Giải pháp bảo vệ bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối trước Covid-19

Bộ Y tế đã trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia Mỹ trong buổi tọa đàm trực tuyến.

Tọa đàm trực tuyến hôm qua (12/8) có sự tham gia của ông Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (Mỹ), quyền Phó đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cùng đại diện Bộ Y tế, các chuyên gia về bệnh thận.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết bệnh thận mạn tính là nguyên nhân tử vong thứ 12 trên thế giới. Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, người mắc bệnh thận giai đoạn cuối bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Việt Nam đã có nhiều giải pháp như ghép thận, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, lọc máu tại nhà... cho bệnh nhân suy thận. Tuy nhiên, sự thiếu hụt số lượng và chất lượng đội ngũ chuyên môn cũng như hiểu biết của cộng đồng, tính tiếp cận, khả năng chi trả cho giải pháp này còn hạn chế.

 Các điểm cầu cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về điều trị, giải pháp bảo vệ bệnh nhân suy thận. Ảnh: Lê Hảo.

Các điểm cầu cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về điều trị, giải pháp bảo vệ bệnh nhân suy thận. Ảnh: Lê Hảo.

Các chuyên gia quốc tế khuyến cáo trong bối cảnh gia tăng ca mắc Covid-19, người có bệnh mạn tính như suy thận, tim mạch, ung thư, tiểu đường… đối mặt nguy cơ tử vong cao. Việt Nam nên triển khai các phương pháp lọc màng bụng tại gia đình để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại bệnh viện.

Nếu điều kiện cho phép, bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thể chuyển sang lọc màng bụng tự động với chức năng kê toa từ xa. Đây là phương pháp Mỹ đang thực hiện.

BSCKII Tạ Phương Dung, Phó chủ tịch Hội Thận học TP.HCM, đánh giá lọc màng bụng là phương pháp hiệu quả và an toàn trên thế giới. Tuy nhiên, các trung tâm thận nhân tạo tại Việt Nam hiện quá tải, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn cần được quản lý nghiêm ngặt.

Bác sĩ Dung đề nghị Bộ Y tế đưa ra chính sách ưu tiên phát triển lọc máu tại nhà và ban hành hướng dẫn chăm sóc người bệnh suy thận trong giai đoạn dịch. Thận nhân tạo cần được triển khai tới cơ sở y tế quận, huyện để giảm tải cho tuyến trên.

Sau khi lắng nghe ý kiến các chuyên gia, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết trong tổng số trường hợp tử vong được ghi nhận tại Việt Nam từ đầu mùa dịch đến nay, 71% mắc bệnh lý suy thận.

Trước tình hình này, Bộ Y tế quyết định xây dựng Đơn nguyên Thận Nhân tạo tại Trung tâm Y tế Hòa Vang (Đà Nẵng). Đơn vị này có nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân lọc máu, chạy thận định kỳ, suy thận giai đoạn cuối.

Để bảo vệ nhóm người suy thận trong cộng đồng, Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế thực hiện khám, chữa bệnh từ xa. Bệnh nhân nên đăng ký khám sức khỏe theo lịch hẹn và kê đơn thuốc trong 3 tháng.

Tại tọa đàm, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ gửi lời chúc mừng tới Chính phủ Việt Nam đã triển khai các biện pháp hiệu quả với đại dịch Covid-19. Các biện pháp này trở thành hình mẫu cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới.

Cách ly hơn 130.000 người liên quan dịch Covid-19 Sáng 12/8, Bộ Y tế cho hay Việt Nam có 866 ca mắc Covid-19. Hơn 5.000 người đang cách ly tại bệnh viện vì liên quan đến dịch bệnh này.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-phap-bao-ve-benh-nhan-suy-than-giai-doan-cuoi-truoc-covid-19-post1119071.html