Giải pháp nào để đảm bảo đáp ứng điện mùa nắng nóng?
Các đơn vị đã chủ động xây dựng kịch bản vận hành lưới điện, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm đáp ứng điện mùa khô năm 2025.
Chiều ngày 21-4, Báo Tiền phong đã tổ chức Hội thảo "Đáp ứng điện mùa nắng nóng, thách thức và giải pháp". Hội thảo có sự đồng hành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) và Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC).
Đáp ứng điện mùa nóng là yêu cầu cấp thiết
Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết hiện nay, cả nước bước vào mùa nắng nóng, nhất là khu vực phía Nam. Theo đó, việc đáp ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn cao điểm nắng nóng phục vụ tiêu dùng và các sự kiện chính trị lớn là vô cùng cấp thiết.

Các đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp đảm bảo đáp ứng điện mùa nắng nóng.
Để đáp ứng điện, các đơn vị đã chủ động xây dựng kịch bản vận hành lưới điện ở các mức tăng trưởng phụ tải khác nhau. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm đáp ứng điện mùa khô năm 2025, hoàn tất các công tác sửa chữa bảo trì lưới điện.
Tuy nhiên, với diễn biến bất thường của thời tiết và dự báo nắng nóng gay gắt trong thời gian tới cùng nhu cầu phụ tải tăng nhanh, ngành điện vẫn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của người dân.
Theo đó, hội thảo "Đáp ứng điện mùa nắng nóng, thách thức và giải pháp" sẽ tìm kiếm các biện pháp thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện và tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Ứng dụng nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng Giám đốc điện lực miền Nam cho biết EVNSPC đã làm việc với các doanh nghiệp để dịch chuyển phụ tải - tức là điều chỉnh thời điểm sử dụng điện của các khách hàng lớn, giúp tránh áp lực vào giờ cao điểm, tiết kiệm chi phí cho cả doanh nghiệp và ngành điện. Từ đó, tối ưu hóa chi phí năng lượng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
EVNSPC hướng tới mục tiêu dịch chuyển 5-10% phụ tải ra khỏi khung giờ cao điểm, tương đương khoảng 430 MW cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, để đạt được cần sự chung tay từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cả người dân.
Tương tự, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết giờ cao điểm của các khách hàng thuộc Điện lực TP.HCM đang là 14-15 giờ, hoặc 19 giờ, tùy từng mùa. Ngành điện đã chủ động làm việc với khách hàng và nhiều đơn vị đã thay đổi công nghệ, phân tách hệ thống điện để chuyển vào giờ thấp điểm.
Lúc này, tiền điện sẽ giảm nhưng thay vào đó chi phí lao động tăng lên nên các doanh nghiệp cần thêm đánh giá để đưa ra phương án tối ưu nhất.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết dù thời tiết đầu năm có phần mát mẻ song sản lượng điện thương phẩm đạt 63,645 tỉ kWh, tăng khoảng 4,43%. Theo đó, xu hướng phụ tải tiếp tục tăng cao trong mùa khô và mùa nắng nóng sắp tới.
Trước tình hình đó, EVN đã chủ động xây dựng các kịch bản cung ứng điện phù hợp với mọi tình huống, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh tăng trưởng GDP mục tiêu trên 8%.
Đồng thời, EVN đang triển khai 10 dự án nguồn điện, tổng công suất khoảng 8.800 MW, bao gồm cả dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Trong năm 2025, EVN tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm như Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy thủy điện Quảng Trạch I, Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, Đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, Cấp điện cho huyện Côn Đảo.
Ông Lâm cũng cho rằng để giảm tải cho hệ thống điện, vai trò của dịch chuyển phụ tải rất quan trọng. Nếu miền Nam có thể dịch chuyển hiệu quả khoảng 500 MW phụ tải từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm thì sẽ tương đương với việc tránh đầu tư một nhà máy nhiệt điện công suất lớn, tiết kiệm hàng tỉ USD.
Tiến sĩ Nguyễn Công Tráng - Giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng dịch chuyển phụ tải vừa có lợi cho doanh nghiệp lẫn ngành điện.
Cụ thể, dịch chuyển phụ tải giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều khi chuyển qua giờ thấp điểm, độ tin cậy cung cấp điện, số lần cắt điện, mất điện đối với doanh nghiệp ít lại do hệ thống điện ổn định.
Phía ngành điện sẽ giảm được áp lực trên hệ thống điện, giảm quá tải trên đường dây điện, giảm chi phí vận hành, chi phí đầu tư nguồn cung cấp điện.
Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-phap-nao-de-dam-bao-dap-ung-dien-mua-nang-nong-post845673.html