Giải pháp làm mát bền vững có thể giúp các nền kinh tế đang phát triển tiết kiệm 8.000 tỷ USD

Theo báo cáo vừa được Liên minh Tăng cường hiệu quả làm mát của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) công bố, thị trường làm mát ở các nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 300 tỷ USD/năm hiện nay lên ít nhất 600 tỷ USD/năm vào năm 2050. Tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong lĩnh vực làm mát dự kiến sẽ diễn ra ở châu Phi - nơi thị trường sẽ tăng gấp 7 lần, và ở Nam Á - nơi sẽ tăng gấp 4 lần về quy mô.

 Tổ hợp khách sạn - văn phòng "xanh" Park Royal ở Singapore. Ảnh: PLO

Tổ hợp khách sạn - văn phòng "xanh" Park Royal ở Singapore. Ảnh: PLO

Với tên gọi “Tài chính làm mát: Huy động đầu tư cho nhu cầu làm mát bền vững của thế giới đang phát triển”, báo cáo cho thấy đến năm 2050, các nền kinh tế đang phát triển - hiện đang tạo ra 2/3 lượng khí thải liên quan đến làm mát toàn cầu - sẽ tăng gấp đôi nhu cầu làm mát do sự gia tăng dân số, mở rộng kinh tế và đô thị hóa.

Thực tế, các hệ thống làm mát cần có sự đầu tư ban đầu đáng kể. Theo ước tính của các chuyên gia, để khắc phục tình trạng thiếu hụt hiện tại trong việc tiếp cận hệ thống làm mát cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước đang phát triển sẽ cần từ 400 tỷ - 800 tỷ USD, chưa kể đến sự gia tăng nhu cầu trong tương lai.

Trái ngược với các thiết bị kém hiệu quả sử dụng nhiều điện năng hơn, báo cáo cho biết việc áp dụng các giải pháp làm mát bền vững ở các nền kinh tế đang phát triển có thể cắt giảm gần 50% lượng khí thải liên quan đến làm mát; đồng thời, giúp các nước này tiết kiệm đến 8.000 tỷ USD trong 25 năm tới nhờ cắt giảm hóa đơn tiền điện, chi phí thiết bị và đầu tư vào ngành điện.

Điều này đòi hỏi phải ưu tiên các chiến lược làm mát thụ động như ứng dụng các vật liệu cách nhiệt, phản quang, tăng cường các khu vực xanh và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, cần thực thi các tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và các quy định về năng lượng cho các tòa nhà mới, song song với việc giảm dần các khí làm mát (HFC) gây hiệu ứng nhà kính làm nóng hành tinh.

Ông Makhtar Diop, Tổng giám đốc IFC cho biết, thị trường làm mát bền vững đại diện cho cơ hội trị giá ít nhất 600 tỷ USD cho khu vực tư nhân, có thể tạo ra lợi ích hơn 8.000 tỷ USD cho các nước đang phát triển - nơi đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động chết người của nhiệt độ tăng cao và đang rất cần các giải pháp làm mát.

Đồng qua điểm, Giám đốc điều hành của UNEP Inger Andersen cũng cho rằng, khi nhiệt độ kỷ lục liên tục bị phá vỡ trên toàn thế giới, việc làm mát là nhu cầu thiết yếu đối với cả cộng đồng và môi trường. Tuy nhiên, “chúng ta cần phải tránh tạo ra vòng luẩn quẩn là đáp ứng nhu cầu làm mát thông qua các giải pháp làm hành tinh nóng thêm… Chúng ta cần các giải pháp làm mát bền vững, giá cả phải chăng và tiết kiệm năng lượng, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng vừa hỗ trợ khí hậu, sức khỏe, an ninh lương thực và phát triển kinh tế”, ông Andersen nhấn mạnh.

TỐ QUYÊN(Lược dịch từ IFC)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/giai-phap-lam-mat-ben-vung-co-the-giup-cac-nen-kinh-te-dang-phat-trien-tiet-kiem-8000-ty-usd-146513.html