Giải pháp khắc phục các điểm sạt lở trên sông Bình Thủy, Cần Thơ
Chiều 27/5, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cùng các sở, ban, ngành đã đi khảo sát thực tế và bàn giải pháp khắc phục các điểm sạt lở trên sông Bình Thủy, quận Bình Thủy.
Theo UBND phường Long Hòa, quận Bình Thủy, ngày 13/5, tại đường Bùi Hữu Nghĩa, khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa đã xảy ra vụ sạt lở làm 2 căn nhà số 835 của ông Phan Văn Hữu và số 837 của bà Phan Thị Xuân Thu bị sụt xuống sông Bình Thủy, rất may không gây thiệt hại về người. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã cử lực lượng hỗ trợ người dân di dời đồ đạc đến nơi an toàn.
Đoạn sạt lở và có nguy cơ sạt lở trên đường Bùi Hữu Nghĩa dài 400m thuộc dự án Kè chống sạt lở chợ Rạch Cam giai đoạn 2 đang được triển khai do Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trường Viện Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết, có 3 nguyên nhân gây sạt lở là do dòng chảy, nền địa chất yếu và các hoạt động chất tải lên bờ sông của con người.
Đây là thời điểm giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô nên đất bị trương nở, gây mất ổn định. Vị trí này đã từng bị sạt lở trước đây nên kết cấu địa chất bị phá hủy. Kết quả đo đạc của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cho thấy, địa chất ở khu vực khảo sát có lớp đất yếu dày khoảng 13m, sâu hơn đáy sông nên khi có sự gia tải trên bờ, kết hợp với mực nước sông thấp trong mùa khô thì nguy cơ sạt lở là rất cao.
Trước khả năng đoạn sông Bình Thủy ở vị trí nêu trên có thể tiếp tục xảy ra sạt lở, chuyên gia của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đề xuất thành phố Cần Thơ cần di dời ngay các hộ dân lân cận khu vực sạt lở để đề phòng sạt lở lan rộng. Đối với những ngôi nhà, công trình có tải trọng lớn, có nguy cơ sụp đổ cần tháo dỡ, di dời để giảm tải cho bờ sông. Đối với đoạn bờ sông đã bị nứt cần áp dụng các biện pháp để giảm áp lực gây trượt, giúp mái bờ ổn định hơn.
Ông Tiêu Quốc Doãn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy cho rằng, nếu di dời những hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng của sạt lở thì phải tính tới phương án tạm cư cho người dân trong thời gian tiến hành khắc phục. Đây là tuyến đường đông dân cư nên ngoài sinh sống thì người dân còn hoạt động sản xuất kinh doanh và các chi phí cần được tính toán cụ thể.
Đối với các giải pháp do đơn vị tư vấn đưa ra, lãnh đạo UBND quận Bình Thủy đề nghi tính đến hành lang an toàn khi thi công, có khoảng lùi so với bờ kè để sau khi tiến hành di dời, hỗ trợ xong thì người dân sẽ không được xây dựng thêm công trình nào trong phạm vi kè nữa nhằm giúp công trình đảm bảo độ bền khi đưa vào sử dụng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cho rằng, đây là khu vực sạt lở nguy hiểm khẩn cấp và có khả năng sẽ diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới, ăn vào sâu hơn và dài hơn, ảnh hưởng đến giao thông trên đường Bùi Hữu Nghĩa (đường tỉnh 918) nếu không xử lý kịp thời.
Về nguyên nhân gây sạt lở ở các điểm xung yếu trên địa bàn quận Bình Thủy đã được Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam chỉ ra sau quá trình khảo sát, đo đạc cụ thể.
Ông Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu tạm dừng thi công dự án với thiết kế cũ trên phần sạt lở vừa được khảo sát để xem xét, rà soát, đánh giá khoa học đầy đủ, từ đó sẽ quyết định phương án thiết kế, thi công tiếp theo. Việc điều chỉnh thiết kế của dự án để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đảm bảo ổn định lâu dài nhằm phù hợp thực tế diễn biến sạt lở hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu chính quyền địa phương thường xuyên nhắc nhở để người dân ý thức được nguy cơ sạt lở, nhất là những ngôi nhà còn người sinh sống trong khu vực sạt lở. Các đơn vị tư vấn, thiết kế sớm hoàn thành hồ sơ trên tinh thần kế thừa thiết kế cũ, có điều chỉnh hợp lý và đảm bảo hiệu quả, đáp ứng mục tiêu chống sạt lở của thành phố.