Giải pháp giáo dục đạo đức công dân cho sinh viên

TS. Phạm Thị Thúy Vân, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 chia sẻ một số biện pháp giáo dục đạo đức công dân cho sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Tập thể sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 tham gia Ngày hội SV 5 Tốt.

Tập thể sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 tham gia Ngày hội SV 5 Tốt.

Đây là nội dung TS. Phạm Thị Thúy Vân tham luận tại hội thảo “Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới” do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT tổ chức.

Nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhà trường

Giải pháp đầu tiên, theo TS. Phạm Thị Thúy Vân là cần nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các trường đại học trong giáo dục đạo đức công dân cho sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các trường đại học cần biện pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức công dân cho sinh viên. Trong nội dung giáo dục đạo đức công dân, cần chú trọng bồi dưỡng, giáo dục, giác ngộ lý tưởng, truyền thống đạo đức cách mạng; giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, ý chí tự tôn, tự cường dân tộc.

Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường cần tiếp tục phối hợp với Phòng công tác Chính trị - Học sinh, sinh viên và với các khoa, bộ môn giảng dạy về lý luận chính trị trong giáo dục đạo đức công dân, giúp cho sinh viên hiểu rõ trách nhiệm của mình trong bối cảnh của thời đại mới: Trách nhiệm đối với Nhà nước và xã hội; trách nhiệm đối với gia đình; trách nhiệm đối với bản thân.

Hiện nay, những trách nhiệm này không chỉ được quy định trong Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ thanh niên - sinh viên, mà thậm chí đã được thể hiện khá rõ ràng trong Luật Thanh niên năm 2020.

Bên cạnh đó, tích cực tổ chức cho sinh viên học tập chính trị, nội quy, quy chế của trường, nhất là đối tượng sinh viên năm thứ nhất mới vào trường. Nâng cao việc giáo dục đạo đức công dân cho sinh viên thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu tạo cơ hội cho sinh viên có nhận thức đúng đắn trong việc rèn luyện đạo đức công dân.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”

Giải pháp tiếp theo TS. Phạm Thị Thúy Vân đưa ra là tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, thực hiện nói đi đôi với làm, nêu gương về trách nhiệm công dân trong sinh viên.

Để hiệu quả giáo dục được cao, cần chú trọng việc nêu gương thông qua các điển hình tiên tiến để khích lệ tinh thần thi đua lao động, rèn luyện và học tập trong sinh viên.

Nêu gương trong giáo dục đạo đức công dân đòi hỏi các lực lượng tham gia giáo dục phải tuân thủ nguyên tắc nói đi đôi với làm.

Nguyên tắc nói đi đôi với làm đòi hỏi người làm công tác giáo dục cũng phải được giáo dục, không ngừng tự hoàn thiện nhân cách của mình để trở thành tấm gương sáng về mọi mặt cho sinh viên noi theo.

Bên cạnh đó, các hình tượng mẫu mực trong xã hội về việc thực hiện đạo đức công dân, như: những lãnh tụ hết lòng vì nước vì dân tài đức vẹn toàn, các nhà khoa học lỗi lạc, các nhà giáo tiêu biểu, nhà văn tên tuổi, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua, người tốt việc tốt cũng cần nêu cao.

Khi giới thiệu chân dung của các lãnh tụ, nhà khoa học, nhà giáo, anh hùng lao động,... để sinh viên học tập noi theo phải gắn liền với việc làm rõ những cống hiến lớn lao của họ đối với Tổ quốc, với nhân dân…

Bên cạnh nêu cao những tấm gương sáng, gương tốt, hiệu quả giáo dục sẽ cao hơn nếu biết kết hợp với việc chỉ ra và phê phán những gương mờ, gương xấu để sinh viên biết mà không mắc phải.

Đặc biệt, cần lên án và có biện pháp ngăn chặn triệt để những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên nhằm củng cố niềm tin của sinh viên vào lý tưởng đạo đức xã hội chủ nghĩa.

Ngoài ra, cũng nên tổ chức cho sinh viên giao lưu với những người một thời lầm lỡ nhưng lại biết hoàn lương làm lại cuộc đời, có ý chí nghị lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Chính tiếng nói của những người trong cuộc là lời cảnh tỉnh đối với sinh viên, giúp họ tránh đi vào vết xe đổ của người trước.

Giáo dục đạo đức công dân cho sinh viên thông qua hoạt động trải nghiệm

Giải pháp thứ 3 là giáo dục đạo đức công dân cho sinh viên thông qua các hoạt động trải nghiệm, gắn lý luận với thực tiễn.

TS. Phạm Thị Thúy Vân cho rằng, môi trường thực tiễn chính là nơi để sinh viên hiểu rõ hơn và có cơ hội vận dụng các kiến thức chính trị tư tưởng, thể hiện và kiểm nghiệm đạo đức, lý tưởng cách mạng của mình.

Theo đó, đối với hoạt động dạy học trong nhà trường, việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học đại học hiện nay cần phải đảm bảo nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành.

Học trải nghiệm là quá trình học của sinh viên được trải qua những hoạt động thực tế hoặc mô phỏng thực tế có tính thực hành và vận dụng cao như phân tích các trường hợp điển hình, giải quyết, xử lý các tình huống thực tiễn.

Ngoài ra, các trường cũng cần tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động thực tiễn như: “Đội văn nghệ xung kích”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tiếp sức mùa thi”, “Mùa hè xanh”... để sinh viên có cơ hội, điều kiện thực hiện trách nhiệm đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.

Cùng với đó, Đảng ủy, Ban giám hiệu các trường đại học, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên tổ chức và có cơ chế khuyến khích sinh viên tích cực hơn trong tham gia vào các hoạt động có ích cho xã hội như: giúp đỡ người neo đơn, hiến máu nhân đạo, sinh viên tình nguyện, các hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa,…

Phát huy ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện

Với giải pháp phát huy ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện chuẩn mực đạo đức công dân của mỗi sinh viên, Phạm Thị Thúy Vân cho rằng, trước hết, phải hình thành cho sinh viên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình.

Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên phấn đấu, rèn luyện; đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho sinh viên.

Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của sinh viên về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để sinh viên rèn luyện đạo đức, lối sống.

Mỗi sinh viên phải xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ; phải có ý thức tự giác cao, phải luôn biết lục vấn lương tâm, có ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên; phải biết xấu hổ và kiên quyết đấu tranh với những hành vi trái pháp luật, những thói hư, tật xấu của bản thân.

Các sinh viên cũng phải biết biến những tri thức đạo đức đã tiếp thu được từ gia đình, nhà trường, xã hội thành sự hiểu biết của bản thân, thành tình cảm, niềm tin đạo đức và được thể hiện ở hành vi đạo đức của chính mình.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-giao-duc-dao-duc-cong-dan-cho-sinh-vien-post703581.html