Giải pháp nào chia sẻ 'gánh nặng' cho EU về người tị nạn?

Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét giải pháp hỗ trợ các nước láng giềng của Afghanistan tiếp nhận người tị nạn đến châu Âu nhằm ngăn chặn sớm một cuộc khủng hoảng di cư sau khi phong trào Taliban nắm quyền điều hành quốc gia Nam Á này.

Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ EU diễn ra ngày 31-8 tại Thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: EC

Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ EU diễn ra ngày 31-8 tại Thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: EC

Sớm ngăn chặn thêm 1 cuộc khủng hoảng

Đầu tuần này, EU đã tiến hành cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ tại Thủ đô Brussels, Bỉ, nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên để đưa ra sách lược ứng phó với nguy cơ bùng nổ các làn sóng di cư từ Afghanistan đến châu Âu.

Bà Ylva Johansson, Ủy viên phụ trách Nội vụ EU cho biết, từ khi phong trào Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan từ giữa tháng 8 tới nay, chưa có một cuộc di cư lớn nào của người Afghanistan. Song, EU nhận định, nhà nước non trẻ của Taliban cũng như những mâu thuẫn ở trong và ngoài nước vẫn còn nhiều diễn biến bất ổn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ và có thể bùng nổ những làn sóng di cư đến châu Âu.

Đáng chú ý tại cuộc họp, các Bộ trưởng đã kêu gọi EU thực hiện giải pháp hỗ trợ các quốc gia láng giềng của Afghanistan tiếp nhận người tị nạn từ quốc gia Nam Á này. Giới quan sát chính trị khu vực đánh giá, đây là một nỗ lực của EU nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư đến châu Âu.

Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, EU và 27 quốc gia thành viên cam kết hành động chung để ngăn chặn sự tái diễn của các làn sóng di cư bất hợp pháp trên quy mô lớn và không thể kiểm soát. Tình trạng này từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ và EU đang nỗ lực ngăn chặn bằng cách chuẩn bị cho một phản ứng thiết lập kiểm soát trật tự. Vì vậy, giải pháp này được hưởng ứng và đánh giá là tối ưu nhất. EU sẽ hợp tác toàn diện với Afghanistan và các nước láng giềng của nước này để ngăn dòng người tị nạn tiến vào châu Âu.

Giới chuyên gia Trung Đông bình luận, kế hoạch của EU làm gợi nhớ tới thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2015 sau khi hơn 1 triệu người di cư từ Syria và Iraq đến châu Âu, phần lớn là để chạy trốn xung đột. Để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ ngăn người di cư tại nước này, khối 27 quốc gia đã đề nghị mức 6 tỷ euro (7,07 tỷ USD) để giúp đỡ những người tị nạn. Tuy nhiên, dù cùng một sách lược, nhiều học giả cho rằng, lần này, EU sẽ phải có những điều chỉnh so với thỏa thuận tị nạn với Thổ Nhĩ Kỳ.

Làn sóng người tị nạn năm 2015 đến EU được đánh giá là một “dấu ấn” khủng hoảng nghiêm trọng khiến EU chia rẽ sâu sắc khi đã tiếp nhận một lượng quá lớn người di cư lánh nạn chiến tranh. Bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2015 cũng chính là lý do khiến EU như “ngồi trên than nóng” khi chứng kiến diễn biến phức tạp ở Afghanistan những tuần gần đây. Mặt khác, bài học này cũng là “động lực” thúc giục EU phải hành động sớm, mạnh mẽ và có hiệu lực cao để kịp thời ngăn chặn những nguy cơ tiềm tàng.

Chia sẻ “gánh nặng” như thế nào?

Dự báo của Liên hợp quốc cho biết, sẽ có khoảng 500.000 người tị nạn Afghanistan vào cuối năm 2021. Riêng với EU, ước tính của Ủy ban Cứu hộ quốc tế cho rằng, EU có thể tiếp nhận ít nhất 30.000 người Afghanistan trong 12 tháng tới.

Nhiều học giả quốc tế cho rằng, giải pháp hỗ trợ các nước láng giềng Afghanistan tiếp nhận và lo cho người tị nạn sẽ giúp giữ vững “pháo đài châu Âu”. Song, nếu trường hợp xấu nhất xảy ra là bùng nổ làn sóng người tị nạn từ Afghanistan, năng lực tiếp nhận của các nước láng giềng cũng rất hạn chế nên sẽ rất khó để kế hoạch này được thực hiện trọn vẹn. Đặc biệt, xuyên suốt 20 năm chiến tranh, đã có lượng lớn người di cư Afghanistan đến các nước láng giềng khiến các quốc gia này vốn đã chịu áp lực rất lớn.

Người Afghanistan chờ đợi mở cửa biên giới Pakistan - Afghanistan để được hồi hương sau khoảng thời gian tị nạn ở Pakistan. Ảnh: EPA

Người Afghanistan chờ đợi mở cửa biên giới Pakistan - Afghanistan để được hồi hương sau khoảng thời gian tị nạn ở Pakistan. Ảnh: EPA

Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell cũng thừa nhận điều này và khẳng định rằng, kế hoạch của EU chỉ khả thi khi có được sự hợp tác mạnh mẽ của các nước láng giềng Afghanistan. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, EU cũng phải có những hỗ trợ mạnh mẽ tương xứng để các nước láng giềng Afghanistan sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với mình.

Mặt khác, song hành với tị nạn thường là các vấn đề liên quan đến an ninh, trong khi EU vốn là khu vực “nhạy cảm” với vấn đề khủng bố. Việc tiếp nhận tị nạn cũng sẽ phải đặt nặng những biện pháp quản lý, kiểm soát đối với người di cư. Bảo đảm an ninh cho công dân EU khỏi các vụ tấn công khủng bố cũng có tầm quan trọng khiến các nhà lãnh đạo phải “đau đầu”.

Một “bài toán” khó khác được đặt ra là vấn đề nội bộ của EU, dù thời gian gần đây không còn chia rẽ quá sâu sắc, song, bất đồng vẫn luôn hiện hữu. Giới quan sát khu vực cho biết, một số quốc gia EU đã phản ứng khá gay gắt, phản đối quan điểm phải tiếp nhận người tị nạn Afghanistan.

Dễ nhận thấy, trong tuyên bố chung của EU vừa được đưa ra, các nước EU chỉ cam kết mạnh mẽ về nỗ lực cùng nhau ngăn chặn một cuộc khủng hoảng di cư nhưng không đưa ra bất kỳ lời cam kết định lượng nào về việc tiếp nhận người tị nạn Afghanistan. Dẫu vậy, đến giữa tháng 9, toàn bộ thành viên EU sẽ phải trình bày cam kết tiếp nhận người tị nạn của mình theo quy trình.

Ở góc độ tích cực, nhiều chuyên gia Trung Đông tin rằng, hòa bình, ổn định vì lợi ích của người dân Afghanistan mới thực sự là giải pháp căn cơ nhất, giải đáp mọi “bài toán” khó của quốc tế nói chung và EU nói riêng. Bởi, nếu đời sống xã hội Afghanistan tốt hơn thì người dân cũng không buộc phải “đánh cược mạng sống” trong những chuyến di cư, tị nạn đầy trắc trở. Thay vào đó, họ có thể yên tâm sinh sống trên mảnh đất quê hương trong hòa bình, ổn định và phát triển với một chính quyền mới.

Vì vậy, để tránh xảy ra khủng hoảng di cư thì quan trọng nhất là phải tránh được khủng hoảng nhân đạo. Hơn lúc nào hết, khi Afghanistan chưa xuất hiện những diễn biến xấu, EU cần phải hành động quyết liệt hơn, thực chất hơn để ngăn chặn kịp thời và hiệu quả một cuộc khủng hoảng mới đối với chính mình.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/giai-phap-nao-chia-se-ganh-nang-cho-eu-ve-nguoi-ti-nan-post443412.html