninh, sau đó chuyển lên Bệnh viện TWQĐ 108 (BV108).
Do bệnh tình quá nặng, anh không qua khỏi. Dù đau xót trước sự ra đi đột ngột của con trai, nhưng bà vẫn đồng ý hiến tạng của con cho y học để cứu người bệnh hiểm nghèo, người suy tạng giai đoạn cuối. Nguyện vọng của bà muốn được biết những người đã nhận tạng của con mình để biết phần cơ thể của con ở trên đời có ổn không.
Được biết, con trai của bà N.T.N đã hiến 6 tạng cứu sống 6 người bệnh rất nặng. Ngày 16-9-2020, BV 108 đã thực hiện ca lấy, ghép đa mô tạng từ người cho chết não để cứu sống cho 6 bệnh nhân khác nhau, bao gồm: Ghép 2 phổi cho một bệnh nhân được chẩn đoán xơ phổi nguyên phát; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp trên nền xơ gan do nhiễm virus viêm gan B; ghép 2 thận cho 2 bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối; ghép đồng thời 2 cẳng bàn tay cho 1 bệnh nhân bị cụt cẳng tay cả 2 bên do tai nạn chất nổ. Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm Điều phối Quốc gia) tiến hành lấy và chuyển quả tim đến BV Việt - Đức để BV ghép cho bệnh nhân bị giãn cơ tim giai đoạn cuối.
Theo chia sẻ của bà N, BV 108 đã tổ chức tang lễ cho con trai bà rất trang trọng. Đến thời điểm này, bà đã gặp những người nhận tạng của con mình, ngoại trừ người ghép trái tim. Bà đau khổ khi có lời ra tiếng vào bà bán trái tim con với giá 2 tỷ đồng. Bà mong cộng đồng mạng chia sẻ, kết nối để bà gặp được người ghép tim, thực hiện được niềm khao khát luôn canh cánh trong lòng.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt - Đức cho biết, ông rất chia sẻ với nguyện vọng của người mẹ. Tuy nhiên, theo quy định của Luật lấy, hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và lấy, hiến xác thì bệnh viện và bác sĩ không được cung cấp thông tin, địa chỉ của người hiến và người nhận tạng để tránh những trường hợp không hay xảy ra. Với người nhận tạng, họ có quyền được chữa bệnh và sống một cuộc sống bình thường, chứ không phải vì nhận tạng mà phải sống trong sự chịu ơn.
“Hiến tạng cho người khác là một nghĩa cử vô cùng nhân văn, các thầy thuốc luôn luôn trân trọng người hiến và gia đình người hiến đã hy sinh tạng của mình để cứu sống người khác. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm việc bằng tất cả y đức của người bác sĩ để nối tiếp sự sống cho người bệnh”, Giám đốc BV Việt - Đức khẳng định.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, không chỉ ở Việt Nam, mà các nước trên thế giới, thông tin về người hiến và người nhận tạng đều được mã hóa, không được phép tiết lộ để đảm bảo cuộc sống bình thường của người nhận tạng. Ở Việt Nam, Điều 4 của Luật lấy, hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và lấy, hiến xác cũng quy định rõ các nguyên tắc sau: Tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại; giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Bệnh viện Việt - Đức nhận được quả tim từ Trung tâm Điều phối Quốc gia và tiến hành ghép cho bệnh nhân bị viêm cơ tim thể giãn giai đoạn cuối. Đến nay, người ghép tim vẫn đang sống khỏe mạnh. Về thông tin có một số dị nghị cho rằng bà mẹ đã bán trái tim của con 2 tỷ đồng, GS.TS Trần Bình Giang khẳng định, hiến tạng là việc làm nhân đạo, không vụ lợi, tuyệt đối không có chuyện tiền ở đây. Những dị nghị nêu trên là do có một số người chưa hiểu hết về ý nghĩa nhân văn cũng như quy định của pháp luật về hiến, ghép tạng.
Đây không phải là lần đầu tiên có sự hiểu lầm nêu trên, mà trước đây đã có trường hợp cả gia đình chịu điều tiếng vì cho rằng họ đã bán tạng của chồng, của con. Hoặc có những dị nghị như “người nhận phải đến cảm ơn”, đây đều là hiểu lầm và trái với quy định của pháp luật. Với trường hợp như vậy, theo GS.TS Trần Bình Giang, bệnh viện cũng như Trung tâm Điều phối đã đề nghị với chính quyền địa phương giải thích cho người dân hiểu, đây là việc làm nhân đạo, không vụ lợi, không có lợi ích về kinh tế trong việc làm cao cả này.
Điển hình là một gia đình người hiến tạng ở Bắc Giang, sau khi bị điều tiếng, vợ của người hiến đã rất đau khổ khi bị đổ oan “bán tạng” chồng, các con của chị không muốn đến trường vì bị nghi kỵ, dè bỉu. Trung tâm Điều phối Quốc gia và Bệnh viện Việt - Đức đã về tận nơi, cùng với chính quyền địa phương tổ chức buổi lễ tri ân trang trọng, đồng thời giải thích rõ mọi hiểu lầm, tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng.
Sau đó, chòm xóm xung quanh mới dần hiểu ra, cuộc sống của gia đình người hiến mới cân bằng và trở lại bình thường. “Quan trọng nhất là khi nhân viên tư vấn vận động gia đình hiến mô, tạng phải giải thích rõ, nếu tư vấn không tốt rất dễ hiểu lầm và đồn thổi. Khi được giải thích rõ ràng, những người dị nghị đó dần dần sẽ hiểu”, GS Giang cho biết.
Theo Giám đốc BV Việt - Đức, nếu một cơ sở nào đó thực hiện kết nối giữa người hiến tạng và người nhận tạng dưới bất cứ hình thức nào đều là không đúng theo quy định của pháp luật. Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định mức phạt 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép mô, bộ phận cơ thể người, trừ trường hợp có sự thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định khác. “Bệnh viện cũng không thể bắt người nhận tạng phải mang ơn và tìm đến người đã hiến tạng cho mình. Điều này có thể làm mất đi tính nhân văn của nghĩa cử hiến tạng cứu người”,GS Giang nói.
Phong trào hiến tạng ở Việt Nam đang từng bước được được gây dựng với nhiều tấm lòng nhân văn cao cả, nhiều tấm gương hiến tạng cứu người đã được tôn vinh. Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam hiện rất lớn, có hàng vạn người chờ ghép tạng và rất nhiều người trong số đó đã qua đời vì không có tạng ghép. Sự thành công của ghép tạng đã mở ra cho bao người bên bờ sinh tử có cơ hội được sống, mà các bác sĩ là những người kết nối sự sống, làm đẹp hơn ý nghĩa nhân văn của hiến tạng đã được pháp luật quy định.