Giải pháp nào cho quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh?

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) trong phiên họp chiều nay, 25.5, nhiều ĐBQH băn khoăn với quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Các ĐBQH đề nghị, cần làm rõ vì sao đã có quy định nhưng vẫn chưa thành lập được và tiếp tục xin thành lập quỹ này. Đồng thời, cần làm rõ nếu thành lập thì giải pháp nào để hình thành quỹ; quản lý, sử dụng quỹ như thế nào để bảo đảm tính khả thi.

Chiều nay, 25.5, Quốc hội làm việc tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thảo luận về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) có tính chuyên môn sâu, phức tạp, do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. So với dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH đã bổ sung nhiều nội dung mới, đáp ứng các mục tiêu đề ra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, điện ảnh vừa là ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa. Do đó, rất cần có các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của Luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân. Sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; bỏ nội dung về kinh doanh dịch vụ phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện; chỉnh lý quy định rõ hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Một trong những vấn đề được các ĐBQH quan tâm tại dự thảo Luật đó là quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (các Điều 42, 43, 44).

Về vấn đề này, cơ quan trình dự án Luật cho rằng việc quy định thành lập và hoạt động của Quỹ tạo hành lang pháp lý, công cụ hiệu quả hỗ trợ điện ảnh phát triển, đáp ứng nguyện vọng của nhiều tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực điện ảnh. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ Hai, ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan và ý kiến cơ quan trình dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại dự thảo Luật.

Tuy nhiên, qua thảo luận, các ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Trần Đình Gia (Hà Tĩnh), Lê Hoàng Anh (Gia Lai) băn khoăn và đề nghị cần cân nhắc kỹ việc đưa quy định nội dung này vào dự thảo Luật.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, Luật Điện ảnh 2006 đã có quy định về thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh song đến nay qua 16 năm vẫn chưa được thành lập do không đảm bảo được nguồn thu; trong khi quy định như dự thảo Luật còn mang tính chung chung, không xác định rõ được nguồn thu của Quỹ này.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Tiến nêu rõ: “trong những năm gần đây hầu hết các luật ban hành đều hạn chế quy định việc thành lập quỹ. Việc lập cần cân nhắc kỹ và bảo đảm không làm tăng bộ máy và biên chế, bảo toàn vốn điều lệ, bảo đảm nguồn thu để chi trả cho các khoản chi, nguồn thu không trùng với các khoản thu phải nộp ngân sách nhà nước”.

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị, cần làm rõ vì sao đã có quy định và hiện vẫn chưa thành lập được, nhưng nay tiếp tục đề nghị thành lập quỹ này. Đồng thời, cần làm rõ nếu thành lập thì giải pháp nào để hình thành quỹ; quản lý, sử dụng quỹ như thế nào để bảo đảm tính khả thi, tránh tình trạng luật đã có nhưng không được thực thi. Cần có giải pháp cụ thể để xây dựng, hình thành và phát huy giá trị của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đại biểu Trần Đình Gia nhấn mạnh.

Trung Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/giai-phap-nao-cho-quy-ho-tro-phat-trien-dien-anh--i290132/