Giải pháp nào để doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng?

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trao đổi với TBTCVN xung quanh vấn đề tìm giải pháp để doanh nghiệp Việt tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đất nước hội nhập mạnh mẽ sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội lớn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh tư liệu

Đất nước hội nhập mạnh mẽ sẽ mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội lớn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh tư liệu

PV: Đất nước hội nhập mạnh mẽ mang lại cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhiều cơ hội lớn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Theo ông, đó là những cơ hội gì?

TS. Tô Hoài Nam: Việc nước ta hội nhập mạnh mẽ mở ra một thị trường lớn hơn, đặc biệt là thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Từ đó, thu hút nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn với lượng vốn dồi dào hơn. Cùng với vốn, theo tiến trình hội nhập, chúng ta sẽ thu hút được cả trình độ, năng lực quản lý, công nghệ của các đối tác ở các nước lớn.

Hai yếu tố căn bản đó sẽ tạo ra khả năng sinh lời, góp phần giúp cộng đồng DN có niềm tin, mạnh dạn tập trung đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Qua đó, cũng tạo nên một nền tảng quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.

DN phải luôn chú ý đến những điểm lợi thế đó của hội nhập kinh tế quốc tế để khai thác triệt để.

PV: Để tận dụng cơ hội, nhiều ý kiến cho rằng, các DN cần liên kết với nhau và tạo được mối liên kết với các nhà nhập khẩu nước ngoài để tăng sức cạnh tranh. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

TS. Tô Hoài Nam: Việc các DN trong nước liên kết với nhau là một định hướng rất đúng đắn. Các DN nhỏ, quy mô vốn nhỏ, lao động ít. Khi liên kết được với nhau sẽ tạo nên những quy mô lớn hơn, mang lại cơ hội tiếp cận với những thị trường lớn hơn.

Liên kết với nhau còn tạo nên sự hỗ trợ lẫn nhau. Trong thương mại hiện đại, sự hỗ trợ rất quan trọng vì bên cạnh việc cùng nhau chia sẻ thị phần, chia sẻ công nghệ, chia sẻ sản xuất thì các nhóm DN còn phải chung lòng ứng phó với những tình huống bất lợi khi vươn ra thế giới. Nói cách khác, việc các DN nội địa liên kết với nhau sẽ tạo ra sức mạnh.

Về xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nhà nhập khẩu lớn, sẽ có mấy cái lợi. Thứ nhất là rút ngắn được thời gian tiếp cận với thị trường, phát triển thị trường một cách đúng đắn hơn do có đối tác quen thuộc với thị trường hơn ta. Thứ hai là tận dụng được các nghiên cứu, các khảo sát, đánh giá của các nhà nhập khẩu đó về thị phần, nghĩa là DN của chúng ta có thể kế thừa, giảm bớt thời gian.

Chúng ta cũng có thể thông qua họ tiếp cận thông tin về hàng hóa, thị trường mang tính chất tiên tiến, đặc biệt là các thị trường khó tính. Từ đó, có thể sử dụng uy tín của đối tác đó để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, chính những đối tác này có thể cùng với chúng ta giải quyết những vấn đề phát sinh, những yếu tố bất ngờ từ các nhà nhập khẩu lớn ở các thị trường lớn mà chúng ta xuất khẩu vào.

Vì những lẽ đó mà trong các chiến lược, định hướng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, DN của ta cần coi trọng những mối quan hệ hợp tác này.

PV: Theo ông, các DN nhỏ và vừa cần làm gì để nâng cao năng lực, thu hút sự hợp tác của các “ông lớn”, qua đó thêm cơ hội xuất khẩu?

TS. Tô Hoài Nam: DN Việt Nam phải luôn luôn có ý thức nâng cao trình độ quản lý, quản trị DN. Tiếp đó là phải khắc phục được tình trạng thiếu chính xác khi cung cấp, chia sẻ các thông tin về DN, trong đó lưu ý chúng ta đừng nói quá!

Ngoài ra, phải đảm bảo minh bạch dòng tiền. Việc này mới đầu sẽ rất khó với các DN nhỏ. Nhưng nếu cố gắng làm được, lâu dài sẽ mở ra rất nhiều cơ hội lớn trong hợp tác kinh doanh, kêu gọi vốn đầu tư hay tiếp cận với các khoản tài chính, tín dụng. Khi minh bạch hóa dòng tiền còn giúp giảm thiểu việc gặp phải những trở ngại khi thực hiện các nghĩa vụ về thuế. Phải kiểm soát tất cả hoạt động theo một quy trình bài bản, định hướng mạch lạc. Đó là những vấn đề nội tại mà DN cần củng cố mỗi ngày.

PV: Vậy còn từ phía các cơ quan quản lý. Ông có kiến nghị gì để các cơ quan này hỗ trợ tốt hơn cho DN?

TS. Tô Hoài Nam: Các bộ, ngành, địa phương đều nhận thức được việc cần thiết phải hỗ trợ cho khối DN nhỏ và vừa phát triển. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ đã được ban hành rất nhiều, đem lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, hỗ trợ cần có thêm sự phối hợp nhịp nhàng hơn để cộng lực, mang lại tác động lớn hơn, hiệu quả hơn.

Về thực thi, DN mong muốn ngành Thuế và ngành Hải quan cải cách tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, chuyển đổi số để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của DN cũng như thương mại.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích hoạt động của các đại lý thuế, đại lý hải quan tham gia được sâu hơn nữa, trở thành cánh tay nối dài, góp phần hỗ trợ tích cực về pháp lý, về thủ tục cho khối DN nhỏ tham gia xuất khẩu, nâng cao tính tuân thủ của DN.

Các bộ, ngành cũng cần liên thông chia sẻ dữ liệu thông qua hệ thống một cửa để đơn giản hóa tối đa quy trình làm thủ tục cho DN. Đó là những yếu tố cần thiết để DN gia nhập tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-phap-nao-de-doanh-nghiep-viet-tan-dung-co-hoi-tham-gia-chuoi-cung-ung-155814.html