Giải pháp của Ukraine trong lúc chờ vũ khí phương Tây
Tính đến đầu tháng 7, Mỹ và Đức mới chuyển cho Ukraine chưa đến một nửa số viện trợ quân sự mà họ công bố. Các lực lượng Ukraine vẫn phải dựa vào kho vũ khí từ thời Liên Xô để giữ vững phòng tuyến.
Dựa vào vũ khí từ thời Liên Xô
“Loại vũ khí này có từ năm 1987. Có những thứ còn cũ hơn thế. Khẩu pháo này vẫn còn tương đối ‘mới’”, Ali Pirbudagov, binh sỹ thuộc Lữ đoàn tác chiến vùng núi 128 của Ukraine cho biết khi chỉ vào pháo tự hành 2S1 Gvozdika.
Các nước phương Tây đã bắt đầu viện trợ các loại vũ khí tốt hơn cho Ukraine, nhưng tốc độ diễn ra khá chậm, khiến một số đơn vị như Lữ đoàn tác chiến vùng núi 128 của Pirbudagov, phải chiến đấu bằng các loại vũ khí còn sót lại từ thời Liên Xô. Chúng cần phải sửa chữa khá nhiều và các linh kiện cũng không hề dễ tìm.
Trong khi đó, ở bên kia chiến tuyến, các lực lượng Nga thường sử dụng cùng loại pháo, nhưng mới hơn khoảng 15 năm và uy lực mạnh hơn.
Các hệ thống pháo mới được Mỹ và các nước phương Tây viện trợ thường được chuyển cho các đơn vị pháo binh hoặc cho các vị trí ưu tiên cao hơn như khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine, nơi các cuộc giao tranh diễn ra ác liệt.
Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa 2 lực lượng quân sự cũng là do Ukraine vẫn đang phải chờ đợi các loại vũ khí mà họ được phương Tây hứa hẹn cung cấp.
Theo dữ liệu của Viện Kiel về Kinh tế Thế giới, chuyên theo dõi hoạt động viện trợ vũ khí của các nước cho Ukraine, tính đến ngày 1/7, Mỹ và Đức mới chuyển cho Ukraine chưa đến một nửa số viện trợ quân sự mà họ công bố.
Giới chức Ukraine hoan nghênh các gói viện trợ an ninh của các đồng minh và đối tác nhưng Kiev cũng bày tỏ thất vọng về sự chậm trễ ở thời điểm quan trọng của cuộc chiến, khi mà Ukraine có cơ hội phản công.
Ông Richard Moore, Giám đốc cơ quan tình báo MI6 của Anh, tuần trước nói rằng Nga nhiều khả năng sẽ “cạn kiệt nguồn lực” trong những tuần tới.
Chờ đợi vũ khí mới để phản công
Cuộc chiến hiện nay đã trở thành trò chơi “mèo vờn chuột” giữa các đơn vị pháo binh của Ukraine và Nga. Mỗi bên đều sử dụng UAV để trinh sát và xác định mục tiêu tấn công. Với phía Ukraine, họ cần phải đảm bảo vũ khí đã được ngụy trang và di chuyển nhanh chóng. Trong khi đó, mục tiêu chính của Nga là lựu pháo và các kho đạn dược hay bất cứ thứ gì có thể làm ảnh hưởng đến lợi thế của Moscow trên chiến trường.
Các loại pháo hiện đại của Nga có thể tự động điều chỉnh theo địa hình và các yếu tố thời tiết, khiến chúng chính xác hơn so với pháo của Ukraine vốn phải điều chỉnh thủ công.
Với việc các lực lượng của Nga phải phân tán trên một mặt trận rộng lớn trải dài hầu hết biên giới phía Đông và phía Nam của Ukraine, lực lượng Ukraine đã đạt được một số thành công trong việc giành lại lãnh thổ dọc theo trục phía Nam. Phản công thành công tại khu vực này sẽ giúp cải thiện vị thế của Ukraine trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai về chấm dứt xung đột.
Tuy nhiên, Pirbudagov và các thành viên khác trong đơn vị hiện đang ở khu vực Đông Nam Zaporizhzhia cho biết họ không thể tiến quân với những vũ khí mà họ có và điều tốt nhất họ có thể làm là giữ vững vị trí hiện tại. Đẩy các lực lượng Nga lùi 8km trong vòng 2 tháng có thể được coi là tiến triển tích cực.
“Chúng tôi thực sự hy vọng có thể sẽ sớm tiến hành cuộc tấn công”, Pirbudagov nói.
Ukraine thiếu đạn pháo
Phía Ukraine vốn phải dựa vào các loại pháo từ thời Liên Xô cũng đang thiếu đạn dược, vì các loại pháo cũ hơn sử dụng các loại đạn cỡ nòng khác nhau và gần như rất ít được sản xuất bên ngoài nước Nga. Điều đó khiến binh sĩ Ukraine phải lựa chọn mục tiêu thận trọng và chính xác hơn, trong khi đối phương có thể thoải mái hơn với kho đạn pháo lớn hơn nhiều.
Victor Troshky, một binh sỹ thuộc Lữ đoàn 128 cho biết: “Có những ngày tương đối yên ả, nhưng cũng có những lúc đối phương nã tới 80-100 quả đạn mỗi giờ”.
Troshky là Giáo sư tại Đại học Quốc gia Uzhhorod miền Tây Ukraine, có bằng Tiến sĩ về khoa học vật lý và toán học. Troshky cho biết, kiến thức khoa học có thể giúp ích cho chiến lược pháo binh, nhưng vẫn có những hạn chế không thể khắc phục được. Trong khi Nga có thể nã pháo với tần suất lớn lơn, phía Ukraine phải thận trọng hơn, tính toán kỹ lưỡng hơn để bảo tồn kho đạn và bảo vệ dân thường.
“Đánh trúng mục tiêu chính xác chỉ với một phát bắn không phải là điều dễ dàng. Lệch một chút sang trái hay phải có thể có một tòa nhà dân cư”, Troshky cho biết.
Troshky và các thành viên khác trong đơn vị thỉnh thoảng tự tìm hiểu về các hệ thống pháo của phương Tây mà họ hy vọng sẽ nhận được. Tuy nhiên họ cũng không biết chính xác sẽ nhận được những gì và khi nào vũ khí sẽ tới.
Mykola Bezkrovnyi, Phó chỉ huy của Troshky cho biết: “Có thể chúng tôi sẽ không được nhận những gì mình mong muốn. Hiện nay Cộng hòa Séc, Slovakia và Ba Lan cũng có số lượng lớn các hệ thống pháo tương tự như Ukraine mà họ có thể chuyển cho chúng tôi để thay thế cho các khẩu pháo đã bị phá hủy”./.