Giải pháp chuyển đổi số ngành Nông nghiệp

Ngày 19/5, Hội thảo Giải pháp chuyển đổi số thúc đẩy nông nghiệp bền vững đã được UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức, trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023.

Diễn giả trình bày ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Diễn giả trình bày ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ nghiệp vụ các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện hợp tác xã, trang trại, nhà vườn, doanh nghiệp cung cấp giải pháp số và doanh nghiệp ứng dụng đa ngành nghề của tỉnh Hậu Giang, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đề cập về xu hướng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp dưới góc nhìn thực tiễn ở Đồng bằng sông Cửu Long; nội dung, phương hướng nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm thực hiện chuyển đổi số trong phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025; giải pháp giám sát cháy rừng trên công nghệ bản đồ viễn thám; giải pháp đưa nông nghiệp Việt vươn tầm thế giới; giải pháp chuyển đổi số ngành Nông nghiệp...

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Các đại biểu dự hội thảo thống nhất ý kiến tạo nền tảng tích hợp và nền tảng dữ liệu số cho ngành Nông nghiệp tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, phát triển các dịch vụ, ứng dụng số ưu tiên; kết nối liên thông về dữ liệu thông tin tối ưu hóa cho chuỗi cung ứng sản phẩm; hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng; hỗ trợ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; tạo hệ thống nền tảng kết nối giữa hộ nông dân - doanh nghiệp - chính quyền.

Công nghệ được sử dụng trong dự án ứng dụng công nghệ cao với ngành Nông nghiệp phải là công nghệ thế hệ mới, thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là công nghệ gen ứng dụng trong chẩn đoán, giám định, điều trị; công nghệ chuyển gen trên động vật, thực vật, vi sinh vật định hướng tạo ra các sản phẩm có giá trị cao ứng dụng trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp và bảo vệ môi trường; công nghệ tế bào gốc ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị; ứng dụng trong thay thế các mô, cơ quan; công nghệ tế bào mô, phôi động vật; công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật; công nghệ sinh học.

Diễn giả trình bày tại hội thảo. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Diễn giả trình bày tại hội thảo. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN

Hội thảo đề cập đến một số giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực Nông nghiệp như nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu ngành Nông nghiệp; hệ thống báo cáo thông minh; hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; ứng dụng GIS - Quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp.

Đối với tỉnh Hậu Giang, các đại biểu cho rằng, giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn và bền vững về một số giải pháp với Nhà nước là xóa bỏ rào cản về thủ tục hành chính; có cơ chế chính sách riêng cho từng nhóm đối tượng doanh nghiệp; nâng cao vai trò của vườn ươm doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ tín dụng; bảo lãnh vay ngân hàng; thu hút các sáng kiến, phát minh ứng dụng.

Để phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn và bền vững, doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như thay đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; thay đổi biện pháp kỹ thuật trong canh tác hoặc chăm sóc; lựa chọn sản phẩm có giá trị cao ứng dụng công nghệ phù hợp; ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch; kết hợp công nghệ cao với năng lượng tái tạo, du lịch để nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp./.

Hồng Dân/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-chuyen-doi-so-nganh-nong-nghiep/291797.html