Giải pháp kỳ lạ chống áp lực cuộc sống của giới trẻ Trung Quốc
Sau nhiều năm tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, mọi thứ đang chậm lại ở Trung Quốc, khiến nhiều người gặp khó khăn hơn trong cuộc sống. Một số quyết định 'rút' khỏi cuộc đua 'nằm yên, mặc kệ sự đời.'
Li Shu, một người đàn ông 29 tuổi ở Tây Nam Trung Quốc, thất nghiệp và đã sống trong một chiếc lều dựng tại bãi đỗ xe bỏ hoang ở tỉnh Tứ Xuyên trong hơn 200 ngày.
Chiếc lều màu cam của Li được bao quanh bởi đá và gạch. Nơi này trông giống như một "bãi rác."
Li gắn một bảng thông báo lên chiếc lều để nhắc nhở người qua đường tôn trọng "ngôi nhà" và không đụng chạm vào đồ đạc của anh, đồng thời chú thích thêm rằng những món đồ đó "vô giá trị."
“Nếu bạn muốn tôi chuyển đi, hãy gọi cho tôi. Dù sao, tôi cũng chỉ sống tạm ở đây. Nếu điều này làm phiền bạn, tôi rất xin lỗi và sẽ rời đi ngay lập tức,” Li Shu viết trong thông báo.
Li cho biết chiếc lều đã qua sử dụng có giá 400 Nhân dân tệ (57 USD). Đây là tài sản đắt nhất của anh. Những vật dụng khác của Li bao gồm hai bộ quần áo cũ, bếp, nồi nhôm và một số thức ăn.
Dù trong mắt người khác, cuộc sống đó thật bi thảm nhưng Li cho biết anh hài lòng với nó.
Câu chuyện của Li đã khơi lại cuộc tranh luận về văn hóa "tang ping" (nằm thẳng) và sức hấp dẫn ngày càng tăng của nó trong giới trẻ Trung Quốc.
"Tang ping" là gì?
Văn hóa “nằm thẳng” hay "nằm yên, mặc kệ sự đời" là chỉ làm những gì tối thiểu để sống qua ngày và không phấn đấu vì điều gì khác.
Nhiều người coi đó là một sự phản ứng đối với văn hóa công sở, đang ngày càng độc hại và trở nên cạnh tranh quá mức ở Trung Quốc. Môi trường đó gây ra không ít khó khăn cho người trẻ.
Sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế với tốc độ chóng mặt, mọi thứ đang chậm lại ở Trung Quốc, khiến nhiều người gặp khó khăn hơn trong việc tìm một công việc hay mua một căn nhà.
Một số đã quyết định từ bỏ hoàn toàn cuộc đua, tạo ra một trào lưu được gọi là “nằm yên, mặc kệ sự đời.”
Các tín đồ của phong trào này cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng do làm việc nhiều giờ và áp lực đến từ gia đình và xã hội khi leo lên các bậc thang thăng tiến.
Một số người xem hiện tượng này như một lời cảnh báo về tình trạng trì trệ, báo hiệu con đường mà Trung Quốc đang đi có thể sẽ rơi vào tình cảnh giống Nhật Bản.
"Tang ping" xuất phát từ một bài viết trên mạng xã hội Tieba hồi giữa tháng 4/2021.
Người đăng bài thuộc thế hệ 9X đề cập đến thuật ngữ này và tự giới thiệu bản thân đã thất nghiệp trong hai năm, nhưng điều này không làm anh cảm thấy chán nản.
Thay vì đưa mình vào guồng quay kỳ vọng của gia đình hay chạy theo thành công của bạn bè, người này chọn cách "nằm yên" bởi "ngày càng thất vọng với văn hóa làm việc "vắt kiệt sức" của xã hội hiện đại.
Dù bài viết đã bị xóa ngay sau đó, nhưng thuật ngữ "tang ping" bất ngờ trở thành một từ thông dụng trong giới trẻ Trung Quốc.
Chụp ảnh tốt nghiệp phong cách "zombie"
Hồi đầu tháng Bảy, mạng xã hội Trung Quốc ngập tràn những bức ảnh tốt nghiệp phong cách "zombie."
Thay vì khoe lên mạng xã hội những bức ảnh rạng rỡ, nụ cười tỏa nắng khi cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp, nhiều sinh viên ở Trung Quốc đã đánh dấu thời khắc trọng đại của cuộc đời bằng cách đăng những bức ảnh trông hoàn toàn mệt mỏi, không có sức sống.
Họ nằm dài trên bãi cỏ, khuôn mặt bị che bởi những chiếc mũ cử nhân. Thậm chí, cúi xuống lan can hồ nước với đôi tay buông thõng.
Trên mạng xã hội, những bức hình này thường đi kèm với hashtag như "zombie style," "tang ping," hay "lying flat" (từ tiếng Anh của "tang ping").
Dường như những sinh viên vừa tốt nghiệp đang phản ứng lại môi trường cực kỳ cạnh tranh mà họ phải đối mặt khi dấn thân vào thị trường việc làm.
Nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn để phục hồi sau ba năm tê liệt vì COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong giới trẻ.
Mùa Hè này, số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng của Trung Quốc sẽ đạt mức cao mới, khoảng 11,58 triệu người.
Theo thống kê của Cục Thống kế Quốc gia Trung Quốc, hồi tháng Năm, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động nước này trong độ tuổi từ 16-24 tăng lên mức 20,8%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Đối với một số sinh viên, việc đăng ảnh tốt nghiệp phong cách zombie lên mạng phản ánh trạng thái tinh thần chán nản, không kỳ vọng vào tương lai.
“Tôi muốn chọn cách sống của riêng mình thông qua bức ảnh tốt nghiệp đó,” Brenda Lu, một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Nam Kinh, cho biết.
Lu nói: “Không phải tôi nằm yên không làm gì, mà đơn giản là tôi không quá quan tâm đến tiêu chuẩn của người khác, trong một môi trường không phù hợp với mình."
Đối với cô gái 21 tuổi, những bức ảnh tốt nghiệp phong cách zombie đó là cách thể hiện sự thờ ơ với những kỳ vọng của xã hội.
Cô nói: “Suốt ba năm sống trong đại dịch, tôi và các bạn của mình mắc kẹt trong ký túc xá với các buổi học trực tuyến. Rất nhiều người đã không có cuộc sống xã hội trong suốt thời gian đó và đang tuyệt vọng tìm lối thoát."
Đi chùa "chữa lành" và "cầu may"
Khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau COVID-19, các ngôi chùa trở thành điểm đến phổ biến của những người trẻ Trung Quốc muốn thoát khỏi áp lực cuộc sống và cầu may mắn.
Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2021, Lu Zi đã tìm được công việc đáng ngưỡng mộ ở một tập đoàn thương mại điện tử.
Cũng giống như những người trẻ khác, Lu từng có nhiều tham vọng và đã dành những năm đại học để lên kế hoạch cho sự nghiệp của mình.
Nhưng sau 12 tháng làm công việc đầu tiên trong đời, cô cảm thấy phải dừng lại và quyết định làm tình nguyện viên tại một ngôi chùa ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang.
Cũng giống như Lu, nhiều người trẻ mới tốt nghiệp ở Trung Quốc, những người cảm thấy vỡ mộng hoặc kiệt sức, đã tạm thời rút lui khỏi cuộc sống đầy cạnh tranh. Họ muốn suy nghĩ lại về mục tiêu của cuộc đời.
"Đại dịch không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế, mà còn phá vỡ nhiều giấc mơ của chúng tôi về cuộc sống," Lu nói.
Cô nói: "Những người ở độ tuổi của tôi đang vô cùng lo lắng về tình trạng suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Khi tất cả mọi thứ trở nên thiếu chắc chắn, nhiều người đang chọn giữ những công việc an toàn và ổn định. Nhưng cũng có một số người giống như tôi, muốn dừng lại và suy nghĩ lại về những gì bản thân thực sự muốn trong cuộc sống."
Các chuyên gia Trung Quốc tỏ ra quan ngại rằng việc thiếu cơ hội việc làm cho những người trẻ tuổi có thể ảnh hưởng xấu đến triển vọng phát triển kinh tế của đất nước.
Một sinh viên mới tốt nghiệp khác là Yao Fenfen, 23 tuổi, cho biết cô quyết định dành vài ngày tại một ngôi chùa ở Thâm Quyến sau khi đọc về nó trên Little Red.
"Tôi đã bị cho nghỉ việc vào đầu năm nay và muốn tận dụng thời gian rảnh rỗi này để trải nghiệm nhiều hơn, cũng như thư giãn một chút trước khi bắt đầu một công việc mới," Yao nói. "Tôi đã kết bạn với nhiều người bạn mới trong thời gian sống ở chùa. Nhiều người trong số họ bằng tuổi tôi và cũng vừa mới nghỉ việc."
Các đoàn người xếp dài hàng trăm mét quanh các ngôi chùa ở Trung Quốc là khung cảnh thường xuất hiện vào mỗi cuối tuần, khi những người trẻ tìm đến để cầu mong có việc làm. “Tôi hy vọng tìm được chút bình yên trong các ngôi chùa,” Wang Xiaoning, 22 tuổi, nói sau khi kể những áp lực mình đối mặt khi tìm việc và chi phí nhà ở ngoài khả năng chi trả.
Theo số liệu thống kê của nền tảng đặt phòng Trip.com, so với năm 2022, số lượt thăm viếng các ngôi chùa đã tăng 310%. Khoảng một nửa số trong số những vị khách tới chùa sinh sau năm 1990.
Hiện tượng thanh niên Trung Quốc đổ xô đến đền chùa cũng đã thu hút sự chú ý của truyền thông nước này.
Một bài bình luận trên tờ The Beijing News viết rằng "một số thanh niên đã đi sai đường trong việc xử lý áp lực."
Tờ báo kêu gọi giới trẻ Trung Quốc làm việc chăm chỉ hơn, thay vì đặt hy vọng vào việc "thắp hương."
Lối sống "trôi dạt"
Vài người trẻ tìm lối thoát bằng cách rong ruổi khắp đất nước. Họ kiếm sống bằng đủ mọi cách trên hành trình không đích đến của mình.
Mùa Hè năm ngoái, Wei Ziyi rơi vào trạng thái sụp đổ. Đó dường như là bi kịch với chàng trai 26 tuổi sau nhiều năm phấn đấu để có cuộc sống của một người trung lưu.
Anh đã từng là nhân viên marketing của một công ty công nghệ tại Thâm Quyến. Anh làm việc không mệt mỏi trong nhiều tháng để gây ấn tượng với sếp.
''Tôi chưa bao giờ nói không với bất kỳ nhiệm vụ nào. Tôi luôn là một trong những người có thành tích tốt nhất,'' Wei nói.
Nhưng sau đó, mọi thứ đột nhiên kết thúc. Nền kinh tế Trung Quốc chững lại sau nhiều tháng phong tỏa vì COVID-19.
Ông chủ của Wei thực hiện một cơn lốc sa thải. Wei mất việc và chật vật tìm việc mới. Anh phải rời Thâm Quyến để đến một thành phố khác có mức sống rẻ hơn.
Nhưng một năm sau, Wei lại thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết khi theo đuổi lối sống ''trôi dạt.''
Wei sống trên một chiếc xe tải, chất đầy lều trại và loa. Hiện anh ấy kiếm sống bằng cách tổ chức các bữa tiệc ở những khu nghỉ mát nằm dọc các bờ biển Trung Quốc.
"Sau khi mất việc, tôi nhận ra ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở mức thu nhập hay công việc. Tôi bắt đầu nghĩ về các giá trị và mục tiêu của cuộc đời mình," anh nói.
Wei không hề đơn độc. Kiệt sức sau nhiều năm bị phong tỏa vì COVID-19 và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao ngất ngưởng, nhiều thanh niên Trung Quốc đang bỏ học và tái tạo bản thân thành "những kẻ trôi dạt," sống bằng đủ cách trong khi lang thang khắp đất nước không mục đích.
"Trôi dạt" là biểu hiện mới nhất của sự vỡ mộng đang lan rộng trong thế hệ trẻ của Trung Quốc.
Theo một số cách, "trôi dạt" dường như là phiên bản năm 2023 của xu hướng "nằm yên mặc kệ sự đời"./.