Giải pháp giảm tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường

Ngày 31/7/2024, tại TP. Điện Biên Phủ, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiếp tục tổ chức Hội thảo cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại, đặc biệt là chính sách thuế.

Sự kiện có sự tham gia đại diện của 9 đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu của Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính, các tổ chức quốc tế: Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF, Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe Canada (H.B).

Khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Khánh Phương- Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho hay, có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhanh các bệnh không lây nhiễm, trong đó có hút thuốc lá và dinh dưỡng không hợp lý như dung nạp nhiều đồ uống có đường, ăn thừa muối, …

 Bà Nguyễn Khánh Phương - Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Anh

Bà Nguyễn Khánh Phương - Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Hải Anh

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, thuốc lá còn gây ra tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình, xã hội và môi trường.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Cùng với thuốc lá, sử dụng đồ uống có đường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa…

Bà Khánh Phương cho biết thêm, trong bối cảnh đáng lo ngại nêu trên, để tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ, từng bước ngăn chặn sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm (BKLN) ở nước ta, Nghị quyết 20 –NQ/TƯ (ngày 15/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu bia, thuốc lá và đảm bảo tiêu dùng dinh dưỡng phù hợp cho người dân.

Ngày 29/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng chống BKLN, rối loạn tâm thần giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu là ban hành đầy đủ các quy định chính sách để kiểm soát các yếu tố nguy cơ, dự phòng các BKLN.

Đặc biệt, ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chuyên gia dinh dưỡng, UNICEF Việt Nam đã nêu bật tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và đồng thuận đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi xây dựng trình Quốc hội xem xét, dự kiến thông qua vào đầu năm 2025.

Để kịp thời cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm thiểu tác hại; tăng cường sự đồng thuận đối với việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với hai mặt hàng này tại Việt Nam, từ tháng 5/2024 đến nay, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã tổ chức 3 hội thảo tại Hạ Long, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nằng.

Các sự kiện này thu hút sự tham dự của hơn 180 đại biểu là Đại biểu Quốc hội chuyên trách thuộc một số Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo 14 Đoàn Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Ban Tuyên giáo 18 tỉnh/thành phố, lãnh đạo các vụ/cục của Bộ Y tế, lãnh đạo 18 sở y tế và đạo của 31 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/thành phố cùng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-phap-giam-tac-hai-cua-thuoc-la-do-uong-co-duong-156081.html