Giải pháp để Việt Nam hội nhập chuẩn mực kế toán quốc tế
ThS. TRẦN THỊ QUYÊN (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)
TÓM TẮT:
Toàn cầu hóa kinh tế đòi hỏi sử dụng ngôn ngữ kinh tế chung, do đó việc phát triển hệ thống IAS/IFRS là xu thế tất yếu, khách quan trong tiến trình phát triển. Sự tạo dựng hệ thống IAS/IFRS đang được sự quan tâm, cũng như hưởng ứng của nhiều quốc gia. Tuy đây là dấu hiệu tích cực trong xu hướng phát triển nhưng lại đặt ra rất nhiều thách thức. Bài viết phân tích tiến trình hội nhập chuẩn mực quốc tế về kế toán, những cơ hội và thách thức, từ đó đề xuất một số giải pháp thích hợp nhằm đáp ứng xu hướng hội nhập chuẩn mực kế toán quốc tế của Việt Nam.
Từ khóa: IFRS, VAS, hội nhập quốc tế, báo cáo tài chính.
1. Tiến trình hội nhập chuẩn mực quốc tế về kế toán của Việt Nam
Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, việc lập Báo cáo tài chính (BCTC) theo IFRS đang ngày càng nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhiều quốc gia trên thế giới. Việc áp dụng các chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc tế để lập BCTC giúp nâng cao tính công khai, minh bạch trong BCTC của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN niêm yết, đồng thời còn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong việc thu hút các nguồn vốn nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam cũng đã trở thành thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế như WTO, IMF, ASEAN tham gia FTA, APEC, CEPT, ACE, do vậy, việc từng bước xây dựng hệ thống VAS theo hướng hội nhập IFRS cũng là xu hướng tất yếu. Cùng với sự phát triển và hội nhập, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống khuôn khổ kế toán nói riêng. Bắt đầu từ năm 1995, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1141/TC-QĐ-CĐKT hướng dẫn các nội dung công tác kế toán về chứng từ, tài khoản, sổ kế toán và BCTC.
Năm 1998, Bộ Tài chính đã thành lập Ban Nghiên cứu soạn thảo CMKT Việt Nam (VAS) dựa trên CMKT quốc tế (IAS) gồm những nguyên tắc và phương pháp kế toán cơ bản để ghi sổ và lập BCTC. Từ năm 2001- 2005, Bộ Tài chính đã ban hành bộ 26 CMKT Việt Nam gồm các nhóm, như: nhóm chuẩn mực chung, nhóm chuẩn mực tài sản, nhóm chuẩn mực hàng tồn kho, nhóm chuẩn mực đầu tư tài chính, nhóm chuẩn mực doanh thu, nhóm chuẩn mực chi phí, nhóm chuẩn mực lập và trình bày BCTC. Song hành với đó, năm 2003 Luật Kế toán Việt Nam 03/2003/QH 11 được ban hành nhằm đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ về quản lý kế toán. Trong quá trình phát triển chế độ kế toán DN theo Quyết định số 1141/TC-QĐ-CĐKT, nhiều bất cập đã phát sinh và có nhiều điểm không phù hợp với Luật Kế toán năm 2003 đã làm tiền đề cho VAS được ban hành. VAS là nền tảng cơ sở xây dựng, hoàn thiện chế độ kế toán theo khuôn mẫu thống nhất, là “kim chỉ nam” cho hoạt động kế toán.
Năm 2006, Bộ Tài chính đã ban hành chế độ kế toán DN sửa đổi Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC áp dụng cho các DN nói chung và Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC áp dụng cho các DN vừa và nhỏ. Từ năm 2014 - 2016, Bộ Tài chính ban hành nhiều quy định mới thay đổi chế độ kế toán DN nhằm đáp ứng những thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế như Thông tư số 200/2014/TT-BTC (thay thế cho Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC), Thông tư số 133/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Thông tư mới ban hành có nhiều điểm mới, thể hiện sự thay đổi chế độ kế toán Việt Nam theo thông lệ quốc tế như: tôn trọng bản chất hơn hình thức, hệ thống sổ sách và chứng từ linh hoạt không quy định mẫu biểu, tách biệt kế toán và thuế, cập nhật nội dung một số chuẩn mực quốc tế về chênh lệch tỷ giá, hợp nhất BCTC…
Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015 hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 bổ sung nhiều nội dung quan trọng, trong đó phần nguyên tắc kế toán bổ sung thêm khái niệm giá trị hợp lý sẽ khiến cho BCTC phản ánh một cách trung thực, hợp lý và đúng bản chất. Hiện nay ở Việt Nam, đa phần các DN đang áp dụng CMKT Việt Nam (VAS) trong việc lập BCTC theo luật định, chỉ có một số DN có vốn đầu tư nước ngoài hoặc niêm yết trên thị trường quốc tế lập BCTC theo IFRS. Việc từng bước xây dựng hệ thống VAS theo hướng hội nhập IFRS đem đến nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam.
2. Cơ hội và thách thức
Hệ thống IFRS bên cạnh những ưu việt, vẫn tồn tại song song những bất cập nhất định trong quá trình áp dụng. Điều này được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, điển hình như Paul Diaconu & Nicoleta Coman (2006), Tymothy Doupnik & Hector Perera (2007), Anna Jordan (2013), Ray Bal (2016).
2.1. Những cơ hội
Nghiên cứu của Paul Diaconu & Nicoleta Coman (2006) về viễn cảnh toàn cầu trong kế toán, tác giả nhìn nhận áp dụng IFRS sẽ giúp:
- Các công ty sẽ giảm các khoản chi phí trong quá trình hợp nhất BCTC đặc biệt đối với các công ty đa quốc gia;
- Các thông tin mang tính so sánh được trên phạm vi toàn cầu;
- Đẩy mạnh tiến trình toàn cầu hóa bởi sự phát triển của các công ty đa quốc gia. Tymothy Doupnik & Hector Perera (2007) nhận định rằng, những thuận lợi trong việc áp dụng IFRS có thể kể đến như:
- Khi tiến tới hội tụ kế toán quốc tế, các quốc gia sẽ thuận lợi trong việc tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, tạo điều kiện phát triển kinh tế, làm gia tăng tiến trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới;
- Quá trình hội tụ thúc đẩy việc mua bán, sáp nhập công ty ở phạm vi quốc gia lẫn phương diện quốc tế được thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của các quốc gia;
- Hệ thống kế toán chung sẽ được thống nhất và các thông tin kế toán có thể so sánh giữa các quốc gia, khi đó các nhà đầu tư sẽ hạn chế được những rủi ro cũng như giảm được những sự không chắc chắn trong việc xử lý thông tin kế toán;
- Các công ty đa quốc gia sẽ giảm bớt các khoản chi phí và thời gian khi lập và trình bày thông tin trên BCTC hợp nhất;
- Các quốc gia đang phát triển sẽ tiếp cận được hệ thống kế toán được chuẩn hóa và giảm đến mức thấp nhất những chi phí của quốc gia để thực hiện quá trình soạn thảo, ban hành; Anna Jordan (2013) cho rằng việc áp dụng IFRS sẽ đạt được những kết quả trên nhiều mặt như:
- Hữu ích thông tin cho người sử dụng, đặc biệt là các nhà đầu tư;
- Việc ghi nhận và đánh giá được thống nhất;
- Đảm bảo tính so sánh của thông tin kế toán;
- Chuẩn hóa trong về chất lượng thông tin;
- Cải thiện tính minh bạch và hợp lý của thông tin;
- Việc áp dụng sẽ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài.
Trong nghiên cứu của Ray Bal (2016) đã chỉ ra những lợi ích của nhà đầu tư trong quá trình áp dụng IFRS gồm:
- Giúp nhà đầu tư tiếp cận thị trường vốn và giảm thiểu những rủi ro;
- Nhà đầu tư có được những thông tin minh bạch và tốt hơn trong việc ra quyết định;
- Nhà đầu tư sẽ giảm thiểu được những chi phí trong việc xử lý thông tin cũng như chi phí trong quá trình đầu tư xuyên quốc gia;
2.2. Những thách thức
Paul Diaconu & Nicoleta Coman (2006) cho rằng, những bất cập có thể phát sinh trong quá trình áp dụng IFRS như:
- Những khác biệt trong thực tế kế toán của các quốc gia;
- Thiếu tính chuyên nghiệp trong kế toán cũng là những trở ngại cho quá trình áp dụng.
Tymothy Doupnik & Hector Perera (2007) nhận định rằng:
- Các quốc gia còn nhiều khác biệt về các yếu tố môi trường kinh doanh, pháp lý và văn hóa nên rất khó khăn để đạt được sự thống nhất chung;
- Các quốc gia còn bị tác động và chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lợi ích chính trị;
- Ngoài ra, một số quan điểm hoài nghi về những lợi ích sẽ mang lại và cho rằng phải chăng đó là sự quá tải đối với doanh nghiệp nếu phải thực thi những nguyên tắc, phương pháp phức tạp mà bản thân doanh nghiệp không thể áp dụng.
Anna Jordan (2013) nhìn nhận một vài bất lợi trong việc áp dụng IFRS gồm:
- Chi phí chuyển đổi và vận hành để áp dụng sẽ tốn kém nhiều khoản phí phát sinh liên quan về nhân sự, đào tạo;
- Nhiều nội dung của chuẩn mực khá phức tạp khi xử lý các nghiệp vụ, đặc biệt liên quan đến GTHL;
- Khoảng cách về ngôn ngữ và trình độ của quản lý cũng như nhân viên trong quá trình áp dụng.
Ray Bal (2016) đã chỉ ra những bất lợi trong việc áp dụng IFRS như:
- Những tiềm ẩn bất lợi phát sinh khi một số quốc gia áp dụng IFRS nhưng thực tế bởi tính chính trị và kinh tế, một số quốc gia đã chi phối và ảnh hưởng đến thông tin BCTC bằng các quy định riêng của quốc gia. Điều này làm thông tin không còn minh bạch và ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư.
- Vấn đề “nhãn hiệu IFRS” của một số quốc gia. Theo đó, một số quốc gia bên ngoài tuyên bố áp dụng IFRS nhưng thực tế không áp dụng trên cơ sở các nguyên tắc và quy định của IFRS mà chi phối bởi các quy định thuế và các Luật liên quan.
3. Giải pháp cho Việt Nam
Trong quá trình hội nhập chuẩn mực kế toán của các quốc gia trong khu vực và quốc tế, Việt Nam cần có những phương cách thích hợp nhằm đáp ứng xu hướng hội nhập sâu:
Thứ nhất, xây dựng lộ trình hội nhập thích hợp.
Quá trình hội tụ kế toán quốc tế là một sự thử thách bởi thực trạng việc vận dụng IAS/IFRS hiện nay, cho nên lộ trình còn đầy gian nan để thống nhất hình thành chuẩn mực toàn cầu. Vì vậy, Việt Nam cũng cần áp dụng theo lộ trình hội nhập thích hợp để phù hợp xu hướng tình hình chung.
Thứ hai, áp dụng theo từng khu vực.
Với những đặc điểm của Việt Nam thì không dễ để áp dụng toàn bộ theo IAS/IFRS cho các doanh nghiệp. Thay vào đó, chúng ta cần tiếp cận theo thông lệ quốc tế là tiến hành áp dụng theo từng khu vực. Đối với khu vực các công ty niêm yết cần áp dụng toàn bộ IAS/IFRS vì những công ty này cần phải đáp ứng đầy đủ tất cả thông tin cho số đông người sử dụng. Trong khi đó, khu vực các doanh nghiệp còn lại có thể hoàn thiện theo hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay (VAS) theo hướng giảm lược những nội dung phức tạp như (hợp đồng bảo hiểm, hợp nhất kinh doanh…) để thuận lợi trong việc áp dụng. Cùng với đó, cần có lộ trình chuyển dần để tương thích với IFRS cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (IFRS for SMEs).
Thứ ba, đảm bảo sự thích nghi để bảo vệ lợi ích của quốc gia.
Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế nên cần tận dụng cơ hội này để thu hút nguồn vốn cho phát triển. Do đó, việc lựa chọn theo phương thức thích nghi không những đảm bảo hội nhập kế toán quốc tế mà còn đảm bảo được sự ổn định, đem lại những lợi ích cho sự phát triển của quốc gia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Anna Jordan .(2013). Advantages and Disadvantages of IFRS compared to GAAP. http://researchmethodology.net/advantages-and-disadvantages-of-ifrs-compared-to-gaap/.
Bocqueraz et al. (2006). Creating a supranational regulator, the role of the individual and the mode of the time.
A case study of change in accounting. Accounting History, Vol. 11 No. 3.
Deloitre .(2015). Use of IFRS by jurisdiction. http://www.iasplus.com/en/resources/ifrs-topics/use-of-ifrs
Solutions for the international standards integration process of Vietnam’s accounting field
Master. Tran Thi Quyen
Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries
ABSTRACT:
The economic globalization requires the use of a common economic language, hence the development of IAS/IFRS system is an indispensable and objective trend. There are more and more countries paying attention to the establishment and the implementation of the IAS/IFRS system. This is a positive trend which creates development advantages. However, as each country has a different approach to the IAS/IFRS system, there are many challenges for the implementation of the IAS/IFRS (IFRS Foundation, 2016). This article analyses the international integration process of Vietnam’s accounting field, presents opportunities and challenges raising by this process, thereby proposing some solutions for helping Vietnam’s accounting field succeffully integrate into international accounting standards.
Keywords: IFRS, VAS, international integration, financial statements.