Giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam

Chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người vừa thể hiện khát vọng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo, vừa phản ánh hiệu quả của các chính sách và vừa là thước đo của sự phát triển. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong đảm bảo chất lượng cuộc sống của nhân dân và nhờ đó đã đạt được thành tựu ấn tượng, đặc biệt sau đổi mới.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

1. Hạnh phúc luôn là khát vọng của nhân loại. Khát vọng đó luôn đau đáu trong suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân”(1). Bởi lẽ, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2) và “tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Vì thế, suốt cả cuộc đời của Người “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3). Thực hiện lời di huấn đó, Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để hiện thực hóa khát vọng đó của Bác thông qua nhiều chủ trương, chính sách được thể hiện trong suốt quá trình lãnh đạo của Đảng.

Thành tựu hơn 37 năm đổi mới là kết quả nỗ lực và kiên trì vì mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của nhân dân. Đảng ta khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”(4). Thật vậy, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới sang một quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn duy trì với tốc độ tăng khá, khoảng 6%/năm. Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Sau đại dịch, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đạt 8,05%. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động duy trì ở mức thấp, tỷ lệ ở khu vực thành thị giảm từ 3,37% năm 2015 xuống còn 3,1% năm 2019. Đến năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động chỉ còn 2,34%, giảm 0,86 điểm phần trăm so với năm 2021 (3,20%). Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam có xu hướng tăng từ 295.000 đồng/người/tháng năm 1999 lên 4,7 triệu đồng/người/ tháng năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 4,0% năm 2022. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà ở thiếu kiên cố và nhà tạm có chiều hướng giảm từ 13,0% năm 2010 xuống còn 4,4% năm 2020; nhà kiên cố và bán kiên cố tăng từ 86,0% năm 2010 lên 95,6% năm 2020. Hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (hệ số GINI) giảm từ 0,42 năm 2022 xuống còn 0,43 năm 2010 và 0,37 năm 2021. Chế độ chính sách đối với người người có công đã được đảm bảo. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, “tuổi thọ trung bình đến năm 2022 khoảng 73,6 tuổi, tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi). Đời sống người dân không ngừng cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch xã hội cơ bản. Vì thế, Việt Nam được đánh giá là đã hoàn thành mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng. Bình đẳng giới đã được chú trọng, khoảng cách giới đã dần dần được thu hẹp trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Giá trị truyền thống “nhân văn, nhân ái”, sự hiếu thảo của con cái cũng được tiếp tục phát huy trong bối cảnh xã hội có nhiều chuyển đổi.

Đánh giá về chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam được đo lường theo tiêu chí của Liên Hiệp quốc cho thấy, chỉ số này có xu hướng tăng từ 5,061 điểm, xếp vị thứ 94/149 quốc gia năm 2016, lên 5,411 điểm, xếp vị trí thứ 79 năm 2021 và 5,485 điểm năm 2022, xếp vị thứ 77. So với năm 2020, chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam tăng lên 6 bậc, từ vị trí thứ 83 lên 77 với số điểm từ 5,353 lên 5,485. Đây là kết quả nỗ lực hiện thực hóa khát vọng mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của Đảng và Nhà nước gần một thế kỷ qua.

Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Tỷ lệ không có việc làm, nhất là đối với lao động dân tộc thiểu số thường rất thấp; nhưng có việc làm bền vững, thu nhập ổn định lại không cao… Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên qua đào tạo còn thấp và có sự không đều ở giữa các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước. Khoảng cách giàu nghèo còn khá lớn giữa các nhóm xã hội, chênh lệch thu nhập của nhóm 20% giàu nhất so với nhóm 20% nghèo nhất là 6,9 lần năm 2020 và 8,0 lần năm 2022. “Lõi nghèo” vẫn còn tập trung ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều ở thành thị chỉ còn 1,5% so với 9,6% của nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của các hộ dân tộc vùng dân tộc thiểu số là 35,5%, mặc dù có giảm so với năm 2015 nhưng vẫn cao gấp 3,5 lần tỷ lệ chung của toàn quốc. Chất lượng tuổi thọ chưa cao, tầm vóc con người Việt Nam còn thấp so với một số nước trong khu vực. Bạo lực gia đình và bạo lực trẻ em vẫn còn tiếp diễn. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Cơ hội tiếp cận bảo hiểm xã hội, dịch vụ y tế chưa đồng đều. Nhóm người dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp rất ít có điều kiện tham gia vào bất kỳ loại bảo hiểm xã hội nào. Người nghèo ít có cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại so với người người giàu có. Người dân có điều kiện kinh tế khá giả thường có xu hướng lựa chọn cơ sở y tế tư nhân vì nó vừa nhanh chóng, thủ tục đơn giản, thái độ phục vụ cũng tốt hơn. Tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn còn diễn biến khá phức tạp. Lối sống thực dụng đã len lõi vào mỗi cá nhân, đặc biệt là giới trẻ. Tất cả hạn chế này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam.

2. Hiện thực hóa khát vọng “đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”, mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” luôn là kim chỉ nam trong hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bởi vì “Đảng ta không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân”(5) và “chỉ có chủ nghĩa xã hội mới bảo đảm cho dân tộc ta có độc lập, tự do thực sự, đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”(6).

Tại Đại hội VII, Đảng ta quyết tâm đưa “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”(7) và khát vọng xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc được tiếp tục khẳng định nhiều kỳ đại hội sau này. Đặc biệt đến Đại hội XIII khát vọng này càng được thể hiện mạnh mẽ hơn: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(8), “khơi dây tinh thần và ý chí, quyết tâm, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”(9). Để thực hiện điều đó, Đảng ta chỉ đạo “bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”. Điều này cho thấy, nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị hạnh phúc luôn là mục tiêu xuyên suốt trong sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam, cần thực hiện một số giải pháp cần được sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đội ngũ hoạch định chính sách về tầm quan trọng của hạnh phúc.

Tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị hạnh phúc và tầm quan trọng của chất lượng cuộc sống đối với sự ổn định và phát triển quốc gia thông qua nhiều hình thức và nội dung tuyên truyền phong phú, đa dạng. Các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đưa chỉ số hạnh phúc như một trong những chỉ số phát triển ở địa phương. Lồng ghép các chỉ số đo lường hạnh phúc vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, phát triển kinh tế luôn gắn với giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội nhằm hướng đến tiến bộ, công bằng xã hội.

Phát triển kinh tế là cơ sở để giải quyết tốt các vấn đề xã hội và đến lượt mình, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Do đó, để hiện thực hóa khát vọng “đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”, trước hết là phát triển kinh tế đảm bảo sự phát triển bền vững; khuyến khích làm giàu hợp pháp góp phần thúc đẩy phân tầng xã hội hợp thức, xử lý nghiêm túc đối với hành vi làm giàu bất chính (buôn lậu, trốn thuế…). Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn nhằm góp phần thu hẹp chênh lệch giàu nghèo. Tăng cường liên kết vùng trên mọi lĩnh vực đảm bảo chia sẻ các nguồn lực, giảm thiểu sự chênh lệch giữa các vùng trong quá trình phát triển. Xây dựng các chính sách xã hội đảm bảo công bằng cơ hội cho các nhóm xã hội.

Thứ ba, xây dựng và phát triển xã hội hài hòa.

Xã hội hài hòa” có thể được hiểu là một xã hội dân chủ dưới sự điều khiển của luật pháp, một xã hội dựa trên bình đẳng và công bằng, lương thiện và được chăm sóc mạnh mẽ và có trật tự trong đó con người sống hài hòa với thiên nhiên. Như vậy, xây dựng và phát triển xã hội hài hòa góp phần tạo mang lại sự công bằng và bình an cho con người, đảm bảo an ninh con người, an ninh xã hội. Để làm được điều này, trước hết là hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và công bằng. Hoạch định và thực thi chính sách xã hội đảm bảo tính bao trùm, dựa trên nguyên tắc đảm bảo quyền con người và bình đẳng giới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Xây dựng môi trường xã hội thân thiện, xây dựng bộ quy tắc ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên.

Thứ tư, phát huy hệ giá trị văn hóa, gia đình vào xây dựng và phát triển con người trong tình hình mới.

Đây là những giá trị giúp xây dựng và hình thành con người có phẩm chất đạo đức, trí tuệ và duy trì các mối quan hệ trong gia đình và xã hội một cách hài hòa. Phát huy các giá trị tích cực trong gia đình, xã hội nhằm tạo ra “sức đề kháng” để cá nhân có thể vượt qua những cám dỗ của xã hội. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền và giáo dục hệ giá trị văn hóa, giá trị gia đình một cách rộng rãi, lồng ghép các hệ giá trị này vào chương trình giáo dục ở các bậc học.

Thứ năm, ứng xử tích cực đối với môi trường.

Thiên tai và nhân tai đã tác động mạnh mẽ sinh kế và sức khỏe của con người, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của họ. Do đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường; lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường vào các bậc học. Xử lý nghiêm đối với hành vi xâm hại đến môi trường tự nhiên. Xây dựng văn hóa môi trường trong cộng đồng và xã hội. Chủ động ứng phó đối với những diễn biến bất thường của tự nhiên.

Nâng cao chất lượng cuộc sống và nhân dân hạnh phúc là giá trị của Đảng ta luôn hướng đến và là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Thành tựu kinh tế - xã hội của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới là cơ sở quan trọng để khẳng định Việt Nam đã chạm đến giá trị hạnh phúc và có tiềm lực để hiện thực hóa giá trị hạnh phúc một cách đầy đủ trong tương lai không xa.

TS. Phan Công Khanh
Giám đốc, Học viện Chính trị khu vực IV
TS. Phan Thuận
Học viện Chính trị khu vực IV

---

(1) (2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t. 4, tr. 272, 64, 187.

(4) (8) (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 25, 111, 46.

(5) (6) (7) Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện đại hội Đảng trong thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2019, tr.30, 40, 306.

Nguồn Tuyên Giáo: https://www.tuyengiao.vn/giai-phap-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-va-chi-so-hanh-phuc-cua-con-nguoi-viet-nam-152859