Giải pháp cho thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn Long An
Để việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới được chủ động và bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp.
Chất thải hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An chưa được phân loại tại nguồn, khối lượng dao động từ 570-590 tấn/ngày, chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện nào do UBND huyện đó chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển đến nhà máy xử lý rác để xử lý hoặc bãi rác tập trung.
Hiện nay, Nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận, xử lý khoảng 250-260 tấn/ngày, bao gồm rác thải trên địa bàn TP. Tân An, Châu Thành, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, một phần của huyện Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa); đơn giá xử lý 400.000 đồng/tấn.
Công ty Cổ phần Vietstar Khu liên hiệp Phước Hiệp – huyện Củ Chi, TP.HCM tiếp nhận rác thải huyện Đức Hòa với khối lượng khoảng 100-110 tấn/ngày; đơn giá xử lý 450.000 đồng/tấn.
Ngoài ra, thời gian qua, Khu liên hiệp Xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM, mỗi ngày tiếp nhận và xử lý khoảng 130 tấn rác trên địa bàn huyện Cần Đước và Cần Giuộc, một phần rác huyện Bến Lức với đơn giá 450.000 đồng/tấn.
Các huyện Tân Hưng, thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa đã đầu tư lắp đặt lò đốt rác thải sinh hoạt. Huyện Vĩnh Hưng, Đức Huệ đổ tại bãi rác huyện.
Để việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới được chủ động và bảo đảm vấn đề vệ sinh môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp.
Theo ông Võ Minh Thành - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, những giải pháp trước mắt là tiếp tục đề nghị UBND TP. HCM gia hạn xử lý rác thải phát sinh trên địa bàn huyện Đức Hòa. Rác của huyện Vĩnh Hưng được thu gom xử lý tại Nhà máy Chế biến phân Compost xã Thái Bình Trung; rác của thị xã Kiến Tường và huyện Mộc Hóa, Tân Hưng đốt tại lò đốt rác của huyện; các huyện Đức Huệ, Thủ Thừa, Châu Thành, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Tân Thạnh và TP. Tân An chuyển về nhà máy xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (đóng tại huyện Thạnh Hóa).
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong việc thu gom rác thải, bảo đảm việc thu gom đạt tỉ lệ 100% tại các khu đô thị, thị trấn, thị tứ, khu dân cư tập trung và các chợ. Đối với khu vực nông thôn, dân cư thưa thớt chưa có điều kiện thu gom rác thì phải thực hiện thí điểm và nhân rộng mô hình xử lý rác thải tại hộ gia đình bằng cách ủ phân Compost hoặc đốt như huyện Cần Giuộc đang triển khai thực hiện. Địa phương nào còn tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, rác thải đổ không đúng nơi quy định gây mất vẻ mỹ quan và cử tri phản ánh thì chủ tịchUBND địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về việc xử lý rác thải, ông Võ Minh Thành cho biết, về giải pháp lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện tham mưu UBND tỉnh đôn đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa nâng công suất nhà máy xử lý rác thải lên 500 tấn/ngày đúng với tiến độ công ty đã cam kết. Yêu cầu Công ty chủ đầu tư Khu công nghệ môi trường xanh đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt công suất 1.000 tấn/ngày tại huyện Thủ Thừa.
Tham mưu UBND tỉnh kêu gọi đầu tư 1 nhà máy xử lý rác cạnh Công ty Tâm Sinh Nghĩa, công suất 500 tấn/ngày theo hình thức đấu thầu dịch vụ xử lý rác.
Đồng thời, phối hợp với các ngành kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý rác tại huyện Đức Huệ công suất 250 tấn/ngày. Sớm đưa nhà máy cải tạo nâng cấp rác Vĩnh Hưng vào vận hành trong quý 1/2020. Nâng cấp lò đốt rác tại huyện Tân Hưng với công suất 25 tấn/ngày. Tiếp tục làm việc với UBND huyện Cần Đước hoặc Cần Giuộc bố trí quỹ đất để tiếp nhận nhà máy xử lý rác cho 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc.
Mặt khác, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính tiếp tục đề xuất, tham mưu UBND tỉnh ban hành phí thu gom rác thải phải bảo đảm chi trả đủ cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý, tiến tới giảm dần việc hỗ trợ từ ngân sách để bù lỗ. Phấn đấu đến 2021, không còn sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.
Cùng với đó là phải tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong phân loại rác tại nguồn để giảm khối lượng rác, chi phí xử lý, kết hợp với tuyên truyền phổ biến về các lợi ích thiết thực của công tác này, dân dần thay đổi nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp./.
Chất thải hiện nay trên địa bàn tỉnh Long An chưa được phân loại tại nguồn, khối lượng dao động từ 570-590 tấn/ngày, chất thải rắn phát sinh trên địa bàn huyện nào thì do UBND huyện đó chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển đến nhà máy xử lý rác để xử lý hoặc bãi rác tập trung.