Giải pháp nào cho điện vùng sâu?
Nhiều năm qua, ngành điện lực tỉnh Bình Phước đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư hệ thống lưới điện nhằm cung cấp ổn định, an toàn phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những 'vùng lõm' chưa có hệ thống lưới điện. đây là lực cản lớn đối với công tác giảm nghèo, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mong có điện để phát triển kinh tế
Có hệ thống lưới điện quốc gia, cuộc sống người dân huyện Bù Đốp từng bước được nâng lên. Bên cạnh niềm vui ấy, trên địa bàn huyện vẫn còn khu vực “vùng lõm” mỏi mòn chờ điện từ nhiều năm nay. Không có đủ điện sinh hoạt, cuộc sống của hơn 30 hộ dân thuộc “vùng lõm” tại ấp 3, xã Thanh Hòa gặp không ít khó khăn. Để có điện, người dân nơi đây phải tự bỏ tiền mua dây, dựng cột kéo điện nhờ từ hộ dân ở rất xa về sử dụng. Do đường dây kéo quá xa nên điện áp không ổn định, nhiều thiết bị điện không sử dụng được.
Chị Lê Thị Hồng Diễm, ngụ ấp 3, xã Thanh Hòa cho hay: “Gia đình tôi ở đây đã lâu và để có điện sử dụng, tôi phải kéo nhờ nhà kế bên. Tuy nhiên, điện quá yếu không thể sử dụng bơm nước, tủ lạnh. Nếu nấu cơm điện thì phải vào đêm khuya hoặc sáng sớm, còn buổi trưa mở tivi cũng không được. Giá điện rất cao, 4.500 đồng/kWh. Cả ấp này có hơn 30 hộ dân giống gia đình tôi. Tôi mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ người dân nơi đây có lưới điện quốc gia để sử dụng và thanh toán theo quy định của Nhà nước”.
Tiếp lời chị Diễm, bà Nguyễn Thị Lũi, ngụ cùng ấp 3, xã Thanh Hòa cho rằng, khu vực ấp 3 chỉ cách UBND xã khoảng 900m, thế nhưng người dân nơi đây phải tự bỏ tiền mua hơn 700m dây để kéo điện về sử dụng. “Hộ không đủ điều kiện phải xin “câu đuôi”, nhưng mỗi khi các hộ cho nhờ sử dụng thiết bị điện có công suất lớn thì họ cắt cầu dao không cho sử dụng nữa, có khi cả ngày luôn. Hiện Nhà nước đã đầu tư đường nhựa khang trang, nay chúng tôi mong muốn quan tâm nhu cầu sử dụng điện của người dân. Nếu Nhà nước đầu tư, đường điện kéo đến đâu, chúng tôi sẽ tự nguyện giải phóng mặt bằng để có “điện mạnh” sử dụng” - bà Lũi chia sẻ.
Thanh Hòa là xã biên giới có 9 ấp, địa bàn rộng, thời gian qua được sự quan tâm của các cấp đầu tư hệ thống hạ tầng đường, trường và các trạm điện cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân dân. Tuy nhiên, không riêng gì người dân ấp 3 mà còn những “vùng lõm” trên địa bàn xã chưa có hệ thống lưới điện đến nơi, dẫn đến người dân phải tự đầu tư kéo đường dây khá xa hoặc “đấu nối” qua hộ dân khác gây tổn thất điện năng, điện áp không ổn định đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa Vũ Văn Hiếu cho biết: “Thanh Hòa là địa bàn rộng nên còn một số vùng xa, “vùng lõm” chưa được đầu tư hạ thế. Bởi vậy, một số người dân tự đầu tư kéo đường dây rất xa, gây nguy hiểm, có thể mất an toàn về sử dụng và giá điện cao. Chúng tôi mong các cấp, ngành tiếp tục khảo sát những khu vực chưa hạ thế lưới điện, từ đó có phương án đầu tư hạ tầng lưới điện phục vụ nhu cầu người dân. Đồng thời, bổ sung bền vững cho tiêu chí về điện, góp phần đưa xã Thanh Hòa cán đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay”.
Cần sự chung tay phối hợp
Giải pháp cấp điện cho “vùng lõm” mà lâu nay chính quyền huyện Bù Đốp và ngành điện phối hợp thực hiện, đó là kéo điện từ lưới điện quốc gia đến hộ dân. Đây được xem là giải pháp có tính bền vững, nhưng suất đầu tư thực hiện lại quá lớn. Theo tính toán của ngành chức năng, bình quân suất đầu tư kéo điện lưới quốc gia về “vùng lõm” trên địa bàn huyện tốn từ 50-100 triệu đồng/hộ. Thậm chí có nơi dân cư sống biệt lập, thưa thớt, suất đầu tư có thể lên đến 200 triệu đồng/hộ.
Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Điện lực Bù Đốp Lê Thanh Tính cho biết, hằng năm với nguồn vốn được giao, ngành điện huyện đã tập trung cải tạo, nâng cấp lưới điện 3 pha trên địa bàn quản lý. Đến nay, tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn huyện đạt 98% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Tuy nhiên, còn nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn huyện chưa có hệ thống lưới điện đến nơi. Ngành điện đã có kiến nghị với huyện trong việc cấp điện cho 2% hộ dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Riêng đối với “vùng lõm” điện của xã Thanh Hòa phải cần 6 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện, trong khi nguồn vốn được giao cho ngành điện lực huyện năm 2023 và 2024 đã có kế hoạch sử dụng…
Giám đốc Điện lực Bù Đốp Lê Thanh Tính cho biết thêm: “Nếu chủ trương của huyện đưa xã Thanh Hòa về đích nông thôn mới nâng cao năm 2023 thì cần thời gian rất gấp để đầu tư hạ tầng lưới điện đáp ứng tiêu chí. Tuy nhiên, khả năng đến năm 2025, ngành điện mới có kế hoạch giao vốn cho Điện lực Bù Đốp thực hiện đầu tư ở Thanh Hòa, thì việc về đích nông thôn mới nâng cao sẽ không đúng lộ trình huyện đề ra. Vì vậy, cấp tỉnh, huyện xem xét bố trí nguồn để cùng ngành điện Bù Đốp tiến hành đầu tư nhanh nhất có thể nhằm cấp điện cho “vùng lõm” của xã Thanh Hòa”.
Hy vọng, với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025, Bù Đốp sẽ dành nguồn vốn để cùng ngành điện đầu tư lưới điện quốc gia đến những “vùng lõm”, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/147047/giai-phap-nao-cho-dien-vung-sau