Giải pháp mở rộng diện tích trồng lúa đặc sản ở Sóc Trăng
Sau gần 10 năm tham gia các cuộc thi quốc tế về lúa gạo, gạo ST25 do nhóm nghiên cứu lúa thơm Sóc Trăng đại diện cho gạo Việt Nam lần đầu giành được thứ hạng cao nhất và đăng quang danh hiệu 'Gạo ngon nhất thế giới'. Ðây là cơ hội vàng để tỉnh Sóc Trăng, nơi sản sinh ra nhiều loại gạo ngon từ hơn thế kỷ qua xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất gạo ngon của Việt Nam...
Sau gần 10 năm tham gia các cuộc thi quốc tế về lúa gạo, gạo ST25 do nhóm nghiên cứu lúa thơm Sóc Trăng đại diện cho gạo Việt Nam lần đầu giành được thứ hạng cao nhất và đăng quang danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”. Ðây là cơ hội vàng để tỉnh Sóc Trăng, nơi sản sinh ra nhiều loại gạo ngon từ hơn thế kỷ qua xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất gạo ngon của Việt Nam...
Xứ gạo ngon trứ danh
Sóc Trăng nằm ở ven biển, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, đất đai màu mỡ, thích hợp cho việc phát triển nông nghiệp, nhất là trồng lúa... Từ xưa, Sóc Trăng được gọi là “lẫm lúa miền Tây”. Vào thập niên 60, thập niên 70 của thế kỷ trước, có ông Huỳnh Yến Truyền, chuyên nghề xay xát, mua bán lúa gạo cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, được gọi là “vua mễ cốc miền Tây”. Sóc Trăng cũng là quê hương của bác sĩ nông học Lương Ðịnh Của, người đi đầu trong lĩnh vực cải tạo giống cây trồng của Việt Nam. Tiếp nối truyền thống của xứ lúa gạo ngon, nhiều nhóm nghiên cứu, lai tạo giống lúa cao sản, đặc sản đã thành công ở Sóc Trăng.
Một trong số đó là nhóm nghiên cứu lúa thơm ST do Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua dẫn dắt. Thành công vang dội từ khi gạo ST25 của nhóm này vinh dự được trao giải “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019 tại cuộc thi World’s Best Rice, do The Rice Trader tổ chức tại Phi-li-pin. Ðây là sự kiện có ý nghĩa lớn với ngành lúa gạo Việt Nam, khi hạt gạo nước ta đã vượt qua được các giống gạo ngon của Thái-lan, Cam-pu-chia để giành ngôi vương. Ðể hạt gạo Việt Nam giành giải nhất phải qua nhiều vòng chấm điểm, từ đánh giá cảm quan ngoại hình, chất lượng, dư lượng đến mùi, vị hạt gạo... Sau đó, các đầu bếp quốc tế, chuyên gia trong ngành lúa gạo thế giới chấm điểm cho hạt gạo sau khi nấu. Căn cứ vào chất lượng cơm ngon, thơm, dẻo, Ban tổ chức hình thành các thang điểm tiêu chuẩn. ST25 là loại gạo thuộc nhóm gạo hạt dài, trong, không bạc bụng. Sau khi nấu, cơm dẻo, hương vị thơm mùi lá dứa. Khi để nguội, cơm vẫn ngon, không bị cứng.Trước đó, giống ST24 cũng được vinh danh vào nhóm ba loại gạo ngon nhất thế giới.
Sự kiện ST25 được danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” không chỉ là niềm vui riêng của tỉnh Sóc Trăng mà là niềm tự hào của ngành hàng lúa gạo cả nước. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã đến Sóc Trăng trao đổi thông tin, trao tặng bằng khen nhằm khích lệ tinh thần cho nhóm nghiên cứu, xuống thăm ruộng lúa ST của nông dân sản xuất. ST25 - “gạo ngon nhất thế giới” được bình chọn là một trong 10 sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật năm 2019. Kỹ sư Hồ Quang Cua là một trong 62 nhà khoa học được vinh danh tại chương trình “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ II năm 2019 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.
“Lúa thơm - tôm sạch”
Mới đây, sau khi khảo sát cánh đồng Sóc Trăng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Sóc Trăng có thế mạnh về nông nghiệp. Lúa đặc sản chiếm gần 50% diện tích gieo trồng, được xác định là cây chủ lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bộ trưởng đề nghị, tỉnh tiếp tục phát triển các mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn, bền vững. Ðồng thời, quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản, trong đó ưu tiên phát triển các vùng sản xuất giống lúa ST tập trung, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, vùng sản xuất theo chuỗi gắn kết từ đầu vào tới đầu ra của sản phẩm. Ðáng chú ý, mô hình tôm - lúa là thế mạnh trong việc tạo ra sản phẩm gạo an toàn. Nhờ nguồn dinh dưỡng dồi dào từ nuôi tôm để lại, trên cánh đồng lúa thơm ST thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, lúa xanh tốt tự nhiên. Khi sản xuất dòng lúa này, nhà nông tiết kiệm được tối đa chi phí phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, lúa đạt năng suất cao, chất lượng thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất lúa thường. Ðây là điểm sáng giữ được môi trường sinh thái trong lành, một mô hình sản xuất tiêu biểu của tỉnh duy trì 20 năm qua.
Hiện tỉnh Sóc Trăng là địa phương dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long về diện tích sản xuất lúa thơm ST với khoảng 13.000 ha. Bộ NN và PTNT khuyến khích ưu tiên phát triển mô hình lúa - tôm gắn với dòng lúa này nhằm tiến tới hình thành sản phẩm gạo sạch, hữu cơ, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam. Về quy mô, đề án sẽ được thực hiện trên diện tích 17.000 ha, bao gồm toàn bộ vùng sản xuất tôm - lúa của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Chính vì vậy, Bộ NN và PTNT yêu cầu Sóc Trăng nhanh chóng xây dựng đề án “lúa thơm - tôm sạch”.
Giám đốc Sở NN và PTNT Sóc Trăng Lương Minh Quyết cho biết, để triển khai đề án này, tỉnh sẽ phối hợp các viện nghiên cứu, các cơ quan liên quan khảo sát, đề xuất cụ thể khi xây dựng đề án. Sẽ chú trọng vấn đề cơ giới hóa trong sản xuất lúa, nhất là việc gieo cấy và khâu thu hoạch. Ðể phát triển các chuỗi sản xuất, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành khoa học công nghệ, công thương... để xây dựng thương hiệu; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia, liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất - tiêu thụ khép kín.
Chú trọng sản xuất hợp tác
Sóc Trăng xác định giống lúa ST25 cần được phát triển, nhân rộng ở tất cả các vùng có đủ điều kiện chứ không riêng trong tỉnh. Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, ST25 là giống lúa mới có nhiều ưu điểm vượt trội. Hiện nay, Công ty TNHH Hồ Quang Trí đã thực hiện sản xuất lúa giống ST24 và ST25 theo quy trình nghiêm ngặt, nhằm bảo đảm chất lượng cho các dòng từ giống lúa siêu nguyên chủng đến cấp xác nhận. Ngoài giống ST24 đã được sản xuất đại trà, công ty có hơn hai héc-ta lúa giống siêu nguyên chủng ST25 để cung ứng cho thị trường.
Như vậy, năng lực sản xuất lúa giống ST25 của Sóc Trăng về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của các vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề còn lại là tổ chức liên kết nông dân theo các mô hình tổ hợp tác hay hợp tác xã để hình thành nên vùng nguyên liệu tập trung, đồng nhất, vừa có số lượng, vừa bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua chuyến khảo sát, thăm đồng vụ đông xuân 2019 - 2020 tại nhiều địa phương ở Nam Bộ, đoàn công tác Bộ NN và PTNT lưu ý đến vùng sản xuất lúa - tôm. Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, tiềm năng sản xuất trên vùng nuôi tôm luân canh lúa ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long còn rất lớn, có thể mở rộng hơn 160.000 ha. Tại Sóc Trăng, người nuôi tôm đang chuyển sang sử dụng chế phẩm vi sinh để sản xuất tôm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cũng chính là cơ hội để mở rộng trồng lúa sạch hữu cơ với các giống ST24 và ST25.
Bên cạnh đó, việc quản lý tốt thị trường để bảo vệ nhà đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu rất quan trọng, đòi hỏi các địa phương có biện pháp kiểm tra chất lượng lúa giống, sản phẩm gạo đúng theo quy định, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng vùng sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho gạo thơm ST. Sóc Trăng cần tổ chức sản xuất hợp tác theo hướng an toàn và hữu cơ để giống lúa thơm ST25 tiếp tục giữ vững danh tiếng gạo ngon nhất thế giới.
Giống lúa ST25 của Việt Nam do nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua, Nguyễn Thị Thu Hương và Tiến sĩ Trần Tấn Phương lai tạo. Ðây là giống lúa cao sản, có thể trồng 2 đến 3 vụ/năm; thân cứng và cao cây, lá xanh lâu tàn nên nuôi hạt tốt, nếu bón phân cân đối sẽ không bị đổ ngã; không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông... ST25 chịu phèn, mặn tốt cho nên có thể trồng ở đất đồng hoặc luân canh lúa - tôm. Trong điều kiện thời tiết tốt, năng suất ST25 có thể đạt 8,5 tấn/ha, trung bình khoảng 6 đến 7 tấn/ha.