Giải pháp hạn chế thiệt hại khi nuôi cá lồng bè trên sông Nghèn

Không ít lần người dân nuôi cá lồng bè trên sông Nghèn (Hà Tĩnh) bị thiệt hại bởi cá chết hàng loạt. Dù đã có khuyến cáo từ cơ quan chức năng nhưng người dân vẫn chưa chú trọng thực hiện.

Cá nuôi lồng bè trên sông Nghèn đoạn dưới bara Đò Điệm của người dân xã Thạch Sơn bị chết trắng ngày 6/10.

Cá nuôi lồng bè trên sông Nghèn đoạn dưới bara Đò Điệm của người dân xã Thạch Sơn bị chết trắng ngày 6/10.

Ngày 6/10 vừa qua, người dân thôn Sông Hải (xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà) hết sức xót xa khi chứng kiến toàn bộ cá chẽm nuôi trong hơn 200 lồng bè trên sông Nghèn đoạn phía dưới cống bara Đò Điệm, bị chết trắng.

Theo thống kê của UBND xã Thạch Sơn, số cá bị chết lên tới 50 tấn, mỗi con cá có trọng lượng trung bình từ 0,8 – 3kg đã được người dân thả nuôi từ 1 – 3 năm. Thậm chí, trong số cá bị chết, có những lứa đã được thả nuôi 3 – 4 năm.

Khu vực nuôi cá lồng bè của người dân Thạch Sơn chỉ cách cống bara Đò Điệm chừng 200m.

Khu vực nuôi cá lồng bè của người dân Thạch Sơn chỉ cách cống bara Đò Điệm chừng 200m.

Theo các hộ dân nuôi cá, trước thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết, cống bara Đò Điệm mở cống điều tiết nước. Tuy nhiên, vào sáng 6/10, lưu lượng xả lớn và nước có màu đục hơn so với bình thường. Lượng nước ngọt từ bara Đò Điệm đổ về lớn khiến môi trường nuôi trong các lồng bè thay đổi đột ngột nên cá bị sốc nước.

Cống bara Đò Điệm mà người dân thôn nhắc tới chính là công trình có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt và tiêu thoát lũ, cách khu vực nuôi cá lồng bè chừng 200m.

Những ngày cuối tháng 9/2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra đợt mưa lớn kéo dài dẫn đến nước từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn và công trình phải mở các cửa để điều tiết nước. Trước khi điều tiết nước, đơn vị vận hành cống đã thông báo đến chính quyền địa phương, người dân có kế hoạch thu hoạch cá hoặc di dời lồng bè tới nơi an toàn.

Nhiều năm qua, đã không ít lần người dân nuôi cá lồng bè trên sông Nghèn gặp sự cố cá chết.

Nhiều năm qua, đã không ít lần người dân nuôi cá lồng bè trên sông Nghèn gặp sự cố cá chết.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Sơn Trần Hữu Nghĩa cho hay: Không chỉ tới lúc bara Đò Điệm vận hành điều tiết nước mà ngay từ đầu mùa mưa, xã đã khuyến cáo tới các hộ nuôi chủ động biện pháp đảm bảo an toàn cho lồng bè, nhất là việc cần sớm thu hoạch số cá đã đạt kích thước thương phẩm, tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn không thực hiện.

Cũng theo ông Nghĩa, đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng cá lồng bè nuôi trên sông Nghèn bị chết. Vào mùa mưa lũ, khi trên địa bàn tỉnh có mưa lớn kéo dài và nhất là khi cống bara Đò Điệm vận hành điều tiết nước với lưu lượng lớn rất dễ xảy ra hiện tượng cá bị chết do môi trường nuôi thay đổi đột ngột.

Hoạt động nuôi cá lồng bè chủ yếu đang tự phát.

Hoạt động nuôi cá lồng bè chủ yếu đang tự phát.

Thông tin từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho hay, hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông Nghèn hiện nay tập trung chủ yếu tại 2 địa phương Can Lộc và Thạch Hà với 72 hộ nuôi, 6 cụm lồng bè tương ứng với 380 ô lồng; trong đó, xã Thạch Sơn chiếm số lượng lớn khi có 61 hộ nuôi.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho hay: "Trước thực trạng cá nuôi lồng bè trên sông Nghèn bị chết thời gian qua, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã phối hợp với chính quyền địa phương khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp an toàn, giảm thiệt hại trong nuôi trồng.

Theo đó, người dân nên thả giống kích cỡ lớn để thu hoạch sớm trước mùa mưa lũ và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu bất thường về môi trường nước; đồng thời thu hoạch cá, đưa cá vào ao, di chuyển lồng sang vị trí khác nhằm hạn chế rủi ro, nhất là thời đểm bara Đò Điệm vận hành điều tiết nước...".

Người dân bị thiệt hại nặng khi hàng chục tấn cá bị chết.

Người dân bị thiệt hại nặng khi hàng chục tấn cá bị chết.

Dù được chính quyền địa phương và ngành chức năng cảnh báo trước nhưng không ít các hộ nuôi đã phớt lờ, dẫn tới thiệt hại nặng. Khi được hỏi về việc không di dời lồng bè ra xa khu vực cống bara Đò Điệm khi công trình điều tiết nước, các hộ nuôi cho rằng nếu làm như vậy sẽ bất tiện trong trông nom, chăm sóc, nhất là khi cho cá ăn.

“Mỗi lần cho cá ăn, phải có 2 - 3 lao động và phải dùng thuyền di chuyển, trong khi người nuôi cơ bản là người lớn tuổi nên nếu di chuyển lồng bè ra xa, việc cho ăn gần như không thể thực hiện được” - ông Trần Văn Hòa, một hộ nuôi cá lồng bè ở xã Thạch Sơn cho hay.

Ngày 6/10, sau khi nhận được thông tin cá nuôi lồng bè tại xã Thạch Sơn chết hàng loạt, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã cử cán bộ phối hợp với chính quyền địa phương, cơ sở nuôi kiểm tra thực tế, hướng dẫn người nuôi các biện pháp quản lý môi trường, khắc phục sản xuất.

Sau khi gửi 3 mẫu nước tại vùng nuôi cá lồng bè của các hộ dân tới Trung tâm Quan trắc môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) để phân tích, kết quả cho thấy các chỉ tiêu như nhiệt độ, lượng oxy hòa tan trong nước, COD, TSS... đều có giá trị trong giới hạn cho phép.

Các chỉ tiêu có giá trị không phù hợp cho nuôi cá gồm: pH, độ mặn, độ kiềm và sắt tổng số. Cụ thể, độ mặn tại 3 điểm quan trắc đều có giá trị thấp, độ kiềm có giá trị thấp hơn 1,11 lần theo quy chuẩn Việt Nam, hàm lượng sắt tổng số tại 3 điểm quan trắc đều có giá trị cao hơn 1,6 - 2,0 lần theo quy chuẩn. Không phát hiện tảo độc tại 3 điểm quan trắc.

Từ đó, đơn vị phân tích chất lượng mẫu nước khuyến cáo độ mặn, độ kiềm thấp và hàng lượng sắt tổng số cao là các điều kiện không phù hợp cho cá sinh trưởng và phát triển.

Hàm lượng sắt cao có thể gây cản trở quá trình hô hấp của cá và gây độc, đặc biệt ở giai đoạn cá nhỏ. Giá trị pH ở mức thấp có thể làm gia tăng độc tính của kim loại nặng.

Minh Đức

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/giai-phap-han-che-thiet-hai-khi-nuoi-ca-long-be-tren-song-nghen/255593.htm