Giải pháp để TP HCM không 'hụt hơi' trong thu hút đầu tư vào KCN
TP HCM được mệnh danh là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước, tuy nhiên trong những năm gần đây, tình hình phát triển các khu công nghiệp lại khá ảm đạm khi dòng vốn FDI đang có xu hướng dịch chuyển ra phía Bắc.
Thông tin về tình hình phát triển các khu công nghiệp (KCN) TP HCM tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các KCN TP HCM (HBA) cho biết: "Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 18 KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trên 80%".
"Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN của thành phố những năm gần đây tiếp tục phát triển, tuy nhiên do thiếu quỹ đất cho phát triển hạ tầng KCN, một số nhà đầu tư nước ngoài đã dịch chuyển sang khu vực Đồng Nai hoặc lựa chọn khu vực phía Bắc để xây nhà xưởng", ông Đức cho hay.
Lý giải nguyên nhân không đủ đất cho sản xuất công nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội các KCN TP HCM cho biết, hầu hết quỹ đất bị vướng quy hoạch và mặt bằng dẫn đến việc không cung cấp được các khu đất có quy mô lớn cho doanh nghiệp.
Phân tích thêm về xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ TP HCM sang khu vực phía Bắc, tại diễn đàn do Báo Đầu tư tổ chức ngày 24/8, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Văn Sử cho hay:
"Khoảng 30 năm về trước, khu vực phía Nam đứng số 1 về thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM do địa chất khu vực này ổn định. Tuy nhiên, khi quỹ đất đã hết, các nhà đầu tư đã mở rộng tìm kiếm các khu vực lân cận như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng do địa chất khu vực này yếu, chi phí đảm bảo an toàn vùng địa chất cao dẫn tới các nhà đầu tư lựa chọn dịch chuyển ra phía Bắc tìm kiếm cơ hội".
"Trong 15 năm trở lại đây, khu vực phía Bắc đã vươn lên trở thành điểm đến của các nhà đầu tư KCN với những lợi thế như địa chất ổn định, gần nguồn cung ứng (Trung Quốc), hạ tầng giao thông phát triển, chi phí vận chuyển ít", Phó cục trưởng Đỗ Văn Sử nhận định.
Đánh giá xu hướng thu hút đầu tư tại Việt Nam, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C Bruno Jaspaert cho rằng, các tỉnh phía Bắc đang có được ảnh hưởng đầu tư và dư địa tăng trưởng lớn nhất trong cả nước. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không phải thị trường phía Nam ít hấp dẫn hơn.
"Tôi tin rằng, thị trường miền Nam có rất nhiều lợi thế nhưng thiếu mặt bằng, tiền công lao động cao hơn và giá cả sinh hoạt cũng cao hơn so với miền Bắc. Nếu so sánh việc kinh doanh buôn bán giữa miền Nam và miền Bắc sẽ thấy miền Bắc có thể có các yếu tố tốt hơn", ông Bruno nói.
"Tuy nhiên, chắc chắn miền Bắc không phải là nơi duy nhất để các nhà đầu tư lựa chọn, mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như cơ sở hạ tầng thích hợp hay cơ sở sản xuất nằm gần chuỗi cung ứng của chính các nhà sản xuất”, Tổng giám đốc Tổ hợp KCN DEEP C nhận định tại sự kiện do báo Đầu tư tổ chức ngày 24/8.
Giải pháp thu hút đầu tư vào KCN tại TP HCM
Khẳng định đại bàng chẳng thể ở trong tổ yến, Chủ tịch Hiệp hội các KCN TP HCM Đào Xuân Đức cho biết đã có những kiến nghị tới UBND thành phố nhanh chóng giải quyết các vướng mắc về mặt bằng và quy hoạch, đưa đất vào phục vụ sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, để có thêm mặt bằng cho sản xuất kinh doanh, ông Đức đề xuất TP HCM có thể nghiên cứu giải pháp xây dựng các nhà xưởng cao tầng thay vì nhà xưởng một tầng để tăng tối đa diện tích. Tuy nhiên, mô hình nhà xưởng này sẽ chỉ phù hợp với các ngành nghề công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử.
Thông tin thêm, Chủ tịch Hiệp hội các KCN TP HCM cho hay vào tháng 5/2023, Chính phủ cũng đã đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc bổ sung KCN Phạm Văn Hai I với diện tích 379 ha và KCN Phạm Văn Hai II diện tích 289 ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh vào Quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP HCM. Đây chính là cơ hội để TP HCM thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài việc phát triển quỹ đất, các đại biểu cũng nêu ra nhiều yếu tố khác để thu hút đầu tư vào Việt Nam nói chung và khu vực TP HCM nói riêng đạt hiệu quả như vấn đề hạ tầng giao thông, môi trường, năng lượng, thuế, chi phí sản xuất, thủ tục hành chính,...
Đại diện BW Industrial Paul Wee nhận định hạ tầng giao thông là yếu tố mà các nhà đầu tư lớn vô cùng quan tâm vì vậy, Việt Nam cần phải cải thiện hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường cao tốc.
Nhà đầu tư không chỉ muốn Chính phủ cam kết xây dựng các con đường mà còn mong muốn các dự án này hoàn thành đúng hạn để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Ở phía Nam có rất nhiều dự án giao thông lớn như tuyến Metro số 1, sân bay quốc tế Long Thành, tuy nhiên các dự án này vẫn chưa được hoàn thành, chưa tạo hiệu quả trong thu hút đầu tư.
Còn ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Kocham cho hay, đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc thì yếu tố chi phí (giá điện, giá đất,...) lại rất được quan tâm bởi chi phí ảnh hưởng đến năng suất của doanh nghiệp.
"Hiện có nhiều doanh nghiệp dệt may và da giày của Hàn Quốc đã vào Việt Nam rất lâu. Với thuật ngữ “xuất khẩu tại chỗ”, nên chi phí cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong lĩnh vực này", ông Choi Kyu Chul nói.