Giải pháp cho nông sản mùa dịch: Cần chính sách căn cơ hơn hô hào!
Câu chuyện giải cứu nông sản không dừng lại ở Hải Dương mà có thể lặp lại ở bất kỳ địa phương nào trong tương lai. Vì thế, cần một chính sách chung, tổng thể và toàn diện để áp dụng rộng rãi chứ không phải mỗi nơi một kiểu, trông vào những 'chuyến xe giải cứu' nhỏ lẻ bên hè đường.
Mấy ngày nay, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều điểm giải cứu nông sản Hải Dương do các cá nhân, nhóm thiện nguyện đứng ra thiết lập với mong muốn giúp người dân vượt qua khó khăn. Có thể thấy, dịch Covid-19 bùng phát lần này có những tình huống mới không giống như mấy đợt trước đây. Một trong những tình huống mới là việc giải cứu nông sản của người nông dân bắt đầu mùa thu hoạch với hàng ngàn tấn sản phẩm rau, củ, quả… Dịch còn diễn biến phức tạp, câu chuyện giải cứu nông sản không dừng lại ở Hải Dương mà có thể lặp lại ở bất kỳ địa phương nào trong tương lai. Vì thế, cần một chính sách chung, tổng thể và toàn diện để áp dụng rộng rãi chứ không phải mỗi nơi một kiểu và trông vào những “chuyến xe giải cứu” nhỏ lẻ bên hè đường như hiện nay.
Bài học từ Hải Dương
Bài học từ Hải Dương lần này chính là cách vận hành lưu thông hàng hóa, nông sản trong tình trạng bị phong tỏa giãn cách xã hội. Giải bài toán các mặt hàng nông sản của người dân như bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, ổi... đến thời điểm thu hoạch mà không thể bán hay xuất khẩu bình thường ra nước ngoài như thế nào để tổn hại kinh tế ít nhất cho người nông dân.
Thời điểm giãn cách xã hội không thể chậm trễ vì sự lây lan nhanh của Covid-19. Trong khi đó, theo thống kê của tỉnh Hải Dương thì "trên địa bàn tỉnh còn 4.087ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa) cần được tiêu thụ".
Đây chính là vấn đề nảy sinh mà chúng ta có thể chưa lường hết từ trước để chuẩn bị kịch bản. Bởi thế, rất nhiều tấm lòng tốt đã tự động thể hiện tinh thần "giải cứu" lượng "hàng hóa" này bằng cách, đứng ra mua cho người dân rồi đưa về các tỉnh thành phố và tới các huyện đang bị phong tỏa cấp không thu tiền. Các tỉnh, thành phố cũng lên tiếng đưa ra những giải pháp giúp Hải Dương giải quyết hàng nông sản.
Tuy nhiên, việc giải cứu những hàng nông sản này đang với mục đích không để người nông dân mất mát trắng tay. Cho nên giá bán "giải cứu" tại Hà Nội như: ổi khoảng 5.000 đồng/kg, giá su hào, bắp cải cũng chỉ khoảng 3.000- 4.000 đồng/kg... Giá bán rất rẻ, có nơi chỉ bán được đồng nào hay đồng ấy.
Trước những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là hoạt động lưu thông, tiêu thụ nông sản cho các địa phương vùng dịch, Bộ Công thương vừa có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Bộ Công thương cho hay, trước khó khăn trong tiêu thụ nông sản trong vùng dịch, Bộ đã kết nối các doanh nghiệp phân phối lớn phối hợp với các địa phương (thông qua Sở Công thương) để thúc đẩy tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, đã thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường. Tuy nhiên, vẫn có một số vướng mắc, khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) của một số địa phương vùng đang có dịch, đặc biệt là tỉnh Hải Dương và các tỉnh giáp ranh.
Theo đó, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương.
Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Hải Dương cho biết, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hóa ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu... Điều này làm cho hàng hóa bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng… gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm Covid-19 của Bộ Y tế tại Công văn số 898/BYT-MT ngày 7/ 2/2021 về việc hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ, khó tiêu thụ.
Cụ thể như: tất cả các lái xe khi qua trạm kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm Covid-19. Song thực tế, các đơn vị y tế chỉ phục vụ xét nghiệm cho người thuộc diện cách ly, chưa xét nghiệm dịch vụ. Hơn nữa, năng lực xét nghiệm của các địa phương có dịch chưa đáp ứng đủ, kịp thời. Kết quả xét nghiệm không thể hiện rõ thời hạn hiệu lực của phiếu xét nghiệm… khiến nhiều doanh nghiệp, lái xe phải tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh cầm chừng.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, khi làm xét nghiệm tại một số cơ sở y tế tư nhân (Medlactec…) đã không được công nhận (doanh nghiệp không biết kiểm tra âm tính Covid-19 ở đâu và giấy xác nhận có thời hạn bao lâu…). Trong khi đó, thời gian nhận kết quả PCR mất nhiều thời gian, CDC Hải Dương và các điểm xét nghiệm đang quá tải với việc xét nghiệm phòng chống dịch nên không thể đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm của các doanh nghiệp và lái xe.
Bên cạnh đó, chưa có quy trình hướng dẫn thống nhất bảo đảm an toàn phòng chống Covid-19 trong sản xuất, thu hoạch, bao gói, vận chuyển nông, lâm thủy sản tươi sống từ vùng dịch ra ngoài nên cả bên mua và bên bán đều gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh nông sản…
Giải pháp căn cơ để không còn “giải cứu”?
“Giải cứu nông sản” là cụm từ được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây, tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì bản chất của tổ chức giải cứu nông sản là sự thất bại trong việc sản xuất nông nghiệp, được mùa mất giá cứ như vòng lặp “vận” vào người nông dân trong nhiều năm nay không riêng gì trong đợt dịch Covid-19 này. Một số sản phẩm cứ đến mùa thu hoạch lại dư thừa như dưa hấu, thanh long, cà phê, củ cải…, làm đời sống người nông dân điêu đứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển nông nghiệp và kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, việc quá phụ thuộc vào một thị trường cũng là rào cản lớn trong việc phát triển nông nghiệp. Theo thống kê, năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 41,3 tỷ USD, thị trường Trung Quốc chiếm 27,8%. Do diễn biến khó lường của dịch Covid-19, hàng loạt cửa khẩu phải đóng cửa khiến thị trường tiêu thụ nông sản của người Việt chao đảo.
Đánh giá về vấn đề giải cứu nông sản, bà Phạm Chi Lan chia sẻ: “Giải cứu nông sản không chỉ là trách nhiệm của ngành nông nghiệp mà còn của các ngành khác. Ví dụ như đầu tư vào các phương tiện để bảo quản, lưu giữ các sản phẩm nông sản tốt hơn; đầu tư về mặt thị trường, để các Trung tâm Khuyến nông hiện nay có cả kỹ năng làm những việc đó. Phải xem ngân hàng có sẵn sàng cho vay với lãi suất hợp lý hay vẫn giữ mức lãi suất ngất ngưởng. Nếu lãi suất quá cao, rủi ro lớn thì người nông dân không dám vay vốn, doanh nghiệp không dám đầu tư. Rủi ro trong ngành nông nghiệp là rất lớn do các yếu tố về thời tiết, thị trường, vì thế, Nhà nước phải có chính sách, các ngành cần chung tay”.
Để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và đời sống của nông dân, đòi hỏi các bộ, ngành chức năng và các cấp chính quyền phải phối hợp khắc phục những nguyên nhân đang kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp, trên cơ sở đó xây dựng giải pháp căn cơ, có tính khả thi, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và ngoài nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là đầu tầu dẫn dắt việc sản xuất theo quy hoạch, theo thị trường.
Chiến lược với Covid-19 hiện nay là khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc. Khái niệm phong tỏa hẹp cũng cần tính tới yếu tố hàng hóa, tức là hạn chế lưu thông hàng hóa đối với những khu vực hẹp đang là ổ dịch chứ không bắt buộc với hàng hóa trên diện rộng.
Đối với mặt hàng tiêu dùng, lại là câu chuyện mang tính vĩ mô hơn. Chẳng hạn như yêu cầu các siêu thị, các chuỗi bán lẻ tập trung ưu tiên rau củ quả của địa phương đang có dịch.
Tại cuộc họp giao ban của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết và phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Trong phòng dịch phải gắn với đời sống và giải phóng hàng hóa”.
Dịch còn diễn biến phức tạp, câu chuyện giải cứu nông sản không dừng lại ở Hải Dương mà có thể lặp lại ở bất kỳ địa phương nào trong tương lai. Vì thế, cần một chính sách chung, tổng thể và toàn diện để áp dụng rộng rãi chứ không phải mỗi nơi một kiểu và trông vào những “chuyến xe giải cứu” nhỏ lẻ bên hè đường như hiện nay.