Giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA ở Quảng Trị

Ngày 31/10/2019 thảo luận tại hội trường kì họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng: 'Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm', đặc biệt các chương trình dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân còn rất chậm, 9 tháng đầu năm 2019 toàn quốc tỉ lệ giải ngân vốn ODA chỉ đạt 18,8% . Riêng Quảng Trị, năm 2019 tổng kế hoạch vốn bố trí dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài 642,22 tỉ đồng, giải ngân đạt 46,1% so kế hoạch vốn được giao.

 Vốn ODA góp phần mở rộng mạng lưới giao thông ở Quảng Trị. Ảnh: PV

Vốn ODA góp phần mở rộng mạng lưới giao thông ở Quảng Trị. Ảnh: PV

Vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài là hình thức hợp tác phát triển của Chính phủ các nước phát triển, các tổ chức quốc tế với các nước đang phát triển hoặc chậm phát triển thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản vay với điều kiện ưu đãi. Ngoài ra bên viện trợ thông qua các khoản cho vay ưu đãi hay các khoản viện trợ không hoàn lại sẽ cung cấp cho bên viện trợ hàng hóa, chuyển giao khoa học kĩ thuật, cung cấp dịch vụ…

Tại Quảng Trị, việc triển khai sử dụng dự án ODA và vốn vay ưu đãi được thực hiện qua rất nhiều năm. Giai đoạn năm 2011 đến 2019, Quảng Trị đã tiếp nhận vốn ODA và vay ưu đãi của gần 30 nhà tài trợ song phương và đa phương với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng như: Đức, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Tây Ban Nha, Italia, Hàn Quốc, EU, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ OPEC... Với một tỉnh còn nghèo, nguồn thu ngân sách nhà nước còn khó khăn, thì việc tranh thủ tiếp nhận, sử dụng hiệu quả vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài là yếu tố quan trọng và then chốt cho việc phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội của tỉnh, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng ở các đô thị, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi.

Một thực tế cho thấy, từ khi Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ ban hành thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, giảm đầu tư công thì việc cân đối điều hòa vốn đầu tư công từ trung ương về các địa phương hết sức khó khăn; nguồn thu địa phương còn hạn chế, vì vậy việc tranh thủ tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài trở thành mục tiêu ưu tiên của tỉnh. Xác định tầm quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo tổ chức khai thác, tăng cường phát triển quan hệ với các nước huy động nguồn vốn cho các dự án, mặt khác tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài hoạt động có hiệu quả và đúng pháp luật về quản lí và sử dụng nguồn vốn viện trợ và vay nước ngoài.

Năm 2019, Quảng Trị được phân bổ vốn dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài có tổng kế hoạch vốn là 642,22 tỉ đồng của 20 dự án, trong đó 2 dự án do bộ, ngành trung ương quản lí là 92,5 tỉ đồng và 18 dự án do địa phương quản lí là 549,72 tỉ đồng (trong đó vốn ODA 453,5 tỉ đồng và vốn đối ứng 96,22 tỉ đồng); tính đến hết quý III/2019, tổng số tiền giải ngân dự án do bộ, ngành trung ương quản lí là 60 tỉ đồng, đạt 62 % kế hoạch và dự án do địa phương quản lí là 236,12 tỉ đồng, đạt 42,95% kế hoạch (trong đó giải ngân vốn ODA 199,8 tỉ đồng, đạt 44,05% kế hoạch và vốn đối ứng 36,31 tỉ đồng, đạt 37,7% kế hoạch). Tỉ lệ giải ngân này so tỉ suất đầu tư và tỉ lệ giải ngân của cả nước tương đối tốt, tuy nhiên với hơn 2/3 thời gian của niên độ ngân sách thì tỉ lệ giải ngân mới đạt gần 50% so với kế hoạch vốn, như vậy là chưa hợp lí với tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn. Nhiều dự án chưa có động thái giải ngân do yếu tố khách quan và chủ quan.

Nguyên nhân của tình trạng trên đầu tiên là nằm ở công tác giải phóng mặt bằng. Khi triển khai thực hiện dự án thì công tác giải phóng mặt bằng là tiên quyết và có tính “đầu tàu”. Mỗi khi công tác này bị ách tắc thì dự án không thể triển khai được. Theo Nghị định số 37/2015/ND-CP ngày 24/4/2015 của Chỉnh phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao thì chủ đầu tư mới tiến hành hợp đồng xây dựng theo chế độ quy định.

Có những dự án như dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông - hợp phần tỉnh Quảng Trị, một số hạng mục vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, mặc dù đã họp dân để thống nhất chế độ đền bù đảm bảo đơn giá đúng theo chế độ, tuy nhiên còn một số hộ chưa thống nhất hoặc đã thống nhất khi công khai nhưng khi đền bù thì không chấp nhận..., song để đảm bảo thời gian và tiến độ của dự án đã được thỏa thuận trong hiệp định đã kí kết với nước ngoài nên buộc phải phê duyệt đền bù và thực hiện công tác “vận động” để thông tuyến. Nhiều tiểu dự án phải thực hiện thi công theo “cơ chế cuốn chiếu”, tức đền bù đến đâu thi công đến đó.

Một vướng mắc khác là do thiếu vốn đối ứng. Theo Thông tư số 111/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định tại Điều 6, khoản 2, điểm a khi triển khai chương trình, dự án vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài phải thực hiện cơ chế tài chính vốn đối ứng ngân sách của địa phương theo tỉ lệ thỏa thuận của hiệp định, thường tỉ lệ áp dụng là 10% tổng vốn của dự án chi trả cho chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, quản lí dự án...và khi thanh toán vốn ODA thì phải bố trí thanh toán vốn đối ứng tương ứng tỉ lệ. Đây là vấn đề khó cho địa phương khi nguồn thu ngân sách địa phương còn hạn chế. Nhiều dự án đã triển khai song chưa thể bố trí vốn đối ứng do địa phương thiếu vốn. Nhiều tiểu dự án đã không triển khai được ngay từ công tác giải phóng mặt bằng do thiếu vốn đối ứng của địa phương phục vụ chi phí đền bù. Đây là bài toán khó cho tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách địa phương chưa đủ cân đối cho mọi chi phí.

Ngoài ra còn do một số nguyên nhân về thủ tục hoặc chưa bố trí đủ vốn như dự án Xây dựng dân sinh và quản lí tài sản địa phương (Dự án LRAMP) do Sở Giao thông Vận tải quản lí, theo tiến độ tài chính dự án thì năm thứ I (2019) sẽ bố trí vốn 132 tỉ đồng nhưng đến tháng 11/2019 mới chỉ bố trí kế hoạch vốn năm được 37 tỉ đồng kể cả vốn vay ưu đãi.

Để tháo gỡ vướng mắc khách quan và chủ quan nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài trên địa bàn tỉnh cần tập trung điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 (nếu có), tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vì đây là điều kiện tiên quyết để tạo “tính sẵn sàng” cho các dự án đảm bảo đúng Luật Đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công năm 2019, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, đặc biệt trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; sử dụng phương pháp “vận động” thống nhất đền bù trước khi phê duyệt, có thể chậm thời gian (ở mức cho phép) để tránh ách tắc hoặc công trình thi công dang dỡ do vướng mắc đền bù.

Đối với vốn đối ứng, mặc dù đây là vấn đề khó khăn khách quan, song cần tranh thủ nguồn vốn khác của trung ương để cân đối cho địa phương, đồng thời đầu năm khi xây dựng dự toán vốn đối ứng cần ưu tiên vốn cho các dự án ODA đã và đang thực hiện; linh hoạt điều chỉnh vốn đối ứng đã bố trí nhưng dự án vướng mắc chưa thể thực hiện cho dự án triển khai tốt. Việc tập trung tháo gỡ khó khăn vốn đối ứng sẽ giúp cho tỉnh tiếp nhận được nguồn vốn ngoài nước để phục vụ công tác đầu tư phát triển trong điều kiện ngân sách đang khó khăn.

Tăng cường công tác quản lí vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; phân công trách nhiệm theo dõi tiến độ, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án; tạo kênh thông tin tiếp nhận và lắng nghe ý kiến phản ánh của nhà thầu thi công để có kế hoạch giải quyết. Đưa chỉ tiêu kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cán bộ, cơ quan; rà soát tình hình thực hiện từng dự án, từ đó phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, xây dựng, đấu thầu, nhóm các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, nhóm các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân để xây dựng các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những ách tắc làm chậm tiến độ giải ngân vốn.

Để nâng cao hiệu quả tiếp nhận, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, phải mạnh dạn nhìn thẳng vào những nguyên nhân khách quan và chủ quan, phân tích chi tiết để đưa ra những giải pháp hữu hiệu và kịp thời nhằm thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài góp phần cùng các nguồn vốn khác giúp cho sự nghiệp đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, nâng cao năng lực quản lí cán bộ địa phương của tỉnh đạt được kế hoạch mục tiêu đã đề ra.

Võ Xuân Tịnh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=144387