Giải pháp để Việt Nam tham gia thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu

Theo các chuyên gia, Chính phủ các nước đầu tư và nhận đầu tư đều đã và đang có những động thái quyết liệt trong việc cân nhắc và đưa ra các chính sách liên quan đến Quy tắc Trụ cột II về Thuế tối thiểu toàn cầu.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động cả tích cực và tiêu cực đối với kinh tế Việt Nam.

Thách thức thuế tối thiểu toàn cầu

Thực hiện Công ước đa phương về thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định nhằm ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận, với gần 140 nước, vùng lãnh thổ tham gia, các Cty, tập đoàn đa quốc gia sẽ chịu mức thuế tối thiểu là 15% dù hoạt động ở bất cứ quốc gia nào.

Theo quy tắc trụ cột II "Thuế tối thiểu toàn cầu" của OECD, những DN, tập đoàn đa quốc gia sẽ phải chịu thuế thu nhập DN ít nhất là 15%. Mức thuế này áp dụng tại bất kỳ quốc gia nào DN đó hoặc công ty con hoạt động.

Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến khoảng 3% DN được ưu đãi, chiếm 30% tổng số thuế thu nhập DN. Cụ thể, thuế thực tế với đầu tư nước ngoài là 12,3%, trong đó một số tập đoàn lớn chỉ ở mức dưới 6%, thấp hơn hẳn con số 15% của quy tắc mới.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nhận định, chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm hiệu lực, tác động trước hết đến DN đầu tư lớn, thu hút mới các dự án đầu tư, hay các DN đang được hưởng chính sách ưu đãi, quyết định mở rộng đầu tư của nhà đầu tư đang hoạt động.

Theo ông Frederick Burke, Tổng GĐ Cty luật Baker - McKenzie Việt Nam, thuế không phải là yếu tố thúc đẩy quyết định đầu tư, mà là mục tiêu đầu tư. Việt Nam cần tiếp tục tạo môi trường đầu tư tốt, được pháp luật bảo vệ, lao động chất lượng cao, hỗ trợ cơ sở hạ tầng tốt thì Việt Nam không cần ưu đãi thuế bởi tự khắc đây đã là các yếu tố cạnh tranh.

Gần đây, vào ngày 15/12/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua kế hoạch áp dụng thuế suất tối thiểu 15% từ 2024. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã thông qua Đạo luật điều chỉnh Thuế trong đó sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ 2024. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông báo Dự thảo cải cách thuế, tiến tới việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024.

Đây là các quốc gia có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và do đó, việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có tác động trực tiếp tới nhiều DN có vốn đầu tư ngoài (FDI) tại Việt Nam, có thể làm ảnh hưởng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nước ngoài.

Hóa giải thách thức khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

Theo ĐBQH Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thườn trực Ủy ban Kinh tế cho, để tận dụng cơ hội hay hóa giải thách thức khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cần hành động chính sách, sửa đổi nội luật, do đó thách thức về thời gian để tìm kiếm giải pháp là lớn.

Theo đó, cần tận dụng thời gian để có phản ứng phù hợp, tận dụng cơ hội, giữ quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách, vừa bảo đảm chủ trương thu hút "đại bàng" tới làm tổ, đầu tư.

Về giải pháp thay thế biện pháp ưu đãi, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng phải thu hút đầu tư bằng môi trường kinh doanh thuận lợi; chi phí gánh nặng về thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật được giảm bớt, minh bạch hơn, nhanh hơn và ít rủi ro môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn.

Trong bối cảnh này của nước ta, chính thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra một áp lực mới, yêu cầu mới về cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Như vậy, Chính phủ trước hết cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là biện pháp thu hút đầu tư quan trọng nhất, hiệu quả nhất để ứng phó với thách thức từ chính sách thuế này.

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng GĐ Cty kiểm toán PwC Việt Nam, cần phải có một hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư mới để ngăn chặn việc các lợi ích ưu đãi thuế do Việt Nam cấp bị chuyển sang các nước khác cũng như bảo đảm khả năng cạnh tranh của việc thu hút FDI vào Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam nên giới thiệu một chính sách ưu đãi đầu tư mới với các khoản trợ cấp hoặc khấu trừ thuế mang tính chất trợ cấp đủ điều kiện với các khoản trợ cấp thuế được hoàn lại được coi là thu nhập theo các quy tắc của GloBE áp dụng cho việc thực hiện thuế suất tối thiểu toàn cầu.

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đây là thời điểm cấp bách vì vậy Bộ Tài chính/Tổ công tác đặc biệt cần nhanh chóng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động đầy đủ của việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu này để chủ động đề xuất phương án, giải pháp phù hợp.

Bộ Tài chính/Tổ công tác nghiên cứu, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sớm ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cũng như phù hợp với quy định trong Hiệp định mà Việt Nam đã cam kết trước khi Hiệp định có hiệu lực (dự kiến từ đầu năm 2024).

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/giai-phap-de-viet-nam-tham-gia-thuc-thi-thue-toi-thieu-toan-cau-324564.html