Giải pháp KHCN ứng phó biến đổi khí hậu - Bài 4: Quy hoạch Đồng Tháp Mười thành vùng trữ nước ngọt
Với tiềm năng nông nghiệp và thủy sản to lớn, Đồng bằng sông Cửu Long luôn đóng góp khoảng 53% tổng sản lượng lương thực, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước. Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, vùng đất trù phú này luôn đạt trên 19 triệu tấn lúa, xuất khẩu hàng năm từ 4 - 5 triệu tấn.
Vì vậy, giải bài toán nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vào mùa khô ở Đồng bằng sông Cửu Long là nhiệm vụ thường xuyên và cấp bách hiện nay, được các chuyên gia và các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam và Công ty TNHH MTV Nước và Môi trường Bình Minh đề xuất quy hoạch Đồng Tháp Mười trở thành vùng trữ nước ngọt cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhu cầu và sự cân bằng nước
Trên cơ sở đặc điểm tự nhiên, định hướng phát triển kinh tế-xã hội cũng như quy hoạch sử dụng đất, Đồng bằng sông Cửu Long được chia thành 4 vùng thủy lợi là Tứ Giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau, Giữa sông Tiền sông Hậu và Đồng Tháp Mười, bao gồm 22 tiểu vùng và 120 khu thủy lợi.
Theo số liệu điều tra của các chuyên gia và các nhà khoa học, tổng nhu cầu nước cho toàn vùng hàng năm vào khoảng 22,82 tỷ m3 cho giai đoạn hiện tại, dự báo lên đến 28 - 29 tỷ m3 cho kịch bản 2030-2040.
Trong khi một số vùng của Bán đảo Cà Mau chỉ có nhu cầu nước vào khoảng 600 đến hơn 895 triệu m3. Một số tiểu vùng trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long có lượng mưa hạn chế từ 1.400 - 1.800mm/năm, song diện tích đất canh tác nông nghiệp lại khá lớn như vùng Đông Trà Sư Tri Tôn, vùng Tây sông Hậu. Do đó, nhu cầu sử dụng nước ở các vùng này lên tới 1,7 - 3 tỷ m3 cho gia đoạn hiện tại, dự báo lên tới 2,1 - 4,26 tỷ m3 vào năm 2030-2040.
Từ kết quả đánh giá nhu cầu sử dụng nước và mô hình phỏng thủy động lực và xâm nhập mặn, tính toán cân bằng nước đối với các vùng thủy lợi giai đoạn hiện tại, kịch bản trung hạn đến năm 2030 và dài hạn đến năm 2050 cho thấy: Vùng Tứ Giác Long Xuyên gồm Tiểu vùng Đông Trà Sư - Tri Tôn và tiểu vùng Bảy Núi, lượng nước ngọt có thể khai thác đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho toàn bộ thời gian trong năm.
Riêng tiểu vùng tứ giác Hà Tiên và các tiểu khu thủy lợi thuộc tỉnh Kiên Giang, trung bình thiếu hụt nhu cầu nước diễn ra vào tháng 1 đến tháng 5 khoảng 241,14 triệu m3 đối với kịch bản hiện tại; thiếu hụt 157,85 triệu m3 đối với kịch bản năm 2030 và 179 triệu m3 đối với kịch bản năm 2050.
Vùng Bán đảo Cà Mau, ngoài tiểu vùng Tây sông Hậu, nước có thể khai thác đảm bảo nhu cầu, còn các tiểu vùng 5 đến tiểu vùng 10 đều bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng vào mùa khô. Cụ thể là tiểu vùng ven cửa sông Hậu trung bình mỗi tháng thiếu 40 triệu m3 nước, tiểu vùng Quảng Lộ - Phụng Hiệp thiếu hụt 224,3 triệu m3. Dự báo thiếu hụt nước trung bình đối với các tiểu vùng này khoảng từ 80 - 288 triệu m3 theo kịch bản năm 2030 và 90 - 290 triệu m3 theo kịch bản năm 2050.
Vùng giữa sông Tiền và sông Hậu, các tiểu vùng phía Bắc sông Măng Thít lượng nước có thể khai thác luôn đảm bảo cho nhu cầu sử dụng nước. Đối với tiểu vùng ven biển do bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, lượng nước có thể khai thác không đảm bảo cho nhu cầu trong mùa khô.
Lượng nước thiếu chủ yếu ở đây thuộc tiểu vùng Ba Lai và Bến Tre vào khoảng 34,4 - 93,8 triệu m3 cho giai đoạn hiện tại; dự báo thiếu hụt khoảng 40,93 - 180,2 triệu m3 cho kịch bản năm 2030 và 41,43 - 192,26 triệu m3 cho kịch bản năm 2050.
Vùng Tả sông Tiền, tính cả Đồng Tháp Mười với 4 tiểu vùng (Bắc kênh Tân Thành - Lò Gạch, Trung tâm Đồng Tháp Mười, Nam kênh Nguyễn Văn Tiếp, Giữa sông Vàm Cỏ) và tiểu vùng Gò Công, trong đó 3 tiểu vùng trung tâm Đồng Tháp Mười có lượng nước ngọt đảm bảo nhất cho nhu cầu sử dụng.
Đề xuất giải pháp tích trữ nước
Qua phân tích và đánh giá nêu trên, các chuyên gia và các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam và Công ty TNHH MTV Nước và Môi trường Bình Minh cho rằng, dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhu cầu khai thác sử dụng nước của các nước thượng lưu hệ thống sông Mê Công có nhiều thay đổi.
Nhất là 15 năm trở lại đây, diện tích nông nghiệp tăng khoảng 3,2 triệu ha, hàng loạt các hồ đập được xây dựng trên dòng chính và các sông nhánh, đã và đang ảnh hướng đến chế độ thủy văn, gia tăng xâm nhập mặn và ảnh hưởng lớn đến sự cân bằng nguồn nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Do đó, cần sớm có những giải pháp công trình thủy lợi và phi công trình để chủ động ứng phó với các tình huống cực đoan. Trong đó, giải pháp trữ nước ngọt trên sông kênh, hồ sinh thái và trên đồng ruộng, rừng, vườn quốc gia được đánh giá là khả thi nhất.
Về giải pháp trữ nước trên sông kênh, các sông kênh chính được thiết kế vận hành trữ nước và điều tiết nước theo ngày bằng cống 2 đầu. Một số kênh trục chính thử nghiệm thuộc phạm vi Đồng Tháp Mười như kênh Nguyễn Văn Tiếp, Tân Thành - Lò Gạch, Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, An Bình, Đồng Tiến... với tổng chiều dài 420 km.
Theo kết quả khảo sát đo đạc đầu năm 2018, hầu hết các kênh này đã được nạo vét với độ sâu trung bình từ 4 - 8m, độ rộng bề mặt 30 - 120m, độ rộng đáy 20 - 50m. Nếu sử dụng các kênh chính này trữ và cấp nước, thì tổng lượng nước khoảng 105 triệu m3. Nếu trừ đi lượng nước bốc hơi ước tính 10 triệu m3 và lượng nước trong kênh duy trì ổn định 35 triệu m3, lượng nước hữu dụng vẫn còn lại 60 triệu m3.
Ưu điểm của giải pháp này là tận dụng được sự chênh lệnh cao mực nước thượng nguồn và các tuyến sông kênh hiện hữu để trữ nước và chuyển nước đến khu vực hạ nguồn bị thiếu nước, nhưng cần phải đầu tư hệ thống cống điều tiết và rà soát, nạo vét các tuyến kênh trục để vận hành chuyển nước hiệu quả hơn.
Do đặc điểm địa hình Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp Mười nói riêng khá bằng phẳng, tổng lượng lũ lớn, nên khả năng làm hồ chứa để cắt, chậm hay chứa lũ khó thực hiện. Tuy vậy, có thể tận dụng nguồn nước lũ để tích trữ vào các hồ nước nhỏ với mục đích trữ ngọt cho mùa khô và cải tạo môi trường sinh thái cấp ấp, xã.
Mặt khác, vào mùa lũ các cánh đồng thuộc Đồng Tháp Mười thường ngập sâu. Như vậy, diện tích trồng trọt có thể dùng trữ nước tạm thời. Chẳng hạn như thí điểm tại 2 khu vực đã khảo sát thiết kế mô hình là khu vực xã Tân Hồng và xã Gáo Rồng, diện tích mỗi khu vực 500 ha, mực nước lũ hàng năm trung bình hơn 4,5m và từ cao độ mặt đất bình quân trên 1,5m có thể đạt dung tích trữ nước ngọt 15 triệu m3.
Mô hình này cần xây dựng hệ thống đê bao khép kín kèm theo các cống lấy nước và cấp nước. Đồng Tháp Mười còn có một số diện tích đất ngập nước tự nhiên, ngoài rừng ngập mặn ven biển còn một số Vườn Quốc gia như Tràm Chim, Láng Sen, rừng chàm Gáo Rồng...
Ngoài giá trị cao về bảo tồn đa dạng sinh học, các khu đất ngập nước này có thể kết hợp làm hồ trữ nước. Tổng diện tích các khu đất ngập nước khoảng 14.275 ha, độ sâu trung bình 2,5m sẽ có tổng lượng nước từ 356 triệu m3, tỷ lệ sử dụng 0,7 - 0,8 vào khoảng 250 - 290 triệu m3.