Giải pháp nào cho mối đe dọa khủng hoảng lương thực ở Indonesia?

Với dự báo dân số sẽ tăng thêm 50 triệu người trong hai thập kỷ tới, Indonesia đang đối mặt với các thách thức về an ninh lương thực quốc gia. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Kho gạo tại một cửa hàng gạo ở chợ truyền thống Santa. Ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Jakarta)

Kho gạo tại một cửa hàng gạo ở chợ truyền thống Santa. Ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Jakarta)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia đang đối mặt với những thách thức trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dân số dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Với mức tăng dân số dự kiến là 50 triệu người trong hai thập kỷ tới, nguồn cung lương thực ở Indonesia ngày càng bị đe dọa thiếu hụt nghiêm trọng. Điều này một phần là do chất lượng đất giảm và số lượng nông dân giảm, dẫn đến sản lượng giảm và giá lương thực tăng.

Mặc dù Indonesia đã đạt được tiến bộ đáng kể về năng suất lúa gạo trong vài thập kỷ gần đây, nhưng mức tăng trưởng này được cho là đã bị đình trệ trong 10-15 năm qua.

Suy thoái đất, chủ yếu do khai thác quá mức, đã trở thành nguyên nhân và là mối quan tâm lớn của Indonesia, đặc biệt là ở các khu vực như Java, nơi tập trung đông dân số của nước này.

Người dân chọn mua gạo tại chuỗi cửa hàng tiện lợi IndoMaret. Ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Jakarta)

Người dân chọn mua gạo tại chuỗi cửa hàng tiện lợi IndoMaret. Ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Jakarta)

Theo dữ liệu của Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog), mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng lương thực ở nước này ngày càng được cảm nhận rõ ràng, đặc biệt là việc giảm sản lượng lương thực. Sản lượng gạo cả nước từ tháng 1 đến tháng 4/2024 đã giảm 17,74% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 22,55 triệu tấn xuống 18,55 triệu tấn.

Từ đầu năm đến nay, Indonesia liên tục phải đối mặt với thực tế giá gạo trên thị trường nội địa ở mức cao, do nhu cầu lớn về gạo của thị trường trong nước. Kế hoạch nhập khẩu gạo của Indonesia trong năm nay đã phải điều chỉnh từ mức 2 triệu tấn ban đầu, lên 3,6 triệu tấn. Như vậy, Indonesia trở thành nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Philippines và rơi vào thế phụ thuộc vào gạo nhập khẩu.

Xác định những khó khăn và nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực, Indonesia đã tìm nhiều giải pháp để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, có vẻ như quốc gia vạn đảo vẫn đang lúng túng trong các hướng đi.

Để giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, Indonesia dự kiến đầu tư vào một nhà sản xuất thay vì liên tục nhập khẩu gạo từ các nước láng giềng để đảm bảo lượng gạo dự trữ đủ an toàn. Indonesia cũng khuyến khích người dân thay đổi thói quen sử dụng nhiều gạo mà thay thế bằng những loại lương thực khác sẵn có trong nước.

Gạo nhập khẩu tại một khu chợ ở Indonesia. Ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Jakarta)

Gạo nhập khẩu tại một khu chợ ở Indonesia. Ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Jakarta)

Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề an ninh lương thực cho một đất nước “đông con” tới 280 triệu dân với thói quen sử dụng gạo hằng ngày, cũng sớm được Indonesia xác định là phải thúc đẩy sản xuất trong nước.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, hạt giống công nghệ sinh học, được sản xuất thông qua kỹ thuật di truyền, là một niềm hy vọng và câu trả lời cho các vấn đề lương thực ở Indonesia, bao gồm cả việc ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng lương thực.

Người đứng đầu Bulog dẫn dữ liệu nghiên cứu cho thấy việc áp dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp đã thành công trong việc giúp tăng thu nhập của nông dân một cách đáng kể. Từ năm 1996 - 2018, công nghệ sinh học đã có thể tăng giá trị sản xuất nông nghiệp lên tới 225 tỷ USD. Nhưng vấn đề quan trọng là công nghệ này phải được đưa tới nông dân và được áp dụng vào sản xuất, như vậy mới tạo ra sản phẩm, tạo ra năng suất lương thực.

Trong khi đó, ông Ismariny, quan chức tại Bộ Điều phối Kinh tế, cho biết Bộ đang khuyến khích nhiều sức mạnh tổng hợp để tăng cường an ninh lương thực quốc gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Bộ Điều phối Kinh tế đã khởi xướng một số chương trình nhằm tăng cường an ninh lương thực của Indonesia, như tăng nguồn cung sản xuất, đa dạng hóa lương thực thực phẩm, nâng cao hiệu quả phân phối thực phẩm và sử dụng công nghệ để tăng sản lượng và chất lượng thực phẩm.

Trên thực tế, các chuyên gia công nghệ sinh học Indoensia cho biết, việc áp dụng hạt giống công nghệ sinh học cũng cho phép nông dân giảm thiểu tổn thất năng suất tiềm năng tới 10%. Điều đó sẽ giúp tăng đáng kể sản lượng cây trồng của nông dân trên cùng một diện tích đất.

Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Jakarta)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/giai-phap-nao-cho-moi-de-doa-khung-hoang-luong-thuc-o-indonesia/342254.html