Giải pháp đột phá 'làm mát' Trái đất

Các nhà vật lý thiên văn Mỹ vừa đề xuất một giải pháp kỹ thuật táo bạo: dùng bụi Mặt trăng để chắn bớt nhiệt năng từ Mặt trời, giúp giảm sự nóng lên của Trái đất.

Bụi trên bề mặt Mặt trăng có thể được khai thác nhằm phục vụ lợi ích của loài người. Ảnh minh họa. (Nguồn: NASA)

Bụi trên bề mặt Mặt trăng có thể được khai thác nhằm phục vụ lợi ích của loài người. Ảnh minh họa. (Nguồn: NASA)

Một nhóm nhà nghiên cứu Mỹ vừa đề xuất tạo ra một tấm chắn ngăn bớt các tia sáng Mặt trời chiếu tới Trái đất, làm giảm nhiệt độ cho khí quyển Trái đất.

Đề xuất này được nhóm đưa ra trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí chuyên về khí hậu PLOS Climate. Theo đó, nếu muốn tạo nên một “tấm chắn không gian” cần khai thác hàng triệu tấn bụi của Mặt trăng, sau đó, phun dần lượng bụi này vào không gian vũ trụ giữa Trái đất và Mặt trời, tạo ra các đám mây bụi lơ lửng để che một phần ánh sáng Mặt trời.

Làm mờ ánh sáng Mặt trời

Giải pháp làm mờ ánh sáng Mặt trời để giảm bức xạ và nhiệt năng từ Mặt trời đi tới Trái đất là ý tưởng mà các nhà vật lý thiên văn đề xuất nhằm chống biến đổi khí hậu.

Hành tinh của chúng ta đang ngày càng nóng lên. Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch (như dầu mỏ và than đá) quá nhiều, từ đó giải phóng khí thải carbon dioxide (CO2) và khí này bị giữ lại ở bầu khí quyển. Nếu không nhanh chóng kiểm soát lượng khí thải này, dự báo nhiệt độ Trái đất trong vài thập kỷ tới sẽ tăng hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, thậm chí mức nhiệt có thể tăng từ 2-3 độ C.

Ông Ben Bromley, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Utah, người phụ trách nhóm nghiên cứu cho biết: “Điều thực sự thú vị trong nghiên cứu là chúng tôi nhận ra các hạt bụi tự nhiên của Mặt trăng có kích thước và thành phần phù hợp để ngăn bớt ánh sáng Mặt trời chiếu tới Trái đất một cách hiệu quả”.

“Vì việc phóng những hạt bụi này ra từ bề mặt Mặt trăng tốn ít năng lượng hơn nhiều so với việc phóng bụi từ Trái đất lên khí quyển, nên ý tưởng ‘bắn bụi Mặt trăng’ thực sự thu hút chúng tôi”, ông nói.

Ông Bromley cùng hai nhà nghiên cứu khác đã xem xét, cân nhắc nhiều loại vật chất, bao gồm bụi than đá và muối biển, chúng có thể che mờ Mặt trời tới 2% nếu được bắn vào không gian vũ trụ. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cuối cùng đã quyết định chọn bụi của Mặt trăng, mặc dù hàng triệu tấn bụi như vậy sẽ cần được khai thác, sàng lọc và nạp vào một thiết bị đạn đạo (ví dụ súng bắn tia điện từ) và bắn vào không gian mỗi năm để duy trì tấm chắn Mặt trời.

Ông Bromley cho biết, việc đưa các thiết bị phục vụ công việc này lên Mặt trăng sẽ là một dự án quan trọng và cần đặt một trạm vũ trụ tại vùng không gian cách Trái đất 1,4 triệu km, được gọi là Điểm L1 Lagrange, nó có nhiệm vụ “chuyển các gói bụi vào không gian để tạo ra bóng râm càng lâu càng tốt”.

Giải pháp này sẽ giống như một “công tắc điều chỉnh độ sáng, khiến hành tinh của chúng ta không bị ảnh hưởng”. Ông Bromley khẳng định, dùng bụi Mặt trăng có ưu thế hơn so với các đề xuất như sử dụng bụi than đá hoặc muối biển, do người ta lo ngại chúng có thể tác động đến môi trường của khí quyển Trái đất.

Giảm khí thải vẫn là nhiệm vụ chính

Tuy nhiên, bụi Mặt trăng sẽ phải liên tục được thổi vào không gian để giảm bớt sự nóng lên toàn cầu, nếu không sẽ có nguy cơ xảy ra “cú sốc kết thúc”. Khi đó, quá trình làm mát tạm thời này sẽ dừng đột ngột và thế giới lại nóng lên nhanh chóng. Bromley nhấn mạnh, ý tưởng khoa học của nghiên cứu này không thể thay thế cho nhiệm vụ chính của con người là cắt giảm khí thải đang làm nóng hành tinh.

Ông nói: “Không gì có thể làm chúng ta mất tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính trên Trái đất. Dự án này của chúng tôi có thể là một bước đột phá, nhưng chúng ta nên khám phá mọi khả năng khác nữa”.

Tuy vậy, bất chấp những thách thức về mặt kỹ thuật, ông Bromley khẳng định, khai thác bụi Mặt trăng vẫn là giải pháp cần quan tâm nếu con người cần làm Mặt trời tối đi .

Theo ông Ted Parson, một chuyên gia về luật môi trường tại Đại học California, Los Angeles, đề xuất là “ý tưởng thú vị về mặt khoa học” nhưng đòi hỏi nhiều kinh phí và khó kiểm soát.

Đồng quan điểm, Giáo sư Frank Biermann tại Đại học Utrecht cho rằng: “Ý tưởng khai thác Mặt trăng hoặc các tiểu hành tinh gần Trái đất để chặn một phần ánh sáng Mặt trời không phải là giải pháp chính cho cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra và ngày càng gia tăng. Điều cần thiết là phải cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính, điều này đòi hỏi tiến bộ công nghệ nhanh chóng và chuyển đổi kinh tế xã hội”.

(theo The Guardian)

HOÀNG TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giai-phap-dot-pha-lam-mat-trai-dat-216865.html