Giải pháp chiến lược đã có nhưng thực hiện thiếu quyết liệt, khẩn trương
Nhiều quốc gia vừa có những hành động thiết thực, cụ thể nhân ngày Nước thế giới (22/3) với chủ đề 'Nước và Biến đổi khí hậu'.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, thế giới hiện có 2,2 tỷ người không được tiếp cận với nước sạch. Con số này cho thấy một chặng hành trình còn khá dài và trắc trở của cộng đồng thế giới để có thể tiến tới thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6 - đảm bảo nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030.
Tại Việt Nam, câu chuyện nước sạch - an toàn cho hàng chục ngàn hộ dân tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang là câu chuyện “nóng”, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ngày 23-3, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội cấp thoát nước Việt Nam (VWSA).
PV: Thưa PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, trong nhiệm vụ hiện tại của mình, chắc chắn ông rất để tâm đến câu chuyện nước và các biểu hiện của biến đổi khí hậu, nhất là tại ĐBSCL?
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Đúng như thế. Tôi rất quan tâm đến BĐKH qua những biểu hiện thất thường, không theo quy luật nào và nhiều khi hướng tới cực đoan như: trận mưa rất lớn, thời gian kéo dài và trên một diện rộng, hạn hán gay gắt, triều cường trái quy luật hay nước biển dâng kéo theo nước mặn vào sâu trong đất liền…..
Và hiện nay, một trong những biểu hiện này đã là vấn đề nóng bỏng xảy ra tại ĐBSCL– vùng đất trù phú, tiềm năng và có vị thế rất quan trọng của quốc gia.
Tôi theo dõi và nhận thấy từ cuối năm 2019 đến nay, dòng chảy thượng nguồn sông Mêkông về ĐBSCL bị thiếu hụt, mực nước thấp không có khả năng đẩy mặn dẫn đến mặn trên sông xuất hiện sớm và xâm nhập sâu về phía thượng lưu có nơi vào sâu đến 90km và độ mặn cũng cao hơn mọi năm.
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nêu trên đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân miền Tây đặc biệt vấn đề cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở những nơi chưa có các công trình cấp nước tập trung. Tổng cục Thủy lợi cũng có đưa ra con số khoảng 82.000 hộ dân (tương đương khoảng 400.000 người dân) đang thiếu nước sinh hoạt và trong thời gian tới con số này sẽ tăng thêm khoảng gấp đôi (khoảng trên 160.000 hộ dân).
PV: Sau đợt nắng nóng, hạn mặn lịch sử năm 2016, bên cạnh những giải pháp tình thế, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cũng từng thống nhất đưa ra nhiều giải pháp khá căn cơ. Tuy nhiên, ông có thấy việc thực hiện sau đó dường như tính khẩn trương, quyết liệt?
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Tất cả các giải pháp để lo cho người dân vượt qua hạn – theo tôi đều rất cần thiết, đáng trân trọng. Trong những ngày qua, trước những khó khăn, thách thức do thiếu nước sinh hoạt của người dân, với tinh thần tương thân tương ái ngoài các đơn vị Quân đội được huy động, các doanh nghiệp ngành nước tại phía Nam như: Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), Công ty CP Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase), Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ (Canthowassco)... đã huy động phương tiện vận tải, thiết bị vận chuyển hàng ngàn m3 nước chi viện đến tận người dân các địa phương Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau…
Tuy nhiên, khách quan mà nói đây mới chỉ là những giải pháp tình thế, trước mắt. Chắc chắn chẳng ai muốn cứ để tình trạng này tiếp tục diễn ra mà không có bất kỳ một giải pháp căn cơ mang tính lâu dài và bền vững hơn.
Còn nhớ vào đầu năm 2016, vùng ĐBSCL bị hạn mặn rất gay gắt, làm cho khoảng gần 1 triệu người dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ và các Bộ, ngành, nhiều địa phương vào cuộc một cách quyết liệt để giải quyết và cũng trong năm đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 8/11/2016 phê duyệt “Quy hoạch Cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050”.
Trong nội dung quy hoạch đã tính đến tác động của BĐKH và các giải pháp đưa ra khá cụ thể, như: lựa chọn nguồn nước, xây dựng hệ thống các nhà máy nước vùng liên tỉnh (ý tưởng liên kết và hỗ trợ cấp nước mang tính liên tỉnh), vùng tỉnh; mạng lưới đường ống truyền tải nước (nước thô, nước sạch liên tỉnh..), đường ống phân phối, dịch vụ kết nối; các giải pháp về xây hồ nước, đập nước trữ nước, lưu giữ nước thông qua sử dụng sông, kênh rạch… ngoài ra các công công nghệ xử lý nước (nước sạch, nước mặn, lợ thành nước ngọt..) với quy mô phù hợp. Trong quyết định, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành và chính quyền địa phương triển khai thực hiện.
Liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” trong nội dung cấp nước đã lựa chọn nguồn nước cho các tỉnh, thành phố trong vùng đó là từ sông Đồng Nai, sông Sài Gòn…. Các hồ chứa nước lớn Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa, Đá Đen,…; mạng lưới cấp nước bao gồm các tuyến truyền tải, phân phối; các nhà máy nước dự kiến xây dựng trong vùng có cả nhà máy thuộc tỉnh và liên tỉnh…
Như vậy, về chủ trường và cơ sở pháp lý là các Quy hoạch cấp nước đã có nhưng chủ quan nhận xét, chúng ta tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch này quá chậm hoặc hầu như không triển khai.
PV: Là Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký VWSA, trước đó từng là Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), ông có tìm hiểu nguyên nhân vì sao không?
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Tôi cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân. Đó là sau đợt hạn mặn lịch sử, chuyện nước đã dịu lại lại do nước từ đầu nguồn lại về, dù không còn dồi dào như trước. Mùa khô các năm sau đó, việc hạn mặn, thiếu nước chỉ xảy ra cục bộ, ở diện hẹp của vùng ĐBSCL; các giải pháp ít được quan tâm hơn.
Một số nguyên nhân khác mà tôi có nghĩ đến nhiều hơn, có thể là do: thể chế, cơ chế chính sách chưa đầy đủ, chưa đồng bộ (nhất là khi triển khai các dự án cấp nước mang tính liên vùng liên tỉnh); nguồn lực để thực hiện thiếu; sự phối hợp để giải quyết các vấn đề liên vùng, liên tỉnh giữa các địa phương chưa chặt chẽ hoặc thiếu hoặc không có sự phối hợp.
Chẳng hạn như trong giai đoạn hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra mỗi một địa phương trong vùng đang có những cách làm khác nhau, thiếu sự phối hợp “ngồi với nhau” để tìm các giải pháp vừa mang tính trước mắt vừa mang tính dài hạn để giải quyết; mặt khác các Bộ, ngành Trung ương chưa thực sự đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giải quyết tình trạng này.
Tôi cho rằng, giải quyết vấn đề cấp nước vùng ĐBSCL đòi hỏi phải có sự phối hợp liên tỉnh, liên vùng. Sẽ không thể thành công nếu chúng ta cứ tiếp tục duy trì cách làm như hiện nay. Muốn vậy, đòi hỏi trách nhiệm của các Bộ, ngành đặc biệt của chính quyền các địa phương trong vùng, phải chủ động triển khai hoặc phối hợp triển khai các nhiệm vụ đã được giao trong Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 8/11/2016.
PV: Ông có thể nói chi tiết hơn được không?
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến: Theo Quyết định kể trên, Bộ xây dựng được xác định chịu trách nhiệm chủ công thực hiện với 5 nhóm công việc rất cụ thể. Bên cạnh nhiệm vụ công bố đồ án quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là đồ án Quy hoạch), đã được Thủ tướng Phê duyệt, Bộ xây dựng có trách nhiệm: Hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành cấp nước, các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn các tỉnh phù hợp với đồ án Quy hoạch.
Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý vận hành hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh phù hợp với điều kiện KT-XH, phát triển cấp nước vùng ĐBSCL, ban hành quy định quản lý vận hành hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh theo thẩm quyền; Phối hợp với UBND các tỉnh/thành phố trong vùng rà soát các dự án đầu tư nhà máy nước, phát triển mạng đường ống cấp nước và cải tạo nguồn nước; quyết định giải pháp linh hoạt về đầu tư dự án cấp nước phù hợp với lộ trình đầu tư nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh, ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và kịp thời cung cấp nguồn nước ăn uống, sinh hoạt cho người dân ĐBSCL; Rà soát, đánh giá công nghệ xử lý nước mặn, nước lợ, tái sử dụng nước mưa; nghiên cứu và đề xuất mô hình công nghệ xử lý nước phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ: KH&ĐT, TN&MT, NN&PTNT. Riêng đối với UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, Thủ tướng chỉ đạo tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành cấp nước, các quy hoạch khác có liên quan trên địa bàn phù hợp với Quy hoạch này; trong đó bổ sung các giải pháp lưu trữ nước kết hợp cống ngăn mặn tạo nguồn nước cho các nhà máy nước, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương.
Tham gia đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh; đầu tư mạng đường ống tiếp nhận và tiêu thụ nguồn nước sạch từ nhà máy nước vùng liên tỉnh; thực hiện thỏa thuận dịch vụ cấp nước với đơn vị cấp nước vùng liên tỉnh; chỉ đạo đầu tư, phát triển cấp nước trên địa bàn tỉnh, thành phố, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt; Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống cấp nước tại địa phương; chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, đặc biệt trong điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn;….
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp ngành nước và nhân dân, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề cấp nước căn cơ hơn, dài hạn hơn không để tình trạng như hiện nay tái diễn.
PV: Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến.