Giải pháp nào bảo tồn, phát triển bền vững các làng nghề?

Ngày 5/12, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo lấy ý kiến góp ý về các giải pháp bảo tồn, phát triển bền vững các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Sản xuất nước mắm truyền thống tại làng nghề Nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng) . Ảnh: TTXVN

Sản xuất nước mắm truyền thống tại làng nghề Nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng) . Ảnh: TTXVN

Tại hội thảo, một số giải pháp phát triển làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đề xuất.

Đó là, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước thống nhất giao nhiệm vụ chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương cho Sở Công Thương phụ trách.
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho làng nghề, xây dựng website, áp dụng thương mại điện tử.

Đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường, tập huấn công tác bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ sạch, sản phẩm sạch...
Anh Bùi Thanh Phú, đại diện làng nghề Nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng) kiến nghị, Cục Công Thương địa phương hỗ trợ, bố trí nguồn vốn từ chương trình quốc gia cho các làng nghề và chú ý tính đặc thù của từng làng nghề để có chương trình hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho từng đối tượng.
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng tham mưu cho thành phố bố trí quỹ đất xây dựng khu sản xuất tập trung cho làng nghề nước mắm Nam Ô để bà con đầu tư sản xuất, hiện nay quỹ đất trong làng rất hạn chế.

Đối với các cơ sở thủ công truyền thống tại thành phố Đà Nẵng, khi kết hợp với các công ty du lịch để đưa khách đến tham quan, trải nghiệm tại cơ sở sản xuất thì ngoài các khoản thu nhập tăng thêm, các cơ sở sản xuất còn có thể quảng bá sản phẩm của mình đến với khách hàng nhiều nơi.

Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất phải có trách nhiệm chăm sóc kỹ khu vực sản xuất, văn minh, sạch đẹp để khách cảm giác yêu thích khu sản xuất của mình.
Ông Nguyễn Trường Thiên, Phó Chủ tịch văn phòng đại diện miền Trung, Hiệp hội Làng nghề góp ý, muốn phát triển làng nghề, cần phải có đủ các yếu tố: con người có năng lực; khu vực sản xuất, trưng bày sản phẩm chuyên nghiệp; ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
“Muốn như vậy, các địa phương cần xây dựng, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển nghề, làng nghề với quy mô, thời gian, điều kiện phát triển, phân công thực hiện theo từng bước cụ thể; có chế độ, chính sách cho các nghệ nhân làng nghề để họ tham gia truyền dạy nghề cho con cháu, cung ứng nguồn thợ chất lượng cao cho các làng nghề.”, ông Thiên bày tỏ.
Bên cạnh các làng nghề truyền thống, cần xây dựng, phát triển các làng nghề mới, phục dựng các làng nghề đã bị mai một, phát triển hình thức làng nghề kết hợp du lịch...
Theo báo cáo của 49/62 tỉnh, thành phố, tính đến hết tháng 6/2019, tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề đạt hơn 61.904 tỷ đồng.

Số lượng lao động tham gia sản xuất kinh doanh tại các làng nghề là 936.052 người, thu nhập bình quân lao động đạt 3,83 triệu đồng/người/tháng.
Số lượng các cơ sở kinh doanh trong làng nghề là 1.591.641 cơ sở, trong đó có 8.687 doanh nghiệp, 273 hợp tác xã, 920 tổ hợp tác và 1.581.761 hộ kinh doanh gia đình. Như vậy, hình thức tổ chức hiện nay trong các làng nghề vẫn là sản xuất tại hộ gia đình, với quy mô vừa và nhỏ./.

Quốc Dũng/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/giai-phap-nao-bao-ton-phat-trien-ben-vung-cac-lang-nghe-/141808.html