Giải pháp gỡ khó ở TP.HCM khi 'khai tử' sổ hộ khẩu
Các địa phương ở TP.HCM cố gắng không yêu cầu người dân cung cấp bất kỳ giấy tờ nào ngoài CCCD gắn chip. Tuy nhiên, khi làm một số thủ tục, họ vẫn cần xuất trình thêm giấy CT07.
Cuối tháng 2, chị N.A. (26 tuổi, quận 7) đến UBND phường làm thủ tục xác nhận tình trạng độc thân để đăng ký kết hôn.
Do từng thay đổi nơi thường trú, cán bộ phường hướng dẫn N.A. trở về nơi ở cũ để xác nhận thời gian từ lúc đủ 18 tuổi (độ tuổi kết hôn) đến thời điểm chuyển hộ khẩu sang nơi thường trú mới, cô còn độc thân và không đăng ký kết hôn với ai.
"Cán bộ giải thích để làm giấy đăng ký kết hôn, tôi cần phải xin giấy xác nhận cư trú tại cơ quan công an khu vực ở mỗi nơi tôi từng đăng ký thường trú. Bởi dù quét CCCD có gắn chip cũng bị thiếu thông tin và mốc thời gian cư trú, cán bộ phường không thể xác minh tình trạng hôn nhân được", N.A. thở dài.
Cán bộ UBND phường khuyên cô gái đến văn phòng công chứng, làm giấy ủy quyền cho người thân ở nơi cũ làm hộ giấy tờ. Tuy nhiên, theo N.A., các bước thủ tục hành chính này phức tạp và mất thời gian.
Bởi trước đó, mọi thông tin về cư trú và tình trạng hôn nhân đều đã có trong sổ hộ khẩu. Kể từ ngày sổ hộ khẩu bị "khai tử", thay bằng CCCD có gắn chip, N.A. phải chạy ngược xuôi làm các giấy tờ liên quan.
Khó khăn trong đăng ký kết hôn
Ghi nhận của Zing, một số địa phương tại TP.HCM còn khá lúng túng khi giải quyết thủ tục hành chính của người dân trong bối cảnh cán bộ quét mã trên CCCD chỉ ra được dữ liệu cơ bản, thiếu thông tin so với sổ hộ khẩu giấy.
Ông Mai Đình Phượng, Chủ tịch UBND phường 9 (quận Tân Bình), cho biết từ ngày 1/1/2023, đơn vị đã ngừng yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu giấy khi làm thủ tục hành chính.
Theo ông Phượng, hiện có 31 thủ tục áp dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, quá nửa thủ tục liên quan đến hộ tịch như: khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân... Thủ tục hộ tịch diễn ra hàng ngày, hàng giờ liên quan đến nhân thân của người dân.
Khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, phường đã trang bị máy đọc thẻ QR, máy đọc chip. Khi người dân xuất trình thẻ CCCD thì cán bộ sẽ quét để đọc dữ liệu.
Quét thẻ CCCD không ra đủ thông tin cư trú. Không có dữ liệu thì cán bộ không thể cấp chứng nhận tình trạng hôn nhân
Đại diện phường 9, quận Tân Bình
Tuy nhiên, phường đang gặp khó khăn vì dữ liệu trên CCCD của người dân chưa đầy đủ. Khi quét CCCD, cán bộ chỉ nắm được thông tin cơ bản, chứ không biết quá trình cư trú của người đó như thế nào, đặc biệt đối với người cắt chuyển hộ khẩu nhiều nơi.
Những điều trên rất khó đối với cán bộ hộ tịch khi giải quyết giấy tờ, đặc biệt khi làm xác nhận tình trạng hôn nhân. Khi còn sổ hộ khẩu giấy thì cán bộ có thể biết được lúc khi chuyển về người dân từng sống ở đâu. Còn bây giờ, quét thẻ CCCD không ra đủ thông tin cư trú. Không có dữ liệu thì cán bộ không thể cấp chứng nhận tình trạng hôn nhân.
"Đối với cán bộ, đây là việc rất khó khi thụ lý. Tình trạng hôn nhân gắn với câu chuyện tài sản, mua bán tài sản của vợ chồng", vị này nói.
Lãnh đạo UBND phường 9 cho biết đang phối hợp với cơ quan công an cùng cấp trích xuất dữ liệu của người dân. Khi nào thông tin người dân đi làm giấy tờ không rõ ràng, công an phường sẽ hỗ trợ cấp giấy CT07 (giấy xác nhận cư trú) cho cán bộ UBND phường nắm.
"Trở ngại hiện nay là dữ liệu trên CCCD chưa đầy đủ. Cơ quan Nhà nước yêu cầu bỏ sổ hộ khẩu mà cán bộ yêu cầu dân xuất trình là làm khó, trong khi dữ liệu bên ngành công an nắm. Khi thực hiện việc chuyển đổi này, rất cần sự chung tay phối hợp của người dân", ông Phượng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lai, Chủ tịch UBND phường 9 (quận Phú Nhuận), cho biết đơn vị đã không yêu cầu người dân sử dụng sổ hộ khẩu khi đi làm giấy tờ từ đầu năm 2023. Nếu thấy CCCD thiếu dữ liệu, UBND phường sẽ gửi văn bản qua công an phường để trích xuất thông tin.
Theo ông Lai, dù bỏ sổ hộ khẩu, các vấn đề liên quan đến giấy đăng ký kết hôn cần giấy xác nhận tình trạng hôn nhân vì thông tin trên CCCD còn thiếu.
Khi nữ đủ 18 tuổi và nam là 20 tuổi, nếu đăng ký hộ khẩu ở nhiều nơi thì phải về từng địa phương đó xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Sau đó, đem giấy tờ về địa phương cuối cùng đăng ký kết hôn để làm thủ tục.
Phương thức thay thế
Khảo sát tại UBND các địa phương ở TP.HCM những ngày qua, Zing ghi nhận nhiều người dân gặp khó khi phải cung cấp giấy xác nhận cư trú (mẫu CT07) mới làm được một số thủ tục hành chính.
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch UBND phường 11 (quận 5), cho biết về quy trình, người dân làm giấy xác nhận cư trú ở cơ quan công an phường, sau đó cán bộ rà soát trên dữ liệu hệ thống, in giấy rồi cấp.
Bà Vân nhận định quận 5 đang cố gắng không yêu cầu người dân cung cấp bất kỳ giấy tờ nào ngoài CCCD có gắn chip. Tuy nhiên, khi làm một số thủ tục hành chính, người dân vẫn cần xuất trình thêm giấy CT07.
Phường 9, quận Tân Bình đang phối hợp với cơ quan công an cùng cấp trích xuất dữ liệu của người dân. Khi nào thông tin người dân đi làm giấy tờ không rõ ràng, công an phường sẽ hỗ trợ cấp giấy CT07
"Khó khăn bây giờ là một số người dân chưa lên cơ quan công an đăng ký mã định danh cấp độ 2. Có được mã định danh này thì dữ liệu của các ban, ngành mới tích hợp được, từ đó tổng hợp nhiều dữ liệu hơn", Chủ tịch UBND phường 11 cho biết.
Trong khi đó, một lãnh đạo Công an phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) cho biết với quy định hiện nay, nếu người dân xin giấy xác nhận tạm trú ở địa phương thì không cần cầm theo sổ hộ khẩu giấy mà chỉ cần mã định danh hoặc CCCD.
"Địa phương nào đã nhập hết dữ liệu, khi tra thông tin sẽ có đầy đủ. Trường hợp chưa nhập dữ liệu hoặc chưa làm CCCD, cán bộ vẫn cần sử dụng sổ hộ khẩu để đối chiếu", vị này chia sẻ.
Từ tháng 10/2022, UBND TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn bộ phận tiếp nhận hồ sơ của các sở, ngành, quận, huyện triển khai 7 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Công dân cần phải có một trong 4 loại giấy tờ để thực hiện các giao dịch hành chính hay dân sự, gồm: Căn cước công dân gắn chip; tài khoản định danh điện tử; giấy xác nhận thông tin về cư trú; thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với người chưa được cấp căn cước công dân.
Bộ Công an đề nghị người dân đến độ tuổi (từ đủ 14 tuổi trở lên) khẩn trương đến cơ quan công an nơi gần nhất để làm căn cước công dân gắn chip, đăng ký tài khoản định danh điện tử để được đảm bảo thực hiện quyền lợi của mình khi sổ hộ khẩu bị bãi bỏ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-phap-go-kho-o-tphcm-khi-khai-tu-so-ho-khau-post1408922.html