Giải pháp kết nối cung- cầu hàng hóa hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế

Quảng Trị là địa phương tiên phong về sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với liên doanh, liên kết. Đến nay, tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung gắn với chế biến, có thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 Hội Phụ nữ các cấp trưng bày các gian hàng nông nghiệp an toàn. Ảnh: H.N.K

Hội Phụ nữ các cấp trưng bày các gian hàng nông nghiệp an toàn. Ảnh: H.N.K

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc đưa ra các nhóm chính sách và giải pháp đồng bộ để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp gắn liền chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế; nhiều mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp/nhà máy bước đầu phát huy hiệu quả. Một số mô hình liên kết “4 nhà”, “6 nhà” theo chuỗi giá trị đã giới thiệu những sản phẩm tốt ra thị trường như gạo hữu cơ Quảng Trị, cà gai leo An Xuân, chè vằng hòa tan, cao dược liệu Định Sơn, hồ tiêu Cùa, hồ tiêu Vĩnh Linh, cà phê Khe Sanh…

Rõ ràng, hình thức này đảm bảo cho các đối tác tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm để điều tiết cung- cầu trên thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; chuyển dần từ nền nông nghiệp số lượng sang chất lượng và tăng giá trị sản xuất. Mặt khác, nhận thức của người tiêu dùng hiện nay về sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn ngày càng tăng. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm sản xuất theo canh tác tự nhiên không dùng hóa chất, sản phẩm hữu cơ để bảo vệ sức khỏe và chống ô nhiễm môi trường đã tăng lên đáng kể. Do đó, việc kiểm soát an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo chuỗi được chú trọng. Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã xác nhận, giám sát và kiểm soát an toàn thực phẩm được 11 chuỗi tập trung ở siêu thị Co.opMart, cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong, nước mắm Huỳnh Kế, Khai Hà và 1 chuỗi rau cải ở quầy kinh doanh HTX Thành Công tại chợ Hồ Xá (Vĩnh Linh).

Nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình thông qua chuỗi cung- cầu hàng hóa, tiến đến xây dựng và khẳng định vị trí cung ứng trên thị trường, năm 2020 Hội LHPN tỉnh đã chủ trì xây dựng đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng mô hình kết nối cung- cầu hàng hóa hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”. Đề tài tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng cung- cầu sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nông thôn. Thông qua đó, đề xuất các giải pháp kết nối cung- cầu có tính khả thi cao, góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, các doanh nghiệp nữ mở rộng sản xuất, chế biến, tăng thu nhập cho hộ gia đình, tạo việc làm cho phụ nữ trên địa bàn. Theo đó, hội đã xây dựng 2 mô hình bán hàng cố định tại huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng và xây dựng mạng lưới bán các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp an toàn online trên trang mạng xã hội facebook. Trên cơ sở theo dõi, đánh giá hoạt động của 3 mô hình kết nối cung-cầu, nhận thấy mô hình điểm bán hàng cố định tại huyện Vĩnh Linh và Hải Lăng nhằm kết nối, giới thiệu sản phẩm các cơ sở sản xuất của hội viên phụ nữ đến người tiêu dùng là mô hình hoạt động hiệu quả nhất. Bởi mô hình này được các cấp hội và chính quyền địa phương đồng thuận, ủng hộ cao trong việc triển khai gian hàng. Nguồn sản phẩm cung ứng là những sản phẩm sẵn có, dồi dào tại địa phương. Đối với các vùng nông thôn, việc tiếp cận, mua sắm tại các điểm bán hàng trực tiếp (mua hàng truyền thống) hiện vẫn là hình thức chiếm ưu thế, đa số người dân ở đây vẫn chưa tiếp cận nhiều với việc mua hàng online. Các điểm bán hàng đã tạo được địa chỉ cung cấp nguồn hàng tin cậy cho người tiêu dùng; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ. Trong xu thế mới, nếu người bán hàng tại các gian hàng sử dụng tốt công nghệ 4.0 để kết hợp bán hàng online sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Hiệu quả và tác động của các mô hình đối việc kết nối cung-cầu sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp an toàn là tạo sự quảng bá, giới thiệu các sản phẩm an toàn trên internet, tại các điểm bán hàng cố định, góp phần giải quyết đầu ra cho các sản phẩm ngay tại thị trường nội địa. Từ việc xây dựng thí điểm 3 mô hình kết nối cung- cầu sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp an toàn của hội viên phụ nữ, có thể đề xuất các giải pháp nhằm mục đích kết nối, giới thiệu sản phẩm các cơ sở sản xuất của hội viên phụ nữ đến người tiêu dùng; giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Quảng Trị với khách du lịch. Tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa từ sản xuất, chế biến đến phân phối, tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập cho hội viên phụ nữ. Tạo cơ hội phát triển thị trường, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua việc xây dựng mạng lưới bán hàng online trên trang mạng xã hội. Xây dựng các gian hàng/điểm bán hàng cố định hoặc lưu động, kết hợp với giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về nông sản an toàn, sản phẩm công nghiệp nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn. Thông qua đó làm cầu nối giúp tìm kiếm thông tin về sản phẩm, liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm. Đồng thời giới thiệu nguồn cung cấp các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, chất lượng đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ đang phát triển hiện nay, đòi hỏi các gian hàng phải đồng thời áp dụng việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của gian hàng lên các trang mạng xã hội sẽ tạo được hiệu quả cao hơn.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chủ trương, chính sách về xúc tiến thương mại, có vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa, có nhiều vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn có giá trị. Mặt khác trong vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phụ nữ là lực lượng vô cùng quan trọng, có hiểu biết và nhu cầu cao về thực phẩm an toàn. Đây chính là những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn an toàn, có thương hiệu đến với người tiêu dùng. Do vậy, các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ về kinh phí để mở rộng sản xuất, kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động; hướng dẫn làm các quy trình, thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho các sản phẩm; hỗ trợ trong việc xây dựng nhãn mác/chỉ dẫn địa lý của sản phẩm, nhất là nông sản.

Cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho các HTX, hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ quản lý đang gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật, cải tiến mẫu mã, đa dạng hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ Hội LHPN xây dựng các mô hình kết nối cung-cầu phù hợp với khả năng hoạt động của tổ chức hội. Nhà nước cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ cá nhân/tổ chức tham gia sản xuất trong việc kiểm định chất lượng nông sản an toàn. Đồng thời mở các lớp tập huấn kiến thức về lập kế hoạch kinh doanh, kỹ năng, kinh nghiệm bán hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, marketing cho đội ngũ ban quản lý gian hàng.

Tiếp tục hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nữ tại các địa phương có hoàn cảnh khó khăn. Nghiên cứu cơ chế để hướng dẫn các mô hình kết nối cung- cầu, nhất là gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm do Hội Phụ nữ quản lý và vận hành. Hỗ trợ kết nối để tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ tham gia xúc tiến thương mại và học tập kinh nghiệm một số doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, làm cơ sở để nhân rộng mô hình kết nối cung- cầu các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp an toàn giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế trên địa bàn Quảng Trị.

Đỗ Thị Lý

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Trị

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151341