Giải pháp nâng cao ý thức, ứng xử có văn hóa cho học sinh khi tham gia giao thông

Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao ý thức cho học sinh trong việc chấp hành tốt các quy định pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Theo đó, các trường học tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về giao thông thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, hội thi văn hóa - văn nghệ. Tại các cổng trường, nhà trường bố trí pa nô, áp phích, biển báo giao thông để nhắc nhở học sinh chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Nhiều trường học xây dựng mô hình 'Cổng trường an toàn giao thông' do Đoàn trường thực hiện để kiểm soát trước và sau các buổi học, nhắc nhở, xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường và Luật Giao thông đường bộ.

 Tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình, TP. Đông Hà - Ảnh: T.V

Tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường Tiểu học Hòa Bình, TP. Đông Hà - Ảnh: T.V

Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hóa Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết: "Ngay đầu năm học, chi bộ nhà trường ban hành nghị quyết về công tác đảm bảo ATGT trong trường học. Chi bộ yêu cầu nhà trường cụ thể hóa nội dung về ATGT, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho tổ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm, tổ chức đoàn thể trong trường triển khai thực hiện kế hoạch đồng bộ và thường xuyên".

Cùng với việc tăng cường công tác chỉ đạo tuyên truyền các quy định pháp luật về giao thông, nhiều năm nay, cứ vào dịp lễ khai giảng năm học mới, Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Ban ATGT tỉnh và Công ty Honda Việt Nam tại Quảng Trị tổ chức trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp 1 trên địa bàn tỉnh. Đây là số mũ bảo hiểm do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ GD&ĐT và Công ty Honda Việt Nam trao tặng cho học sinh lớp 1 toàn quốc với chủ đề “Giữ trọn ước mơ”. Với cách làm này đã nâng cao văn hóa tham gia giao thông cho học sinh, góp phần đảm bảo ATGT trên các tuyến đường.

Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn nhiều học sinh vi phạm quy định về giao thông như đi xe hàng hai, hàng ba, phụ huynh, học sinh tụ tập trước cổng trường sau giờ tan học. Đặc biệt, nhiều học sinh điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe theo quy định, còn lạng lách đánh võng, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy.

Năm học 2022- 2023 đang đến gần, nhằm đảm bảo ATGT cho học sinh, Sở GD&ĐT ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 48 ngày 5/4/2022 của Chính phủ về tăng cường đảm bảo trật tự ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Hữu Huyện cho biết, mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo đơn vị, tổ chức đoàn, đội, hội tại cơ sở GD&ĐT trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên.

Từ đó, cùng với các sở, ban, ngành, địa phương phấn đấu giảm tai nạn giao thông trên 5% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương hằng năm; hướng đến năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm trước. Để đạt được kế hoạch đó, Sở GD&ĐT yêu cầu trường học sử dụng hiệu quả tài liệu giáo dục ATGT đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, đưa nội dung giáo dục pháp luật về ATGT và văn hóa giao thông vào chương trình giáo dục chính khóa và hoạt động ngoại khóa phù hợp từ bậc mầm non đến trung học phổ thông.

Ông Phan Hữu Huyện cho biết thêm, xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh là hoạt động trọng tâm của ngành GD&ĐT, đồng thời gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT trước cấp có thẩm quyền.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Sở GD&ĐT yêu cầu trường học tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 45 ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư, Chương trình hành động số 54 ngày 14/11/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18 ngày 4/9/2012 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Nghiên cứu, tích hợp, lồng ghép các nội dung trong tài liệu giáo dục ATGT cấp tiểu học, THCS, THPT vào quá trình giảng dạy một số môn học phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Có kế hoạch tập huấn nâng cao kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ tuyên truyền, giảng dạy về ATGT cho giáo viên. Tăng cường tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, văn hóa giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn thông qua hoạt động ngoại khóa cho học sinh cũng như xây dựng và nhân rộng mô hình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên.

Bên cạnh đó, các trường học quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục ATGT trong trường học. Khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên sử dụng phương tiện giao thông công cộng và thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông.

Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác giáo dục ATGT trong các cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo. Đưa nội dung chấp hành pháp luật về trật tự ATGT vào nội quy nhà trường; lấy thái độ, hành vi về thực hiện ATGT của học sinh làm tiêu chí đánh giá rèn luyện, xếp loại. Biểu dương, khen thưởng kịp thời cá nhân có thành tích trong công tác đảm bảo trật tự ATGT cũng như xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm để xây dựng kỷ cương, văn hóa trong tham gia giao thông.

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=169433&title=giai-phap-nang-cao-y-thuc-ung-xu-co-van-hoa--cho-hoc-sinh-khi-tham-gia-giao-thong