Giải pháp nào để chống thất thoát, lãng phí trong triển khai các dự án giao thông
Thời gian qua, cùng với việc đầu tư các dự án, công trình giao thông thì công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí cũng được coi trọng, thể hiện trong việc lựa chọn các giải pháp kỹ thuật bảo đảm yếu tố kinh tế - kỹ thuật, kiểm soát chất lượng - tiến độ thi công và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình xuyên suốt từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn thực hiện dự án.
Kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, trong giai đoạn chuẩn bị dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lựa chọn tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện. Khảo sát, lập các phương án tuyến và các giải pháp kỹ thuật để phân tích, so sánh, lựa chọn bảo đảm các yếu tố kinh tế - kỹ thuật. Thỏa thuận với các địa phương và bộ, ngành bảo đảm dự án phù hợp với các quy hoạch liên quan và không gian phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.
Trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư, các dự án quan trọng quốc gia đều được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định bảo đảm sự phù hợp với các quy định pháp luật trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình lập dự án đầu tư, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án và tư vấn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua trong công tác khảo sát, thỏa thuận công trình (nút giao, hầm chui, đường gom…) bảo đảm phù hợp với nhu cầu và tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, giai đoạn thực hiện dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, tiến độ từ bước khảo sát, lập hồ sơ thiết kế, dự toán đến công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thi công.
Trong đó, công tác lựa chọn nhà thầu được thực hiện qua mạng 100% từ năm 2022 (trừ một số gói thầu do hệ thống chưa đáp ứng). Kiểm soát chặt chẽ chất lượng công tác khảo sát, thiết kế bảo đảm lựa chọn các giải pháp phù hợp, đáp ứng các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật. Thường xuyên rà soát, xây dựng, điều chỉnh định mức cho phù hợp và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình.
Xây dựng tiến độ thi công tổng thể của dự án và tiến độ thi công chi tiết của từng gói thầu để kiểm soát chặt chẽ, kịp thời có các giải pháp khắc phục việc chậm tiến độ, nhằm hoàn thành công trình đúng tiến độ. Xây dựng quy trình và thực hiện nghiệm thu, thanh toán trong quá trình thi công bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch với sự tham gia, kiểm soát của nhiều chủ thể như: nhà thầu, tư vấn giám sát, ban quản lý dự án, chủ đầu tư.
Chủ động mời các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan bảo vệ pháp luật tham gia ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án để phòng ngừa thất thoát, lãng phí. Thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành đúng quy định, trong đó thực hiện đầy đủ các kết luận của các cơ quan chức năng.
Đâu là nguyên nhân các dự án chậm tiến độ
Trong thời gian qua, phần lớn các công trình hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng đều bảo đảm chất lượng, tiến độ, phát huy được hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án, công trình chậm tiến độ, có khiếm khuyết về chất lượng ở một số bộ phận công trình làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, nguyên nhân của các dự án chậm tiến độ là do công trình giao thông trải dài theo tuyến, nhiều vị trí đi qua các khu vực có điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn phức tạp nên không tránh khỏi việc phải điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn chậm làm kéo dài tiến độ hoàn thành dự án. Nguồn cung cấp vật liệu cho dự án còn nhiều khó khăn, bất cập, xảy ra tình trạng đầu cơ, nâng giá gây khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu dẫn đến công trình bị đội vốn, chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản còn phức tạp; các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi phải thực hiện các thủ tục theo quy định của nhà tài trợ gây kéo dài thời gian. Quá trình triển khai thi công chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết cực đoan, bất thường, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ dự án. Giá nguyên vật liệu, nhiên liệu thời gian qua tăng cao đột biến nên các nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án năng lực, chuyên môn còn hạn chế, chưa sâu sát trong quá trình thực hiện dự án; chưa phối hợp tốt với địa phương để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu. Một số nhà thầu năng lực tổ chức thi công, huy động tài chính còn yếu kém dẫn đến chậm tiến độ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao.
Để chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao chất lượng, tiến độ, phòng, chống thất thoát, lãng phí, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Bộ GTVT đã yêu cầu các chủ thể tham gia dự án thực hiện rà soát, tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng. Ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành, rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, bổ sung những quy định còn thiếu, sửa đổi những quy định còn chồng chéo trong quá trình thực hiện.
Siết chặt kỷ cương, trách nhiệm của các chủ thể trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; kiện toàn tổ chức, thiết lập hệ thống kiểm tra, kiểm soát và xây dựng quy chế quản lý nội bộ liên quan đến công tác quản lý chất lượng, tiến độ, giá thành công trình; bảo đảm chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, quy định rõ trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể.
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án xây dựng kế hoạch tổng thể, chi tiết cho dự án, gói thầu, từ giai đoạn chuẩn bị dự án đến giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc xây dựng. Kế hoạch thực hiện phải gắn với kế hoạch giải ngân, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tiến độ yêu cầu, có dự phòng cho các yếu tố bất lợi như điều kiện thời tiết, tiến độ giải phóng mặt bằng… Tổ chức triển khai thực hiện dự án bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, theo dõi giám sát việc triển khai thực hiện, kịp thời có các giải pháp khắc phục việc chậm tiến độ, bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cần nâng cao chất lượng công tác tư vấn và công tác thẩm tra, thẩm định: Chấn chỉnh, tăng cường kiểm soát chất lượng đối với công tác tư vấn, công tác thẩm tra, thẩm định, bảo đảm lựa chọn các giải pháp kỹ thuật phù hợp, đáp ứng các yếu tố kinh tế - kỹ thuật; công tác lập và quản lý chi phí đầu tư phải bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với mặt bằng giá thị trường, tuân thủ quy định pháp luật, phòng, chống thất thoát, lãng phí.
Trong công tác lựa chọn nhà thầu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các chủ thể liên quan thực hiện nghiêm các quy định pháp luật bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, công bằng, công khai, minh bạch và bảo đảm tiến độ.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đưa ra một số số giải pháp như xây dựng hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu đảm chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ quy định bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch. Nghiêm cấm các hành vi vi phạm trong đấu thầu như: Gian lận, cản trở, thông thầu, tiết lộ thông tin; đưa, nhận, môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Thực hiện kiểm tra, giám sát theo quy định để kịp thời phát hiện, chỉ đạo, chấn chỉnh việc thực hiện và phòng, chống thất thoát, lãng phí trong công tác lựa chọn nhà thầu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong quá trình triển khai dự án phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, vận động nhân dân đồng tình ủng hộ.
Quản lý chặt chẽ các mỏ vật liệu để ưu tiên cung cấp cho dự án, xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, nâng giá. Công bố kịp thời, đầy đủ giá vật liệu, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường để phục vụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Quản lý chặt chẽ, toàn diện mọi hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện dự án trong từng giai đoạn từ khâu khảo sát, thiết kế, phải so sánh lựa chọn phương án thiết kế tối ưu.
Kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công. Yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện nghiêm nghĩa vụ, trách nhiệm theo hợp đồng xây dựng. Chấp hành nghiêm các chế tài xử phạt, xử lý và khắc phục, xử lý kịp thời các vi phạm chất lượng, chậm trễ tiến độ theo yêu cầu. Chủ động về nguồn vật liệu, máy móc thiết bị, nhân lực và nguồn tài chính, để thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.
Bộ GTVT tăng cường kiểm tra hiện trường, đôn đốc các Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết các vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu…
Tổ chức họp giao ban kiểm điểm tiến độ định kỳ, nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các Ban quản lý dự án có dự án chậm tiến độ; trường hợp dự án không có chuyển biến sẽ không giao dự án mới và xử lý trách nhiệm, xem xét thay thế người đứng đầu.
Yêu cầu các Ban quản lý dự án, nhà thầu ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án; theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng; kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm như: Cảnh cáo, nhắc nhở; cắt, chuyển khối lượng; đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng, bị loại trong đấu thầu từ (3 - 5) năm đối với dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ liên quan đến việc ưu tiên nguồn vật liệu cung cấp cho dự án; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá; thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu theo tiến độ triển khai các dự án...