Giải pháp nào cho phát triển kinh tế dưới tác động của đại dịch Covid-19?

Sáng 16/9, Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi trao đổi chính sách 'Dự báo tình hình đại dịch Covid-19, hệ lụy đối với kinh tế, chính trị thế giới trong năm 2020-2021 - giải pháp với Việt Nam'.

Nằm trong chuỗi các hoạt động trao đổi chính sách chuyên sâu thường kỳ của Bộ Ngoại giao, tiếp theo Tọa đàm “Đại dịch Covid-19: hệ lụy đối với cục diện và liên kết kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương” (13/5/2020), buổi trao đổi nhằm tiếp tục đánh giá toàn diện các hệ lụy của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế, chính trị thế giới và đề xuất các giải pháp để Việt Nam có thể thích ứng trong môi trường an ninh - chính trị đang thay đổi dưới tác động của đại dịch Covid-19.

Các đại biểu tham dự buổi trao đổi.

Các đại biểu tham dự buổi trao đổi.

Buổi trao đổi do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì. Tham dự có các diễn giả là các chuyên gia cao cấp về kinh tế, tài chính, đối ngoại và hội nhập quốc tế gồm: Tiến sỹ Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương của Việt Nam (VNCPEC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch VNCPEC, Cố vấn cao cấp Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao; Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Ủy viên VNCPEC, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia và Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Phát biểu tại buổi trao đổi, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn khẳng định hiện đã xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ hai trong khi chưa dự báo được thời điểm dịch bệnh có thể kết thúc. Triển vọng phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục bấp bênh, khó lường và không đồng đều, các đầu tàu kinh tế suy giảm nghiêm trọng, nhiều nền kinh tế lớn đã rơi vào suy thoái. Quan hệ giữa các nước lớn gia tăng căng thẳng, các nước đều chuyển sang chính sách ứng phó lâu dài với dịch bệnh.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi trao đổi.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi trao đổi.

Thứ trưởng Thường trực nhấn mạnh việc tiếp tục đánh giá, dự báo tình hình dịch bệnh, triển vọng sắp tới của kinh tế thế giới và khu vực, tác động tới liên kết kinh tế quốc tế và tập hợp lực lượng trên thế giới, từ đó đề xuất giải pháp đối với Việt Nam nhằm thực hiện “mục tiêu kép” (vừa chủ động phòng, chống dịch, vừa duy trì và phát triển kinh tế - xã hội), là hết sức cần thiết và quan trọng.

Các diễn giả nhất trí kinh tế thế giới năm 2020 rơi vào suy thoái, triển vọng phục hồi còn mong manh và phụ thuộc hoàn toàn vào việc có vaccine hiệu quả, trào lưu bảo hộ thương mại và chống hội nhập gia tăng. Liên kết kinh tế quốc tế tiếp tục được thúc đẩy, song toàn cầu hóa hiện nay sẽ chịu tác động trực tiếp của các xu thế mới.

Các diễn giả tại buổi trao đổi.

Các diễn giả tại buổi trao đổi.

Các diễn giả và đại diện các đơn vị của Bộ Ngoại giao khẳng định, đại dịch Covid-19 tạo ra những xu hướng mới trong thời đại số và đẩy nhanh các xu thế hiện hành, làm gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn, tác động sâu sắc tới môi trường an ninh, phát triển của Việt Nam.

Các diễn giả đánh giá sâu việc triển khai các biện pháp hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế vừa qua, nhất trí cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp kinh tế vĩ mô và các gói hỗ trợ của Chính phủ. Trên cơ sở đó, các diễn giả đã đề xuất nhiều biện pháp toàn diện để nâng cao nội lực, tận dụng các xu thế mới của thời đại số và phát huy vai trò đối ngoại của Việt Nam, qua đó không chỉ thực hiện “mục tiêu kép” mà còn tạo nền tảng cho phát triển trong dài hạn.

Những đánh giá sâu sắc và kiến nghị thiết thực tại buổi trao đổi chính sách về tình hình đại dịch Covid-19, hệ lụy đối với kinh tế, chính trị thế giới trong năm 2020-2021 và giải pháp với Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, giúp Bộ Ngoại giao và VNCPEC tiếp tục đóng góp vào quá trình xây dựng chủ trương, chính sách của Đại hội Đảng XIII, góp phần thúc đẩy tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng tầm đối ngoại đa phương trong bối cảnh mới.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giai-phap-nao-cho-chinh-tri-va-kinh-te-viet-nam-truoc-he-luy-cua-covid-19-123958.html