Giải pháp cho chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam
NGUYỄN ĐỨC TRỌNG (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)
TÓM TẮT:
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, để có thể đạt được những thành công nhất định, hạn chế số lượng các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có rất nhiều giải pháp. Trong đó, vai trò của các Bộ, ngành, địa phương trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ là rất cần thiết. Có như vậy, mới có thể thu hút các nhà đầu tư, khai phá được tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ta.
Từ khóa: Chính sách hỗ trợ, khởi nghiệp, doanh nghiệp, Việt Nam.
1. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại Hàn Quốc
Hàn Quốc là quốc gia có mật độ dân số cao thứ ba trên thế giới. Lãnh thổ Hàn Quốc trải rộng 100.032 km vuông, với dân số 48 triệu người. Chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu mà Hàn Quốc theo đuổi đã đưa quốc gia này từ một nước nghèo trở thành một cường quốc công nghiệp. Theo đó, các công ty xứ sở Kim Chi đứng đầu thế giới trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng với nguồn nhân lực chất lượng cao và mức đầu tư lớn (khoảng 4,3% GDP) vào hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Hiện nay, Hàn Quốc hướng tới việc xây dựng một nền kinh tế tri thức, chú trọng tới việc mở rộng vai trò và khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc cam kết khoản chi ngân sách trị giá 2 tỷ USD/năm để hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Hàn Quốc được xây dựng dựa trên nhiều tác nhân có mối quan hệ hữu cơ với nhau nhằm giúp nhau cùng phát triển. Nghĩa là, sự phát triển của tác nhân này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các tác nhân khác, từ đó giúp cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ngày một phát triển rộng rãi và bền vững hơn. Theo phương thức này, Chính phủ Hàn Quốc đã điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho 2 tác nhân chủ yếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp là doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư cho khởi nghiệp.
Ở Hàn Quốc, doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò là trụ cột trong nền kinh tế. Trong những năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã có các chính sách xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng. Ngoài ra, Hàn Quốc còn hỗ trợ trực tiếp hay bảo hộ những sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp này để góp phần nâng cao khả năng hợp tác và cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển sản phẩm mới theo định hướng khách hàng.
Để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp huy động vốn, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập sàn chứng khoán giống như sàn giao dịch chứng khoán dành cho các công ty đại chúng, nhưng được thành lập chuyên dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp với điều kiện niêm yết, năng lực tài chính và hồ sơ pháp lý không quá chặt chẽ.
Yếu tố quan trọng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp là các nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể là một công ty, một tổ chức hoặc một cá nhân nắm giữ một lượng tiền nhất định để đầu tư vào những dự án, sản phẩm khởi nghiệp khác nhau với mong muốn thu lợi nhuận trong tương lai. Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp “gọi vốn” cho giai đoạn bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ Hàn Quốc giảm bớt một số loại thuế từ bán cổ phần công ty, cũng như cho phép nhà đầu tư miễn giảm thuế với điều kiện họ tái đầu tư khoản lãi từ bán cổ phần của mình từ các doanh nghiệp khởi nghiệp. Mặt khác, Chính phủ nước này cũng thiết lập các quỹ đầu tư thiên thần nhà nước dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với quy chế hoạt động đặc biệt, theo đó mặc dù sử dụng vốn của nhà nước nhưng nếu dự án đầu tư nào bị thất bại, những người đứng đầu quỹ cũng không bị truy cứu trách nhiệm.
Qua phân tích những chính sách hỗ trợ quá trình xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Hàn Quốc, có thể nhận thấy: Hàn Quốc đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để các doanh nghiệp này có được một quy trình khép kín nhằm huy động vốn đầu tư tương ứng với từng giai đoạn phát triển của mình. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn đưa ra chính sách khuyến khích sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ, chính sách xúc tiến thương mại, đầu tư, nhằm cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.
2. Vấn đề trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam
- Chưa có một chính sách đặc thù đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung, quy định về chính sách thuế, tài chính đối với doanh nghiệp khơỉnghiệp nói riêng, chưa có sự phân biệt theo hướng dành ưu đãi cao hơn cho cácdoanh nghiệp khởi nghiệp.
- Về định mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã được quy định khá rõ trong các nghị định, tuy nhiên hai vấn đề ảnh hưởng tới tính khả thi của các chính sách hỗ trợ tài chính, đầu tư là tiêu chí lựa chọn và sự phối hợp của các cơ quan nhà nước vẫn còn rất hạn chế.
- Thiếu các thông tin liên quan để kết nối các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các nhà khởi nghiệp.
- Hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước chưa được ban hành. Vì vậy, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp từ các quỹ có nguồn gốc ngân sách gần như chưa thể triển khai.
- Cơ sở hạ tầng kém phát triển, thủ tục hành chính rườm rà cũng là những rào cản cho sự phát triển của hoạt động khởi nghiệp.
- Chưa hỗ trợ quá trình đào tạo tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
- Chính sách tín dụng khó tiếp cận do hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ban đầu đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, nguồn vốn nội sinh ít, tài sản để thế chấp vay ngân hàng hầu như không có. Bên cạnh đó, bản chất của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là rủi ro cao nên các kênh huy động vốn truyền thống qua các ngân hàng thương mại rất khó khăn.
3. Giải pháp
Một là, tăng cường mạng lưới liên kết, cụm công ty, cụm ngành nhằm phổ biến công nghệ và đổi mới. Việt Nam đã có nhiều chính sách nhằm phát triển lực lượng sản xuất và nâng cao trình độ sản xuất, trong đó hình thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao để thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng lực lượng lao động và tăng cường mạng lưới liên kết giúp các đơn vị tìm kiếm các đối tác và phát huy hết được khả năng của mình, tạo ra lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành. Quá trình liên kết này cũng được các chính sách nhà nước hỗ trợ về quá trình đào tạo, kết nối, hỗ trợ sản xuất và xây dựng chuỗi giá trị; kết nối các doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế được quy định tại điều 19, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa; khoản n, điểm 3, Mục II, Nghị quyết số 35/NQ-CP; điểm 4, điểm 8 mục III, Quyết định số 844/QĐ-TTg; Nghị định số 38/2018/NQ-CP… Tuy nhiên, mục tiêu trực tiếp ở Việt Nam hiện nay, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới chỉ là thu hút, tập trung các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể ở địa phương,… được tổ chức theo mô hình kết nối mạng hoặc mô hình vệ tinh cần được củng cố, phát triển theo hướng củng cố hạ tầng kỹ thuật và môi trường, tăng cường các mối liên kết giữa các doanh nghiệp để tạo dựng và phát triển chuỗi giá trị.
Hai là, trong quá trình xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ và các Ban, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy tính chủ động sáng tạo, nâng cao năng lực quản lý, phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực, mở rộng các mối liên kết với các loại hình doanh nghiệp khác, tăng hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh trên thị trường; phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động. Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là một nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập, giúp hình thành thị trường cạnh tranh hiệu quả, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngoài ra, cần đưa ra các chính sách ưu đãi không chỉ dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp, mà còn bao gồm cả nhà đầu tư bỏ vốn vào các quỹ đầu tư khi họ rót vốn cũng như thoái vốn. Ngoài ra, Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục thành lập/đóng cửa doanh nghiệp. Khung pháp lý mới cũng cần đặt ra cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thúc đẩy cơ hội tái khởi động sau khi doanh nghiệp phá sản, đẩy nhanh thủ tục phá sản, đẩy mạnh hệ thống phòng ngừa phá sản.
Ba là, cần đưa ra chính sách hỗ trợ về mặt tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đầu tiên là chính sách hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, cần giảm thuế hoặc không đánh thuế 1 - 3 năm từ khi thành lập doanh nghiệp; giảm thuế đối với nhà đầu tư cũng là giải pháp hỗ trợ cần thiết cho các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân. Cần đưa ra các cơ chế hỗ trợ tài trợ như kết hợp nguồn vay không hoàn lại cũng như nguồn vay hoàn lại và các khoản đầu tư, tài trợ của Chính phủ; các khoản trợ cấp, đồng tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cần hỗ trợ cho các chương trình sáng tạo, tạo lập các khoản cho vay sử dụng trợ cấp vốn của nhà nước, tăng cường nguồn vốn chủ sở hữu. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn tài trợ dễ dàng hơn bằng cách cung cấp các phương pháp tiếp cận đơn giản và nhanh chóng; tìm kiếm phương pháp thay thế tài chính; ban hành các chính sách tiền tệ và giúp xác định các nguồn tin tài chính trong khu vực tư nhân và khu vực nước ngoài. Đưa ra các giải pháp nhằm tối ưu hóa thủ tục tài trợ vốn như đơn giản hóa và làm rõ điều kiện tài trợ vốn, tạo lập các quỹ kết cấu, hệ thống giám sát dễ dàng hơn, thủ tục thực hiện nhanh chóng hơn cũng là những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tài chính. Chính phủ cũng cần tạo thêm các công cụ tài chính như quỹ cho vay không hoàn lại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có các sáng kiến đổi mới theo định hướng và các thí nghiệm được triển khai thực nghiệm.
Bốn là, Chính phủ cần đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quảng cáo và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về khởi nghiệp trong cộng đồng. Đồng thời, tạo các diễn đàn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến về các sáng kiến mới và xúc tiến thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Năm là, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo, nhất là gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế. Hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: (i) Hỗ trợ nghiên cứu (bao gồm cả tài chính và các thiết bị khoa học); (ii) Cộng tác nghiên cứu thông qua việc thành lập các trung tâm nghiên cứu gắn với sự hỗ trợ của doanh nghiệp; (iii) Thông qua các hoạt động truyền thông (cả chính thức và phi chính thức), gắn kết các công ty trong chương trình đại học là cơ chế chính cho việc chuyển giao công nghệ; (iv) Chuyển giao công nghệ, hoạt động dựa trên hợp tác nghiên cứu với các doanh nghiệp, trong đó, các trường đại học, viện nghiên cứu là nguồn lực thông tin chính.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bùi Nhật Quang (2018), “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Nguyễn Thị Thu Hà, “Bàn về hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam”.
Nguyễn Đặng Anh Tuấn (2018), “Các nhân tố tác động tới dự định khởi nghiệp
của thanh niên Việt Nam”.
Nguyễn Văn Trưởng (2018), “Thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo tại Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp”.
Trương Đặng Thu Hiền (2018), “Thực hiện chính sách hỗ trợ thanh niên khởi
nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh”.
http://khoinghiepsangtao.vn/
Support policies for innovative enterprises in Vietnam
Nguyen Duc Trong
Hanoi University of Science and Technology
ABSTRACT:
Innovative startup ecosystem in Vietnam has great development potential. However, in order to achieve further successes and reduce the number of dissolved and decommissioned enterprises, ministries, branches and localities should carry out more support policies for startup companies. With appropriate support policies, the startup ecosystem in Vietnam could attract more investors in order to support the growth of innovative enterprises.
Keywords: Policy support, start-up, enterprises, Vietnam.