Giải pháp nào bảo vệ cà phê Sơn La khỏi thời tiết cực đoan?

Những giải pháp bảo vệ cây cà phê cần được triển khai kịp thời, chủ động với tinh thần 'phòng hơn chữa', để người trồng cà phê không còn thấp thỏm nỗi lo sương muối.

Đợt rét đậm, rét hại kèm sương muối vừa qua đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhiều vườn cà phê ở TP Sơn La, tỉnh Sơn La. Đây không phải lần đầu cây cà phê Sơn La bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Các cấp, các ngành và người trồng cà phê đang tìm giải pháp lâu dài để bảo vệ sinh kế, giảm thiệt hại, phát triển vùng chuyên canh cà phê bền vững của Sơn La.

Hơn 1 ha cây cà phê của gia đình ông Lò Văn Long ở bản Hôm, xã Chiềng Cọ, TP Sơn La đã bị thiệt hại do đợt rét đậm, rét hại kèm sương muối đầu tháng 2 vừa qua. Cách đây 4 năm, gia đình ông cũng là 1 trong hàng trăm hộ ở Sơn La có diện tích cà phê bị chết cháy, thiệt hại do sương muối, phải cải tạo toàn bộ diện tích. Vừa tái thu hoạch chưa lâu thì nay lại phải xót xa chứng kiến vườn cà phê xơ xác, thân, cành, lá héo khô.

Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương hướng dẫn người trồng cà phê biện pháp khắc phục diện tích bị ảnh hưởng.

Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương hướng dẫn người trồng cà phê biện pháp khắc phục diện tích bị ảnh hưởng.

“Năm nào cà phê bị sương muối gia đình rất buồn nhưng không biết làm thế nào. Gia đình mong sao có cây trồng xen kẽ hoặc thay thế ra sao để các cấp, các ngành xem xét hướng dẫn gia đình có cây trồng xen vào hoặc thay cây cà phê”, ông Long ngậm ngùi chia sẻ.

Theo anh Quàng Văn Bun, trưởng bản Hôm, xã Chiềng Cọ, TP Sơn La, đây là lần thứ 3 từ năm 1999 đến nay cây cà phê của bà con trong bản bị ảnh hưởng bởi sương muối. “Cà phê và mận hậu là cây chủ lực của bà con trong bản. Khi cà phê bị ảnh hưởng bởi sương muối đã gây thiệt hại cho bà con rất nặng nề. Hiện bản đang cùng cán bộ đang rà soát, hướng dẫn bà con cắt tỉa cây không để ảnh hưởng tận gốc, cưa đốn nhanh”, anh Bun cho biết.

Đợt sương muối vừa qua đã gây thiệt hại hơn 10 ha cây cà phê của nhiều hộ dân xã Chiềng Cọ, TP Sơn La. Trong đó, hơn 3 ha bị ảnh hưởng trên 70% phải cưa đốn, còn lại bị ảnh hưởng từ 30% - 70% với hiện trạng cây bị táp lá. Những diện tích cà phê bị ảnh hưởng chủ yếu ở vùng trũng, thấp, đều gần 20 năm tuổi trở lên.

Đưa ra phương hướng hỗ trợ, ông Cà Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, TP Sơn La cho biết, đối với các hộ bị thiệt hại cây cà phê, xã đang thành lập tổ công tác để rà soát, lập hồ sơ để hỗ trợ bà con theo quy định của nhà nước.

Tỉnh Sơn La hiện là địa phương có diện tích cây cà phê lớn nhất miền Bắc, với khoảng 20.000 ha; trong đó TP Sơn La có gần 5.000 ha. Trồng cà phê là sinh kế chính của hàng chục nghìn hộ dân trong tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 1999 đến nay, người trồng cà phê ở Sơn La đã nhiều lần điêu đứng do các đợt sương muối xảy ra, khiến hàng ngàn ha cà phê phải đốn bỏ.

Cùng với biện pháp khắc phục trước mắt như tỉa cành với những cây hư hại nhẹ, bị táp lá; người trồng cà phê đang khẩn trương cưa đốn diện tích thiệt hại nặng; các cơ quan chuyên môn hiện đang tích cực vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn người trồng cà phê giải pháp bảo vệ cây trồng khỏi các đợt rét hại, sương muối có thể tiếp diễn.

Bà Trần Thị Nga, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Sơn La cho biết, đối với những vùng trồng thường xuyên bị ảnh hưởng, trung tâm hướng dẫn bà con ngoài việc chăm sóc nên trồng thêm cây che bóng xen với cà phê để hạn chế sương muối. Những năm có dự báo rét đậm, rét hại và có sương muối bà con nên ủ trấu, đốt hun khói đối với những vùng thường xuyên bị sương muối.

Người dân cưa đốn những cây cà phê bị hỏng do sương muối để cải tạo, phục hồi lại toàn bộ cây trồng.

Người dân cưa đốn những cây cà phê bị hỏng do sương muối để cải tạo, phục hồi lại toàn bộ cây trồng.

Để hạn chế các thiệt hại, những năm gần đây, các cấp, các ngành và địa phương ở Sơn La đã tích cực vận động người dân đưa giống cà phê mới như THA1, TN1, TN6, TN7, TN9… cho năng suất cao, có khả năng chịu được sương muối vào ghép thay thế giống cũ. Nhiều hộ dân, HTX áp dụng giải pháp này đã đem lại hiệu quả rõ nét.

“Cà phê giống mới chống được biến đổi khí hậu, kháng được bệnh với nguồn gen đảm bảo 100% là cà phê arabica (cà phê chè). Từ năm 2018, HTX đã mời các chuyên gia nước ngoài về tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho thành viên HTX”, ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao Sơn La cho biết.

Theo ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tái canh cây cà phê cũng là một trong những giải pháp để Sơn La phát triển bền vững cây cà phê. “Tỉnh Sơn La tập trung rà soát, đánh giá lại tổng thể diện tích cây cà phê, từ đó tái canh toàn bộ cây cà phê bằng bộ giống mới, đặc biệt là tập trung giống cà phê chất lượng cao và cà phê đặc sản Sơn La. Đồng thời, liên kết nông hộ, nông dân, HTX để trồng theo quy chuẩn”, ông Công nêu giải pháp.

Những giải pháp bảo vệ cây cà phê cần được triển khai kịp thời, chủ động với tinh thần “phòng hơn chữa”, để người trồng cà phê không còn thấp thỏm nỗi lo sương muối; đồng thời, phát triển những vùng chuyên canh bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị cây cà phê Sơn La./.

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/giai-phap-nao-bao-ve-ca-phe-son-la-khoi-thoi-tiet-cuc-doan-post1001633.vov