Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở

Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở (CĐCS) là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn, nhằm khẳng định vị thế, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với người lao động (NLĐ), góp phần xây dựng giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh.

 Diễn đàn nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở do LĐLĐ tỉnh Quảng Trị tổ chức - Ảnh: H.H

Diễn đàn nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở do LĐLĐ tỉnh Quảng Trị tổ chức - Ảnh: H.H

Những năm qua, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được trong nhiệm vụ xây dựng tổ chức công đoàn, hoạt động của một số CĐCS vẫn còn những hạn chế nhất định như: Nội dung, hình thức sinh hoạt chậm đổi mới, thiếu sinh động, hấp dẫn dẫn đến chất lượng sinh hoạt chưa cao; chưa có giải pháp căn cơ nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn; một số cơ quan, doanh nghiệp, nhất là người sử dụng lao động ở khu vực doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động CĐCS, chưa hỗ trợ về cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động; một số cán bộ CĐCS còn hạn chế về kỹ năng tổ chức hoạt động…

Để khắc phục những hạn chế này, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Trị xác định chủ đề hoạt động công đoàn năm 2020 là “Nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS”. Đây là nội dung hết sức cần thiết đối với tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay. Từ chủ đề hoạt động và chỉ đạo, hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh, các cấp công đoàn trong tỉnh cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trọng tâm là tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 06a/NQ-TLĐ ngày 6/1/2011 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS”. Đổi mới việc tổ chức hoạt động của ban chấp hành công đoàn các cấp theo hướng sát với tình hình thực tiễn, điều kiện lao động, sản xuất, công tác của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ); nâng cao hiệu quả phục vụ đoàn viên, NLĐ một cách cụ thể, thiết thực; tập trung vào những nội dung cơ bản, không dàn trải, rập khuôn cứng nhắc, chọn những công việc chính cần thực hiện gắn với lợi ích đoàn viên công đoàn và NLĐ.

Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình CĐCS để đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động. Đổi mới nội dung hoạt động cần xác định được công việc trọng tâm, những công việc nếu CĐCS không làm thì không có tổ chức khác làm thay để xác định đó là trách nhiệm chính trong hoạt động công đoàn. Cùng với đó, việc đổi mới nội dung phải gắn với đổi mới phương pháp hoạt động, cần tập trung vận động đoàn viên, NLĐ là chính nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ lợi ích đối với đoàn viên, NLĐ. Thông qua hoạt động công đoàn phát hiện, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ đoàn viên nòng cốt, làm hạt nhân trong mọi hoạt động.

Trong thực hiện đổi mới nội dung xây dựng CĐCS vững mạnh cần phải nghiên cứu, sắp xếp cơ cấu tổ chức cho phù hợp với từng loại hình CĐCS, những CĐCS thành viên, CĐCS bộ phận không phát huy được hiệu quả, cần thiết phải sắp xếp lại theo cơ cấu tổ chức CĐCS trực tiếp chỉ đạo đến tổ công đoàn. Xác định rõ nội dung trọng tâm để xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm gắn với phân công trách nhiệm thực hiện cho mỗi thành viên ban chấp hành và đoàn viên công đoàn. Phát huy hiệu quả nguồn tài chính công đoàn trong nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ.

Trong thực hiện đổi mới đánh giá chất lượng hoạt động của công đoàn, đoàn viên hằng năm, căn cứ các tiêu chuẩn và thang điểm LĐLĐ tỉnh hướng dẫn, việc đánh giá phải đảm bảo đúng quy trình, khách quan, đúng thực chất. Hằng năm, mỗi đoàn viên công đoàn phải đăng ký chương trình học tập, rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ với tổ chức công đoàn, làm cơ sở để đánh giá phân loại chất lượng đoàn viên cuối năm.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn. Các cấp công đoàn chủ động trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ CĐCS, nhất là bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho chủ tịch, phó chủ tịch nhằm từng bước nâng cao năng lực hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Kịp thời hỗ trợ những cơ sở hoạt động còn yếu, mới thành lập hoặc có sự thay đổi cán bộ. Phân công cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở trực tiếp phụ trách địa bàn để nắm tình hình, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhất là trong quan hệ lao động và tổ chức hoạt động công đoàn. Có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ CĐCS, xem xét lựa chọn những đoàn viên có trình độ, năng lực, nhiệt tình, tâm huyết và khả năng vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công đoàn vào điều kiện cụ thể ở địa phương, đơn vị để giới thiệu tham gia vào ban chấp hành CĐCS.

Cùng với những vấn đề trên, cần đa dạng hóa các hình thức tập hợp CNVCLĐ và hướng mạnh các hoạt động về cơ sở. Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, nhất là phát triển đoàn viên khu vực doanh nghiệp. Phát động, tổ chức và chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình mục tiêu quốc gia trong đoàn viên và CNVCLĐ đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Kịp thời sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, các cuộc vận động; cổ vũ, động viên và nhân rộng mô hình tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn.

Hồng Hạnh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=153636