Giải pháp giúp hệ thống y tế không quá tải khi sống chung với nCoV

Theo PGS Nguyễn Hồng Hà, hệ thống y tế phải chuẩn bị các biện pháp an toàn để chủ động ứng phó với việc virus sẽ luôn tồn tại trong cộng đồng.

Từ ngày 28/9, Hà Nội cho phép người dân tập thể dục, thể thao ngoài trời. Trung tâm thương mại, cửa hàng thời trang, hóa mỹ phẩm cũng được mở cửa trở lại. Trong khi đó, TP.HCM cũng vừa có dự thảo về việc từng bước nới lỏng giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế - xã hội.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nhận định trong trạng thái bình thường mới, sự thay đổi từ ngành y tế sẽ góp phần quan trọng đảm bảo an toàn cho người dân.

Khó khăn bộc lộ trong dịch Covid-19

Theo PGS Hồng Hà, từ cuối tháng 4 đến nay, Việt Nam đã phải trải qua làn sóng dịch Covid-19 rất phức tạp. Song song với tốc độ bùng phát dịch là mức độ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở cộng đồng tăng cao trong thời gian ngắn.

“Đây là những nguyên nhân trực tiếp khiến hệ thống y tế của Việt Nam rơi vào tình trạng quá tải trong thời gian qua”, ông nói.

 Các bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Dã chiến số 16 (TP.HCM). Ảnh: Chí Hùng.

Các bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Dã chiến số 16 (TP.HCM). Ảnh: Chí Hùng.

Tuy nhiên, áp lực này cũng làm lộ ra thực tế rằng hệ thống y tế ở Việt Nam vẫn còn tương đối mỏng. Khi phải đối diện với làn sóng bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng, TP.HCM rất có thể đã rơi vào tình trạng tệ hơn nếu không nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng y bác sĩ của các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nói: “Rõ ràng chúng ta đã phải chịu một áp lực rất lớn ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Italy..., cũng đã rơi vào tình cảnh tương tự. Những quốc gia này có hệ thống y tế phát triển, tổng số giường bệnh, lượng y bác sĩ và giường hồi sức lớn hơn Việt Nam nhưng vẫn xảy ra tình trạng quá tải”.

Theo vị chuyên gia này, việc lượng người nhiễm SARS-CoV-2 quá lớn dẫn tới số trường hợp diễn biến nặng do mắc Covid-19, phải nhập viện điều trị, cũng tăng cao. Khi không thể đáp ứng đủ, khó khăn là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Chuẩn bị điều trị Covid-19 ngay từ tuyến dưới

PGS Nguyễn Hồng Hà nhận định trong tình hình mới, khi chấp nhận sống an toàn với SARS-CoV-2, Việt Nam phải chuẩn bị các biện pháp an toàn để xác định virus sẽ luôn tồn tại trong cộng đồng.

“Bên cạnh bao phủ vaccine nhằm bảo vệ nhóm người cao tuổi, mắc bệnh nền..., không diễn biến nặng hay tử vong, hệ thống y tế cũng cần đảm bảo đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh trong tương lai. Thực tế, chính việc bảo vệ thành công nhóm nguy cơ cao cũng giúp chúng ta có thời gian tập trung củng cố hệ thống điều trị”, ông cho hay.

 Kỹ thuật viên của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh (TP.HCM) tới tận nhà người dân để hướng dẫn và lẫy mẫu test nhanh Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Kỹ thuật viên của Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh (TP.HCM) tới tận nhà người dân để hướng dẫn và lẫy mẫu test nhanh Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo PGS Hà, để giảm tỷ lệ tử vong do mắc Covid-19, trong thời gian tới, bên cạnh hệ thống điều trị tuyến trên, việc củng cố cơ sở khám, chữa bệnh cấp xã, phường cũng có vai trò rất quan trọng.

Trước đây, các cơ sở y tế cấp xã, phường trong hệ thống y tế Việt Nam còn thiếu thốn nhiều về nhân lực cũng như phương tiện, cơ sở vật chất. Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại TP.HCM, các cơ sở này thậm chí phải đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Do đó, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam phân tích: "Cơ sở y tế cấp xã, phường và cả các bệnh viện tuyến quận, huyện sẽ phải củng cố về mọi mặt để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại địa phương nếu muốn sống chung an toàn với virus".

Theo đó, hệ thống trang thiết bị, với yếu tố hàng đầu là oxy, phải được bổ sung đầy đủ ngay từ cơ sở y tế tuyến huyện.

Ông cũng nhận định thời gian tới, ngành y tế cần đẩy mạnh việc tập huấn cho các điều dưỡng, y bác sĩ, từ đó tăng cường khả năng phòng, chống dịch, hồi sức tích cực...

Cuối cùng, vị chuyên gia này cho hay chính quyền các cấp cũng như y tế địa phương sẽ phòng, chống dịch chủ động hơn. Các đơn vị này cần lên sẵn kịch bản cũng như tăng cường đào tạo thực hành ngay từ thời điểm dịch chưa xảy ra.

“Việc chuẩn bị trước giúp hệ thống y tế tránh rơi vào tình cảnh bị động khi dịch Covid-19 bùng phát. Trong trường hợp virus lan rộng, việc thành lập các bệnh viện dã chiến có thể là giải pháp tạm thời nhưng không thể đảm bảo đủ điều kiện chữa trị cho bệnh nhân”, PGS Hà nói.

Nhìn rộng hơn, ông cho rằng để đảm bảo năng lực điều trị, việc thu hút nhân lực cho ngành y tế cần có sự thay đổi nhiều hơn về chế độ, lương thưởng, cơ chế phân bổ công việc... Điều này cũng rất quan trọng với thế hệ bác sĩ kế cận, mới ra trường.

Vì sao người béo phì mắc Covid-19 thường diễn biến nặng? Tương tự người cao tuổi, mắc bệnh nền, những trường hợp béo phì có hệ miễn dịch kém và dễ diễn biến nặng khi mắc Covid-19.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-phap-giup-he-thong-y-te-khong-qua-tai-khi-song-chung-voi-ncov-post1266825.html