Giải pháp bảo đảm việc làm cho công nhân cao su

Thực hiện chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn, từ năm 2007 đến nay, tỉnh ta đã giao cho Công ty cổ phần cao su Sơn La 8.478 ha đất; trong đó 6.818 hộ dân góp 5.963 ha, còn lại là đất cộng đồng, đến nay Công ty đang quản lý gần 5.900 ha cây cao su và đã ký hợp đồng góp quyền sử dụng đất để hợp tác trồng cao su với 5.124 hộ.

Cán bộ kỹ thuật Nông trường cao su Mường La kiểm tra chất lượng vườn cây cao su.

Cán bộ kỹ thuật Nông trường cao su Mường La kiểm tra chất lượng vườn cây cao su.

Năm 2020, là năm thứ 4 Công ty cổ phần cao su Sơn La đi vào khai thác, theo đánh giá sản phẩm mủ cao su Sơn La có chất lượng rất tốt, đây là điều kiện thuận lợi để Công ty phát triển kinh doanh, tạo thu nhập ổn định cho công nhân và người dân tham gia góp đất trồng cao su. Đến nay, tổng diện tích cây cao su đã đưa vào khai thác gần 3.600 ha, theo kế hoạch, đến hết năm 2020 Công ty sẽ đưa vào khai thác 4.060 ha. Việc diện tích cao su đưa vào khai thác liên tục tăng qua các năm, cùng với tăng cường đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật khai thác mủ cho công nhân, chủ động sắp xếp, bố trí lực lượng lao động, Công ty đã từng bước bảo đảm việc làm cho hơn 1.100 công nhân. Để bảo đảm đưa vào khai thác hiệu quả vườn cao su, đầu vụ khai thác năm nay, Công ty đã chỉ đạo các nông trường thực hiện đo vanh toàn bộ diện tích, đánh dấu cây đạt tiêu chuẩn để mở cạo, phân chia và tổ chức bốc thăm để công nhân nhận phần cây cạo mủ, chuẩn bị tốt vật tư, sử dụng kích thích mủ để tăng năng suất. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác quản lý khai thác, điều hành sản xuất và quản lý sản phẩm đối với tất cả cán bộ các nông trường. Tính riêng từ đầu năm đến nay, thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 4 triệu đồng/tháng; một số diện tích ở khu vực huyện Thuận Châu, Mường La và Châu Quỳnh có sản lượng mủ khai thác vượt kế hoạch, nhiều công nhân nhận khoán cao có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Đình Nam, Giám đốc Nông trường cao su Mường La cho biết: Hiện Nông trường đang quản lý 943 ha cây cao su, trong đó đã đưa vào khai thác 814 ha, sản lượng 9 tháng qua đạt gần 430 tấn mủ khô. Từ khi vườn cao su được khai thác, Nông trường đã bảo đảm việc làm cho 157 công nhân, thu nhập bình quân đạt 5,3 triệu đồng/người/tháng, các chế độ cho người lao động được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh của Công ty và đời sống người dân tham gia trồng cao su vẫn đang gặp khó khăn. Do là sản phẩm mới, chưa chiếm lĩnh được thị trường trong nước và xuất khẩu, thời gian qua giá mủ xuống thấp và ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên lượng mủ tồn kho của ngành cao su cả nước nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, tình trạng chặt phá cây cao su tại một số nông trường đang có những diễn biến phức tạp, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay tại huyện Yên Châu đã xảy ra 424 vụ chặt phá, thiệt hại hơn 15.000 cây cao su, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng điều tra, xử lý, nhưng chưa triệt để. Bên cạnh đó, do năm nay tình hình thời tiết, khí hậu phức tạp, mưa nhiều, vườn cây bị sâu bệnh, ảnh hưởng đến tiến độ khai thác, năng suất, chất lượng và sản lượng; tình trạng các nông trường thiếu lao động...

Trao đổi với ông Võ Đức Trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Sơn La được biết, Công ty đang tập trung rà soát lại toàn bộ diện tích cây cao su tại các nông trường, nhằm khai thác tối đa hiệu quả khi đưa vườn cây vào khai thác. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ diện tích cây cao su; quản lý, sử dụng hiệu quả lực lượng lao động, thống nhất phương án phân chia giá trị sản phẩm và ký hợp đồng góp quyền sử dụng đất để hợp tác trồng cao su với các hộ còn lại.

Cùng với tiếp tục triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ chương trình phát triển cây cao su, để bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, Công ty đang tăng cường nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và năng suất lao động để công nhân có thêm việc làm, thu nhập. Tiếp tục tuyển dụng thêm lao động, thường xuyên tổ chức đào tạo lại cho những công nhân tay nghề yếu tại các nông trường. Vận động công nhân tại các đội sản xuất tích cực trồng xen canh, điều động công nhân khu vực ít việc sang những nông trường nhiều việc hơn; thực hiện sắp xếp khoa học trong việc chia các phần cây cho công nhân khai thác mủ để đảm bảo mức thu nhập đồng đều, từng bước ổn định, nâng cao đời sống cho công nhân và người lao động.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/giai-phap-bao-dam-viec-lam-cho-cong-nhan-cao-su-34501