Giải pháp để cứu chợ truyền thống thoát cảnh ế ẩm

Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử không còn mạnh mẽ nữa mà xu hướng livestream bán hàng trên mạng xã hội thông qua những nhà sáng tạo nội dung số đã trở thành trào lưu, thu hút lượng người theo dõi khá lớn. Với xu hướng đó, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu thí điểm mô hình này.

“Hiện nay, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) không còn mạnh mẽ nữa mà xu hướng livestream bán hàng trên mạng xã hội thông qua những nhà sáng tạo nội dung số đã trở thành trào lưu, thu hút lượng người theo dõi khá lớn. Với xu hướng đó, TP Hồ Chí Minh đã bắt đầu thí điểm mô hình này”, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố cho biết tại chương trình “Cơ hội mới cùng kênh mua sắm giải trí” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 23/12.

Hỗ trợ tiểu thương livestream bán hàng ở chợ Bến Thành.

Hỗ trợ tiểu thương livestream bán hàng ở chợ Bến Thành.

Theo ông Vũ, để thực hiện mô hình này, Thành phố đã phối hợp với nền tảng Tiktok triển khai thí điểm đầu tiên tại Cần Giờ. Tại đây, các KOL (người có sức ảnh hưởng) đã tổ chức livestream bán các sản phẩm OCOP và đã đạt được kết quả khả quan. Thấy hoạt động này hiệu quả, chương trình tiếp tục triển khai tại chợ Bến Thành. Sau 3 ngày thí điểm tại chợ Bến Thành đã có 120 video, 150 triệu view. Đến nay, sau một tuần đã tăng lên 219 triệu view.

Không chỉ KOL livestream bán hàng trực tiếp, tại chợ Bến Thành còn có mô hình Al (người ảo) tham gia livestream bán hàng và chỉ sau 18 giờ bán được 900 đơn hàng. Trong toàn bộ 77 phiên livestream bán hàng cùng tiểu thương, đã có 18.200 đơn hàng được chốt với hơn 81,6 triệu người theo dõi livestream. Đặc biệt, chương trình thu hút phần lớn giới trẻ, trong đó có 200 sinh viên tham gia. Qua khảo sát, có 70% tiểu thương mong muốn được chuyển đổi số và 900 tiểu thương mong muốn tham gia chương trình này.

Nhìn chung, các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh hiện đang rất ảm đạm mặc dù đã vào mùa mua sắm cuối năm. Thậm chí, một số chợ lớn như An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6)... tình trạng tiểu thương bỏ sạp vì thua lỗ vẫn tiếp diễn.

Lý giải sức mua tại chợ truyền thống ngày càng ảm đạm, bà Trần Như Quỳnh, Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại xu hướng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố đã có nhiều thay đổi, trong khi đó diễn biến bắt nhịp tại chợ truyền thống lại diễn ra chậm.

Bên cạnh đó, các kênh mua sắm như online và kênh mua sắm hiện đại ngày càng phát triển cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến mãi lực của chợ truyền thống. Một nguyên nhân nữa, đó là tình trạng kinh doanh tự phát xung quanh các chợ đã làm ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của chợ truyền thống hiện nay.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho chợ truyền thống, trước mắt Sở Công thương phối hợp UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện rà soát đánh giá lại hiệu quả của các chợ truyền thống. Qua đó, đề xuất sắp xếp lại hoạt động của các chợ cũng như thương nhân đang kinh doanh tại chợ. Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn tiểu thương kinh doanh hàng hóa qua mua bán trực tuyến.

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện Tiktok tại Việt Nam cho biết, có mặt tại thị trường Việt Nam đến nay là 18 tháng, mỗi ngày Tiktok shop có từ 1-2 triệu đơn hàng. Khác với những nền tảng TMĐT khác, trên Tiktok shop những người sáng tạo nội dung đã livestream kể câu chuyện về sản phẩm và thu hút được nhiều người quan tâm.

Ông Trần Quốc Bảo - Phụ trách kênh E2E tập đoàn Kido khẳng định, Việt Nam có trên 100 triệu dân, tỷ lệ tham gia Internet lên đến 80%, tỷ lệ dùng mạng xã hội chiếm 71% (mạng xã hội chính vẫn là Tiktok, Facebook, Zalo). Tuy nhiên, chỉ cần năm sau thì thống kê này sẽ có sự dịch chuyển, vì mua sắm online kết hợp với giải trí đã trở nên phổ biến, mà Tiktok đang làm rất tốt việc này. Vì vậy, các DN cần khai thác hiệu quả phương pháp bán hàng online để phù hợp với sản phẩm của mình.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/giai-phap-de-cuu-cho-truyen-thong-thoat-canh-e-am-i718132/