Giải pháp 'giữ chân' nguồn nhân lực y tế chất lượng cao

Kỳ II: Kịp thời gỡ khó cho lực lượng y tế tuyến đầu

Đối với ngành Y tế, hệ thống cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân có vai trò quan trọng như nhau. Ở bất kỳ môi trường nào, người thầy thuốc chân chính cũng sẽ thực hiện sứ mệnh cao cả là chữa bệnh cứu người. Do đó, các y, bác sĩ xứng đáng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa về vật chất và tinh thần.

Tập trung nguồn lực đầu tư các công trình y tế

Giai đoạn vừa qua, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình y tế trọng điểm với cơ sở vật chất ngày càng khang trang, hiện đại, trong đó có công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh với tổng mức đầu tư lên đến hơn 1.500 tỷ đồng, chưa kể gói thầu mua sắm máy móc, trang thiết bị và dụng cụ y tế.

Cơ sở hạ tầng các bệnh viện công ngày càng khang trang, hiện đại, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các y, bác sĩ. Ảnh: Đức Chung

Cơ sở hạ tầng các bệnh viện công ngày càng khang trang, hiện đại, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho các y, bác sĩ. Ảnh: Đức Chung

Đây là công trình y tế cấp I với quy mô 1.000 giường bệnh, được đầu tư xây dựng hiện đại, đạt tiêu chuẩn khám, chữa bệnh chất lượng cao.

Hiện nay, các nhà thầu đang gấp rút hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu thiết bị, vận chuyển vật tư, thiết bị đã nhập về công trường, tập trung nhân lực, vật lực, máy móc, tăng ca, tăng kíp, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt… để chính thức đưa vào vận hành bệnh viện mới trong đầu tháng 9/2022.

Trước đó, vào tháng 7/2021, tỉnh đã đưa vào hoạt động Bệnh viện Sản-Nhi quy mô 500 giường bệnh với tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Hiện, tỉnh vẫn đang chỉ đạo triển khai thực hiện gói trang thiết bị y tế và hệ thống vận chuyển mẫu bệnh phẩm tự động để hoàn thiện đồng bộ công trình.

Tại tuyến huyện, hàng loạt công trình y tế cũng được nâng cấp, xây dựng và hoàn thiện, điển hình như Trung tâm Y tế huyện Sông Lô, Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Tường, Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên.

Bên cạnh đó, hàng loạt các trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng được cải tạo, nâng cấp. Qua đó, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về cơ sở vật chất khám, chữa bệnh cho nhân dân; từng bước xây dựng hệ thống y tế phát triển đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trên địa bàn và các địa phương lân cận.

Chính sách đãi ngộ kịp thời

Để khắc phục bất cập trong chế độ đãi ngộ cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp, ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Trang thiết bị y tế hiện đại ngày càng được các đơn vị y tế đầu tư nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ảnh: Đức Chung

Trang thiết bị y tế hiện đại ngày càng được các đơn vị y tế đầu tư nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ảnh: Đức Chung

Theo dự thảo, Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định: Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, thành phố.

Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt.

Đây là điều mà các cán bộ, nhân viên y tế đã mong mỏi trong thời gian dài. Nếu dự thảo được thông qua sẽ phần nào cải thiện thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế, qua đó, động viên tinh thần, giúp họ tích cực và có trách nhiệm hơn trong công việc.

Mặc dù dự thảo nghị định đã tháo gỡ được phần nào khó khăn cho ngành Y tế, tuy nhiên, cần có các giải pháp căn cơ lâu dài nhằm ổn định nguồn nhân lực, đặc biệt là đối với y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Thầy thuốc Ưu tú Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Tỉnh nói riêng, Nhà nước nói chung cần quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa với mức độ tương xứng ở tất cả các tuyến y tế; cần đầu tư để các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh, tuyến huyện đến trạm y tế xã đảm bảo khang trang, đầy đủ nơi điều trị cho bệnh nhân và nơi làm việc của cán bộ, nhân viên y tế.

Nhà nước kịp thời cập nhật giá dịch vụ y tế khi giá các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng; đẩy mạnh xã hội hóa trong các bệnh viện cũng như các trung tâm y tế; cần có chính sách quan tâm đến điều kiện lập thân, lập nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế công lập để có sự động viên, khích lệ kịp thời, giúp họ có thêm điểm tựa yên tâm cống hiến, xây dựng các cơ sở y tế công lập theo hướng hiện đại.

Trên thực tế, tại một số tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Lào Cai, Hà Nội… đã có những mô hình tự chủ về tài chính hiệu quả khi giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ. Qua đó, đã cải thiện thu nhập cho người lao động và “giữ chân” được những y, bác sĩ có tay nghề cao. Từ đó, các cơ sở y tế không ngừng phát triển, thu hút được nhiều bệnh nhân, triển khai được nhiều kỹ thuật y khoa hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Để "giữ chân" được nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Y tế, tỉnh cần sớm ban hành thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hưởng mức thu nhập tương xứng với giá trị sức lao động để họ vượt qua giai đoạn khó khăn, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chu Kiều - Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/82127/giai-phap-%E2%80%9Cgiu-chan%E2%80%9D-nguon-nhan-luc-y-te-chat-luong-cao.html