Giải pháp nào để Kiểm toán Nhà nước phát hiện, phòng ngừa tham nhũng

Sáng 5-6, tiếp tục chất vấn Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Ngô Văn Tuấn, nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động KTNN.

Đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) về báo cáo của KTNN có nêu đã chuyển 19 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp xem xét, xử lý và tự đánh giá, hiện, KTNN chỉ mới phát huy vai trò, hiệu quả, chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, 5 năm qua (2019-2023), Tổng KTNN đã chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra. Trong 5 năm qua, cơ quan Kiểm toán đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó, kiến nghị chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra 19 vụ án.

“Thế nhưng không có nghĩa là vai trò về phòng, chống tham nhũng của cơ quan Kiểm toán hạn chế đi, vì một trong những nhiệm vụ mà Tổng KTNN hết sức coi trọng là phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để điều tra, đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng, tiêu cực”, ông Ngô Văn Tuấn cho biết.

Năm năm qua, cơ quan Kiểm toán cũng đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo, tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra nhằm giúp cho các cơ quan chức năng đẩy nhanh hiệu quả hơn việc điều tra, truy tố, xét xử đến các đối tượng tham nhũng, tiêu cực.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Thời gian tới, Tổng KTNN sẽ phối hợp kịp thời hơn, cung cấp các tài liệu đầy đủ hơn và tiếp tục theo dõi, đôn đốc, nâng cao chất lượng các báo cáo kiểm toán để có những phát hiện rõ hơn, thuận lợi hơn cho các cơ quan chức năng nhằm đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) chất vấn, với vị trí là người đứng đầu một trong những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, Tổng KTNN cho biết cần phải làm gì để một mặt xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, mặt khác vẫn nuôi dưỡng được niềm tin, bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm, mong muốn được cống hiến cho đất nước...?.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Trả lời câu hỏi này, Tổng KTNN cho rằng, cần làm tốt 3 việc nếu muốn tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực mà không giảm tính năng động, sáng tạo như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “đánh chuột không vỡ bình”. Đó là, xây dựng được cơ chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng; xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh, để không dám tham nhũng; xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn, không cần tham nhũng.

Về hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thời gian vừa qua, theo ông Ngô Văn Tuấn, có nguyên nhân từ ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực chưa theo kịp yêu cầu và chỉ đạo chưa sâu sát. Vì thế, cần nâng cao ý thức, trình độ, hoàn thiện thể chế để quy định rõ quyền, nghĩa vụ từng công chức, viên chức. “Chẳng hạn công chức vào vị trí A, họ được làm gì, không được làm gì, chế độ đãi ngộ gắn với quyền lợi ra sao. Từ đó, đưa ra trách nhiệm gắn với quyền lợi, cùng với kiểm tra, giám sát để lượng hóa cán bộ”, ông Ngô Văn Tuấn cho biết.

Cấu kết để trục lợi tài sản của Nhà nước

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) nêu rõ, nhiều vụ án tham nhũng cho thấy có sự cấu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của Nhà nước. Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước không thuộc các đối tượng kiểm toán của KTNN, song những vụ việc này đều liên quan tới sử dụng tài chính công, tài sản công và dự án đầu tư công. Đại biểu đề nghị Tổng KTNN cho biết, sẽ có kiến nghị như nào để KTNN có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra thời gian tới?

Trả lời câu hỏi này, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nêu rõ, để kiểm toán tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, thuật ngữ “kiểm toán điều tra” đã được đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI). Đến nay gần 80 năm, nhưng vẫn chỉ dừng ở mức độ tranh luận xem kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra hay không, có điều tra thì mới truy tố, đi đến cùng hành vi phạm tội, truy tố…

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn sáng 5-6. Ảnh: Quochoi.vn.

Các đại biểu Quốc hội tham gia phiên chất vấn sáng 5-6. Ảnh: Quochoi.vn.

“Hiện nay, có rất ít cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước phát triển tham gia chức năng này, vì INTOSAI chưa có hướng dẫn về nội dung này”, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn dẫn chứng. Đồng thời khẳng định, thời gian tới, KTNN sẽ cố gắng làm tròn chức năng đánh giá, xác nhận kiến nghị theo đúng quy định pháp luật.

Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) cho biết, hoạt động kiểm toán của KTNN đã phát hiện rất nhiều tồn tại, hạn chế, sai phạm của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư... Đại biểu đề nghị Tổng KTNN cho biết, trong trường hợp KTNN thực hiện kiểm toán không phát hiện ra sai phạm, nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện ra sai phạm thì trách nhiệm của KTNN sẽ như thế nào? Sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân hay xử lý trách nhiệm của cơ quan trong trường hợp này?

Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn.

Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Văn Tuấn khẳng định, Điều 68 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra. Trong trường hợp cơ quan thanh tra, điều tra không phát hiện sai phạm mà cơ quan chức năng vào làm tiếp phát hiện sai phạm thì tại Điều 68 đã quy định rất cụ thể.

Đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm nhưng đến khi cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung, cùng kiểm toán mà phát hiện ra sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm. Nếu có lỗi thì tùy theo mức vi phạm để xử lý trách nhiệm hình sự hay trách nhiệm hành chính. Đây là quy định rất rõ về trách nhiệm và khi phát hiện ra sai phạm thì theo quy định của luật phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giai-phap-nao-de-kiem-toan-nha-nuoc-phat-hien-phong-ngua-tham-nhung-668420.html