Giải pháp giúp TP.HCM giảm số lượng F0 tử vong

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định phân tuyến, tăng cường theo dõi, điều trị tại nhà là những giải pháp có ý nghĩa trong việc giảm tử vong tại TP.HCM.

Tính đến sáng 13/8, theo số liệu từ Bộ Y tế, cả nước đã có 4.813 trường hợp mắc Covid-19 tử vong. Riêng tại TP.HCM, 4 ngày liên tiếp gần đây luôn ghi nhận 261-308 ca mỗi ngày.

Nguyên nhân khiến F0 tử vong

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định có 3 nguyên nhân khiến số lượng F0 tại TP.HCM tử vong tăng mỗi ngày.

Thứ nhất, do quá tải số lượng bệnh nhân, lần đầu tiên thành phố tiếp nhận một lượng F0 lớn như vậy.

Thứ hai, đặc tính của biến chủng Delta vừa lây lan nhanh vừa khiến diễn biến bệnh nặng rất nhanh.

Thứ ba, do điều kiện chuẩn bị về trang thiết bị và con người tại một số đơn vị chưa thật sự đầy đủ, người bệnh chưa được chăm sóc, điều trị với những điều kiện tốt nhất.

Tnh đến sáng 13/8, thống kê của Bộ Y tế cho thấy TP.HCM có 137.008 ca mắc Covid-19 (chiếm gần 56% F0 của cả nước), 3.807 trường hợp tử vong (chiếm 79% của cả nước).

Trước đó, trong cuộc họp với báo chí ngày 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận có tình trạng quá tải trong việc điều trị F0 và ca nhiễm F1 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Ông cho biết để đáp ứng việc điều trị, ngay từ rất sớm, Bộ Y tế đã chủ động bàn với TP.HCM chuẩn bị mọi kịch bản, như chuẩn bị vật chất, hạ tầng, làm sao có thể chủ động nhất với tình huống xấu hơn có thể xảy ra.

Theo GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch hội Hồi sức cấp cứu và chống độc, Tổ trưởng Tổ điều trị bệnh nhân Covid-19, cho biết trước đây triệu chứng lâm sàng ở các bệnh nhân Covid-19 chủ yếu là sốt, ho, đau cơ, khó thở nhưng hiện nay với sự xuất hiện của biến chủng Delta, các triệu chứng dần thay đổi.

Với biến chủng mới, tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng là 50-60% (trong các đợt dịch trước, tỷ lệ này là 80%); 30% người có biểu hiện nhẹ giống cảm cúm thông thường; 10-15% cần hỗ trợ oxy và thuốc; 5-10% cần máy thở, lọc máu, ECMO. Ngoài ra, khoảng 15-20% bệnh nhân Covid-19 bị viêm cơ tim và tắc mạch, 5-10% tổn thương thận, tổn thương gan, biến chứng trong não…

 Một ca cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Một ca cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Cần đồng loạt nhiều giải pháp

Để giảm tỷ lệ F0 tử vong, Thứ trưởng Sơn cho rằng cần triển khai đồng loạt nhiều giải pháp: Tăng cường nhân lực, nguồn lực, cơ sở thu dung điều trị; phân tuyến điều trị; tăng cường theo dõi, điều trị tại nhà; tổ chức các đội phản ứng nhanh, cấp cứu kịp thời; yêu cầu tất cả cơ sở y tế phải mở cửa tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu…

“Về nhân lực, tuyến 2 của thành phố chỉ tiếp nhận, thu dung có hạn thôi nhưng với các tuyến trên, tất cả những gì làm được chúng ta đều đã làm, huy động cả nước cho TP.HCM”, Thứ trưởng Sơn chia sẻ.

Lúc cao điểm, Bộ Y tế đã huy động hơn 10.000 y, bác sĩ, học sinh, sinh viên đến hỗ trợ thành phố. Đây là con số chưa từng có.

“Chúng tôi đã điều những nhân viên y tế tinh tú nhất cùng các trang thiết bị hiện đại đến hỗ trợ thành phố”, Thứ trưởng Sơn nói.

Theo thứ trưởng, trong phân tầng 5 tháp điều trị, những tầng dưới cùng phải được quan tâm nhất để số bệnh nhân nhẹ không chuyển nặng, không phải chuyển lên tuyến trên, càng ít bệnh nhân nặng, tỷ lệ tử vong càng thấp.

Ban đầu, TP.HCM áp dụng điều trị theo tháp 3 tầng, tuy nhiên, sau đó diễn biến dịch phức tạp nên tiếp tục chuyển đổi thành tháp 4 tầng rồi 5 tầng để phù hợp với kế hoạch tiếp nhận, điều trị trong tình hình mới.

Trong đó, các tầng 1 theo dõi, chăm sóc các F0 tại địa bàn, sàng lọc F0 không triệu chứng và có tải lượng virus thấp, chiếm khoảng 50% trường hợp F0.

Hiện TP.HCM có gần 10.000 F0 được theo dõi sức khỏe tại nhà. Ngoài ra, hơn 21.000 bệnh nhân đã điều trị có tải lượng virus thấp, không triệu chứng cũng được cho về nhà theo dõi.

Tầng 2 tiếp nhận, điều trị các ca Covid-19 có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhưng có bệnh nền, chiếm khoảng 27% lượng F0.

Tầng 3 dự kiến điều trị khoảng 10% F0 bao gồm có triệu chứng trung bình và nặng.

Tầng 4 điều trị khoảng 8% F0 nặng có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm, phải can thiệp cấp cứu, hồi sức, thở máy, lọc máu.

Tầng 5 điều trị khoảng 5% bệnh nhân rất nặng tại các trung tâm hồi sức Covid-19 với kỹ thuật cao, chuyên sâu nhất.

Hiện tại, Bộ Y tế tham mưu Chính phủ đưa ra mốc thời gian khống chế, kiểm soát dịch ở TP.HCM trước 15/9.

Lý giải đề xuất này, bên lề họp báo Chính phủ chiều 11/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ dựa trên dựa trên tỷ lệ mắc cũng như sự đáp ứng trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Theo Thứ trưởng Thuấn, tỷ lệ mắc tại TP.HCM có xu hướng đi ngang. Vì vậy, Bộ hy vọng cùng với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng, nhất là ở các vùng đỏ, mở rộng xanh cùng chiến lược xét nghiệm phù hợp, kết hợp chăm sóc, điều trị, cấp cứu tại các tầng, đặc biệt để hạn chế quá tải tầng 3, dịch sẽ sớm ổn định và được kiểm soát.

Lưu ý khi F0 tự theo dõi sức khỏe tại nhà:

- Tạo tâm lý thoải mái khi được sinh hoạt tại gia đình

- Thực hiện các biện pháp tránh lây nhiễm cho người xung quanh: phòng riêng, khép kín, thông gió và tuyệt đối không tiếp xúc gần người thân

- Tự theo dõi và phát hiện những yếu tố có thể đánh giá dấu hiệu sinh tồn, diễn biến nặng bao gồm: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu

- Người bệnh diễn biến nặng tỷ lệ thuận với độ tuổi, bệnh nền (đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, bệnh ung thư…).

Xem thêm tại đây: Hướng dẫn F0 tự chăm sóc tại nhà.

Người đã khỏi Covid-19 có thể tái mắc bệnh không? Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, khả năng tái mắc Covid-19 sau khi khỏi bệnh là rất thấp và không đáng lo ngại.

Thiên Thư

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-phap-giup-tphcm-giam-so-luong-f0-tu-vong-post1250329.html