Giải pháp cho các thách thức về điện mặt trời
Công nghệ tạo lưới thế hệ mới có thể giải quyết các thách thức cho lưới điện mặt trời tại Việt Nam, đưa quang điện trở thành nguồn năng lượng chính trong tương lai.
Khi cả thế giới hướng đến mục tiêu trung hòa lượng carbon, các ngành công nghiệp quang điện và lưu trữ năng lượng cũng được quan tâm hơn bao giờ hết.
Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), công suất lắp đặt tấm năng lượng mặt trời (PV) trên toàn cầu dự kiến đạt 5.200 GW vào năm 2030 và 14.000 GW vào năm 2050. Trong đó, năng lượng tái tạo chiếm hơn 90% tổng công suất điện và quang điện đóng vai trò chủ đạo.
Song, khi năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, tiếp tục tăng trưởng, các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức lớn về kết nối lưới, vận hành, an toàn… Ở Việt Nam, điện mặt trời mái nhà vẫn chưa được đấu nối với hệ thống điện quốc gia vì lo ngại "vỡ" quy hoạch nguồn và lưới điện, mất an toàn hệ thống điện.
Huawei Digital Power mới đây đã giới thiệu công nghệ tạo lưới thế hệ mới Grid Forming, hỗ trợ giải quyết các thách thức cho hệ thống điện mặt trời tại Việt Nam. Bộ giải pháp bao gồm hệ thống PV, sản phẩm lưu trữ năng lượng (ESS), phụ tải, lưới điện và quản lý để thúc đẩy việc phát điện PV từ nối lưới đến hình thành lưới điện.
So với công nghệ lưu trữ trước đây chủ yếu là bám lưới (Grid Following), công nghệ tạo lưới (Grid Forming) của Huawei Digital Power có thể làm tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo đưa vào lưới lên 40%, ông Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc phát triển kinh doanh Huawei Digital Power - cho biết tại Hội nghị & Triển lãm Năng lượng Solar & Storage Live Vietnam 2024.
Theo đại diện Huawei, hệ thống tạo lưới mới có 3 cải tiến chính làm gia tăng độ ổn định cho lưới, bao gồm Smart String ESS 2.0 có thể chịu quá tải dòng điện gấp 3 lần định mức trong 10 giây, ổn định tần số với quán tính ảo thời gian không đổi 3-20 giây và triệt tiêu dao động tần số trung bình và cao (0,1-100 Hz).
Huawei đã ứng dụng giải pháp tạo lưới Grid Forming vào các sản phẩm lưu trữ năng lượng (ESS) để tạo điều kiện đấu nối năng lượng tái tạo vào lưới điện.
Trong đó, hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) là chuỗi thông minh tích hợp Grid-Forming đầu tiên trên thế giới. Hệ thống đảm bảo tính năng an toàn trên toàn bộ kiến trúc, tạo lưới điện trong mọi tình huống, hiệu quả về chi phí suốt toàn bộ vòng đời.
Giải pháp này đã được áp dụng trong lưới điện siêu nhỏ 1,3 GWh cho dự án Biển Đỏ ở Ả Rập Saudi. Đây là lưới độc lập lớn nhất thế giới và hiện đã hoạt động ổn định trong hơn 8 tháng, cung cấp 100% năng lượng tái tạo cho 1 triệu dân số và khách du lịch.
Tại Golmund, Thanh Hải và các khu vực khác của Trung Quốc, Huawei đã xây dựng chuỗi nhà máy lưu trữ năng lượng Smart Grid công suất 100 MW đầu tiên trên thế giới.
Tại Solar & Storage Live Vietnam 2024, Huawei Digital Power còn mang đến 3 nhóm giải pháp FusionSolar Smart PV+ESS thế hệ tiếp theo, phù hợp với thị trường Việt Nam.
Trong đó bao gồm giải pháp dành cho máy phát điện năng lượng tái tạo thông minh (Smart Renewable Energy Generators), giải pháp điện mặt trời dành cho Hộ gia đình (24 hours Smart Green Home Solutions) và giải pháp dành cho lĩnh vực công nghiệp và thương mại (Low-carbon Smart Industrial Parks).
Với nhóm giải pháp điện mặt trời dành cho gia đình, Huawei Digital Power đã nâng cấp hệ thống Fusion Solar phù hợp cho tất cả khu dân cư, tích hợp bộ tối ưu hóa, bộ biến tần, ESS, bộ sạc, SmartGuard, trợ lý EMMA và hệ thống quản lý.
Hệ thống này có thể phát điện hiệu quả, lưu trữ năng lượng lâu dài, sau đó xả ra để cung cấp điện cho toàn bộ ngôi nhà, đồng thời quản lý thông minh và an toàn chủ động, nhận biết sớm nguy hiểm. Hiện giải pháp quang điện thông minh dân dụng của Huawei FusionSolar đã cung cấp năng lượng xanh cho hơn 3,3 triệu hộ gia đình trên toàn thế giới.