Giải pháp nâng cao tỷ lệ bao phủ thẻ bảo hiểm y tế
Theo thống kê của ngành BHXH tỉnh, đến hết tháng 2/2021, số người tham gia BHYT toàn tỉnh trên 819 nghìn người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 94,6% dân số. Để tiến tới hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân của tỉnh vẫn còn nhiều thách thức.
Chú trọng công tác phục vụ người tham bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
BHYT là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân đạo, có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Theo đánh giá, mặc dù tỷ lệ người dân tham gia BHYT hàng năm tăng nhưng chưa có tính bền vững, nhất là đối với các nhóm đối tượng là người lao động tự do tham gia BHYT theo hộ gia đình. Trong năm vừa qua, do sáp nhập đơn vị hành chính từ cấp xã, đến huyện, thành phố nên nhiều địa bàn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là hàng nghìn người không được Nhà nước hỗ trợ mua, cấp thẻ BHYT. Việc vận động người tham gia BHYT với những trường hợp này rất khó khăn. Đồng chí Nguyễn Duy Thường, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng (BHXH tỉnh) cho biết: Nhằm đưa các chính sách, pháp luật về BHYT vào cuộc sống, thời gian qua, BHXH tỉnh tích cực phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là ở những địa bàn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Những thông tin về chính sách BHYT liên tục được phổ biến tới người dân thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hình thức tuyên truyền có nhiều đổi mới, đa dạng hóa, phù hợp hơn với các nhóm đối tượng như nông dân, người cận nghèo, học sinh, sinh viên, người lao động, chủ sử dụng lao động. Ngoài việc đổi mới, sáng tạo, BHXH tỉnh chú trọng phát triển mạng lưới nhân viên đại lý thu đến thôn, xóm; phát huy vai trò của những người có uy tín trong vận động Nhân dân tham gia BHYT.
Ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho hệ thống đại lý thu trên địa bàn toàn tỉnh. Phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tỉnh. Thành lập tổ chuyên viên giúp việc BCĐ cấp huyện và tổ công tác liên ngành rà soát, khai thác đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, để có giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHTN, BHYT phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của dịch Covid-19. Ngành đã tham mưu UBND tỉnh kiện toàn, hợp nhất, đổi tên BCĐ phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tỉnh thành BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh. Tổ chức đào tạo, mở rộng mạng lưới nhân viên, đại lý thu BHXH, BHYT. Kịp thời cung cấp danh sách người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình giảm đến hạn đóng BHXH, BHYT, danh sách người đã, đang hưởng chế độ BHTN đến nay chưa tiếp tục tham gia BHXH, BHYT cho hệ thống đại lý thu có hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tiễn, để phát triển, duy trì số người tái tham gia BHXH, BHYT. Ngành BHXH thực hiện phân bổ, giao chỉ tiêu kế hoạch thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho Phòng Quản lý thu (BHXH tỉnh) và BHXH các huyện ngay khi có quyết định của BHXH Việt Nam; đẩy mạnh công tác thu BHXH, BHYT, BHTN, giảm tỷ lệ nợ đọng, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giao.
Nhằm phục vụ tốt khách hàng, ngành BHXH đã triển khai ứng dụng BHXH trên nền tảng thiết bị di động "VssID- Bảo hiểm xã hội số", qua đó cung cấp các chức năng, tiện ích để tìm kiếm, tra cứu thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT; lịch sử thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, các điểm thu, đại lý thu... Khai thác, sử dụng tốt các chương trình công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam, ứng dụng có hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ do BHXH Việt Nam cung cấp; xây dựng, quản trị cơ sở dữ liệu của hệ thống BHXH tỉnh; cung cấp số liệu tổng hợp và phân tích theo yêu cầu quản lý của ngành.
Bên cạnh đó, công các cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý được đẩy mạnh; tổ chức bộ máy của các đơn vị trực thuộc BHXH tỉnh được sắp xếp, kiện toàn phù hợp; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại BHXH tỉnh chuyển biến mạnh cả về ý thức, tinh thần trách nhiệm, có tinh thần, tác phong làm việc theo hướng phục vụ. Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành, theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT; các tổ chức, cá nhân được nhận kết quả giải quyết công việc trong thời gian ngắn nhất, sự hài lòng của người dân ngày càng được nâng lên. Quy trình chuyển hồ sơ, chứng từ, trách nhiệm, thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN được niêm yết công khai, minh bạch. Công tác tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN của BHXH tỉnh duy trì nghiêm túc, hiệu quả theo các hình thức: Qua bộ phận một cửa tại trụ sở cơ quan BHXH, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, giao dịch điện tử và qua dịch vụ công ích.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ cấp tỉnh, huyện đến xã
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia BHYT, trong thời gian qua, ngành Y tế có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu của người tham gia. Mạng lưới y tế ngày càng được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế từng bước được đầu tư hiện đại, đồng bộ, dần đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân. Cụ thể, ngành đã kiện toàn tổ chức bộ máy Bệnh viện Đa khoa tỉnh (giải thể Bệnh viện Nội tiết, sáp nhập vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Cơ sở hạ tầng Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, dự án mở rộng bệnh viện từ nguồi vốn vay Quỹ Ả Rập - Xê út đã đầu tư xây mới, đưa vào sử dụng tòa nhà 9 tầng, mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại, đào tạo nhân lực chuyên sâu đã giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Số giường bệnh kế hoạch của bệnh viện tăng làm giảm tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép. Máy móc hiện đại, bác sỹ được đào tạo chuyên khoa sâu giúp người bệnh không phải chuyển tuyến trên điều trị.
Ngoài ra, ngành Y tế đã thực hiện tốt khâu đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến T.Ư về tuyến tỉnh. Bệnh viện Đa khoa khoa tỉnh đã tiếp nhận, hoàn thành chuyển giao nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu về tim mạch, ngoại khoa, ung bướu… Bệnh viện Y học cổ truyền chuẩn bị hoàn thành việc đầu tư xây dựng mở rộng cơ sở hạ tầng, mua trang thiết bị giai đoạn 2, các kỹ thuật chuyên môn được phê duyệt mở rộng: vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, điều trị kết hợp đông - tây y…
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cũng được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mua trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ việc khám, chuẩn đoán và điều trị (máy siêu âm màu 4D, hệ thống X-quang kỹ thuật số, CT-scaner, hệ thống máy xét nghiệm hiện đại, hệ thống phẫu thuật nội soi…). Đồng thời, các kỹ thuật chuyên khoa, chuyên môn cao được tiếp nhận chuyển giao từ tuyến trên. Có trung tâm y tế tuyến huyện đã kết nối khám, chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến T.Ư, giúp người bệnh không phải chuyến tuyến.
Tuyến xã cũng nhanh chóng ổn định sau sáp nhập đơn vị hành chính (từ 210 xã, phường, thị trấn còn 151 xã, phường, thị trấn). Ngành Y tế nhanh chóng ổn định tổ chức, nhân lực cấp phép hoạt động, giấy phép hành nghề cho các trạm y tế xã. Tính đến hết năm 2020, có 84% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Song song với nâng cao chất lượng chuyên môn, việc nâng cao y đức, tác phong, tinh thần, thái độ của cán bộ y tế được củng cố. Các đơn vị trong ngành Y tế đều lấy khẩu hiệu "Hướng tới sự hài lòng của người bệnh” làm giá trị cốt lõi. Vì vậy, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ y tế của tỉnh tăng dần. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh được triển khai đồng bộ trong các cơ sở y tế. Nội dung thanh toán viện phí không dùng tiền mặt đã triển khai tới 100% đơn vị y tế trong tỉnh, các đơn vị khối điều trị nghiên cứu, triển khai bệnh án điện tử. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người cao tuổi và các đối tượng chính sách được chú trọng.
Trong những năm qua, người dân trong tỉnh dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là các chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi và các đối tượng chính sách. Các chỉ số về sức khỏe dần được cải thiện.
Việt Lâm
Nhóm ý kiến
Gắn trách nhiệm già làng, trưởng bản và chính quyền địa phương
Bùi Văn Kiểm, Giám đốc BHXH huyện Lạc Sơn
Qua thực tế phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình ở địa phương cho thấy, công tác tuyên truyền, vận động cần gắn với trách nhiệm các cấp chính quyền từ xã, xóm, thôn, đề cao vai trò già làng, trưởng bản. Như xã Xuất Hóa (Lạc Sơn), từ một xã nghèo, kinh tế khó khăn, tỷ lệ bao phủ BHYT thấp, đến nay, tỷ lệ người có thẻ BHYT toàn xã đạt trên 90% dân số. Đảng ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, kiên trì tuyên truyền, dựa vào người có uy tín, già làng, trưởng xóm vận động hiệu quả. Đồng thời, đại lý thu ở cấp cơ sở tích cực tuyên truyền người dân tham gia, những chủ trương, chính sách về BHXH đều được cung cấp kịp thời đến bà con, để người dân hiểu, tham gia BHXH tự nguyện và mua BHYT không chỉ là chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, mà còn là "bùa hộ mệnh” khi chẳng may ốm đau, bệnh tật. Đây cũng là bài học kinh nghiệm để BHXH huyện nhân rộng ra các xã khác trong thời gian tới, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, giai đoạn 2012 - 2020.
Kiên trì tuyên truyền "mưa dầm thấm lâu”
Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Tiến (TP Hòa Bình)
Đầu năm 2020, xã Yên Quang sáp nhập xã Phúc Tiến thành lập xã Quang Tiến. Từ đầu năm 2021, Quang Tiến trở thành xã vùng 1, Nhà nước không hỗ trợ cho khoảng hơn 2.000 người mua thẻ BHYT. Tỷ lệ bao phủ cả xã từ trên 85% xuống chỉ còn khoảng hơn 50% dân số. Xã đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHYT, như tổ chức các hội thảo, hội nghị lồng ghép, tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của xóm, xã. Tăng cường thu BHYT tại trường học. Phối hợp BHXH tỉnh mở điểm bán BHYT tại thôn, xóm để người dân dễ tiếp cận tìm hiểu, tham gia BHYT. Kiên trì với hình thức "mưa dầm thấm lâu”, tuyên truyền bằng thực tế trường hợp hộ không tham gia BHYT, bị tai nạn rủi ro kinh tế gia đình suy kiệt khi phải nằm viện.
Tăng cường tuyên truyền bằng hình thức trực quan
Hà Thị Thúy, Trưởng trạm y tế xã Xăm Khòe (Mai Châu)
Thực trạng người dân không tham gia BHYT theo hộ gia đình là phổ biến do nhận thức còn hạn chế. Nhiều trường hợp khi có bệnh mới đến trạm hỏi thủ tục mua thẻ BHYT. Tại địa bàn xã đã có 3 - 4 trường hợp bị bệnh nặng, khi chuyển tuyến không có BHYT phải thanh toán số tiền lớn, lúc đó mới vội vàng đi vay mượn, bán trâu, bò, ruộng đất. Có hộ đã thoát nghèo lại trở thành hộ nghèo. Do vậy, cần phải tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức cụ thể, trực quan đến tận xóm, thôn để Nhân dân hiểu rõ về lợi ích của BHYT. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cho các đoàn thể, thôn, xóm vận động Nhân dân tham gia BHYT.