Giải pháp căn cơ, bài bản

Không chỉ đáp ứng đòi hỏi về nguồn gốc, xuất xứ..., thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo sức cạnh tranh cho nông sản trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn chưa có những giải pháp thực sự hiệu quả cho việc này để hình thành một chiến lược phát triển căn cơ, bài bản.

Trong khi đó, hàng loạt khó khăn nội tại của kinh tế nông nghiệp cũng đang góp phần tạo nên những rào cản cần phải nhận diện trong quá trình xây dựng thương hiệu nông sản. Đó là nông sản được sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào tập quán, kinh nghiệm. Nguồn giống cây trồng, vật nuôi chưa được định hướng trong khi khâu kiểm soát chưa chặt chẽ. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch và ứng dụng khoa học trong chế biến còn hạn chế…

Thực tế ở Hà Nội cho thấy, có không ít sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề thuộc loại “có một không hai” nhưng theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội thì tới nay mới chỉ có 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ.

Chưa xây dựng được thương hiệu, nhiều loại nông sản không khẳng định được vị thế trên thị trường, khó tham gia vào các chuỗi cung ứng. Vì thế, nếu chậm trễ trong định hình thương hiệu, nông sản Việt sẽ tiếp tục “lép vế” trên thị trường, kéo theo là thiệt thòi của doanh nghiệp, nông dân... Trong quá trình hội nhập với kinh tế thế giới, chúng ta đã có nhiều bài học về thiếu thương hiệu, mất thương hiệu...

Đã đến lúc phải nhìn nhận một cách thấu đáo về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản. Cần thấy rõ thương hiệu là "tấm hộ chiếu" cho nông sản, mang hình ảnh quốc gia trên thị trường quốc tế… từ đó có các giải pháp quyết liệt và căn cơ hơn.

Trước hết, bên cạnh việc xây dựng, triển khai một chương trình tổng thể về phát triển thương hiệu nông sản đề ra lộ trình thực hiện cụ thể, cơ chế phối hợp, công cụ tài chính…; các ngành, địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm, phát triển thương hiệu qua những chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh. Đồng thời tạo cơ hội cho các thương hiệu vùng, miền; sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách thuận lợi về tích tụ ruộng đất, cơ chế để tạo quỹ đất sạch, thiết lập vùng sản xuất chuyên canh, vùng nguyên liệu đạt quy mô sản xuất hàng hóa lớn. Đặc biệt phải tập trung mở rộng liên kết vùng để tạo ra những sản phẩm có tính đồng đều về chất lượng; thu hút đầu tư công nghiệp sau thu hoạch, công nghiệp chế biến để tăng cường hàm lượng kỹ thuật, công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm...

Các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuỗi sản xuất, kiến thức thị trường, hiểu biết về sở hữu trí tuệ, giá trị của tài sản trí tuệ... Vấn đề cần lưu ý là thực hiện nghiêm các cam kết hợp đồng về sản xuất, kinh doanh nông sản; kiên quyết tránh tình trạng làm ăn chộp giật, chỉ chạy theo cái lợi trước mắt.

Vai trò của người làm ra nông sản cũng rất quan trọng. Trong đó, ý thức tuân thủ quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn là tối quan trọng và có tính chất sống còn. Vì thế, một mặt người nông dân phải chú trọng học tập nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất; mặt khác ngành chức năng, doanh nghiệp cần tăng cường giám sát và đào tạo, bồi dưỡng cho nông dân về kiến thức, kỹ năng sản xuất.

Cần khẳng định lại, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản phải được coi là yếu tố sống còn để có chiến lược phát triển căn cơ, bài bản và lâu dài.

Trọng Thường

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/969475/giai-phap-can-co-bai-ban