Giải pháp nào để năng lượng tái tạo vượt qua rào cản?

Việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) trong thời gian gần đây đang tạo ra một số bất cập và thách thức như cơ chế chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích; chi phí đầu tư còn cao, nhà đầu tư khó tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp...

Nhà đầu tư gặp nhiều rào cản

Mặc dù đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích song cho đến thời điểm hiện tại, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn NLTT chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong toàn hệ thống điện quốc gia. Nguyên nhân chính là do một số rào cản khi đầu tư vào lĩnh vực NLTT.

NLTT vẫn đối mặt với nhiều rào cản

NLTT vẫn đối mặt với nhiều rào cản

Cụ thể là những rào cản về vấn đề giá cả. Giá điện từ nguồn NLTT hiện còn cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống (nhiệt điện, thủy điện lớn…). Nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa phát triển được ngành công nghiệp sản xuất thiết bị NLTT như turbine gió, tấm pin năng lượng mặt trời, các thiết bị phụ trợ khác dẫn tới suất vốn đầu tư và chi phí vận hành, bảo dưỡng cho các dự án NLTT cao. Mặt khác, trong thời gian qua, mức lãi suất vay khá cao, quy mô các dự án NLTT nhỏ cũng làm cho giá điện từ nguồn NLTT cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống.

Bên cạnh đó, tính bất ổn định của NLTT cũng chính là rào cản đối với sự phát triển của nguồn năng lượng này. NLTT như điện gió, thủy điện nhỏ, điện mặt trời... phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm địa hình, khí hậu, thời tiết như tốc độ gió, cường độ bức xạ mặt trời, lưu lượng dòng chảy, lượng mưa... Các yếu tố này thường xuyên biến thiên, thay đổi theo mùa do đó các nguồn này không thể khai thác, cung cấp điện cho hệ thống một cách ổn định, đặc biệt vào giờ cao điểm hay mùa khô. Đây là một trong những điểm yếu của NLTT, gây ra tính không ổn định đối với hệ thống điện khi nối lưới, dẫn tới phải xây dựng phương án dự phòng hệ thống lớn hơn, đầu tư tốn kém và kém hiệu quả hơn so với các nguồn điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch.

Tài chính vẫn là rào cản lớn đối với việc thu hút các dự án về NLTT. Do thiếu nguồn tài chính cho đầu tư các dự án NLTT trong khi nhu cầu về vốn đầu tư cho NLTT tương đối lớn. Các dự án NLTT được đánh giá mang tính rủi ro cao vì phụ thuộc thời tiết, khí hậu và khả năng thu hồi vốn lâu do suất đầu tư và giá điện cao hơn từ nguồn năng lượng truyền thống. Vì vậy, các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại thường chưa sẵn sàng cho vay các dự án đầu tư vào lĩnh vực NLTT.

Những đề xuất chính sách

Để vượt qua các rào cản trên, thúc đẩy hơn nữa việc đầu tư, phát triển các dự án NLTT nhằm đáp ứng mục tiêu về phát triển NLTT, giảm phát thải khí nhà kính mà Chính phủ đã đặt ra, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu, xem xét một số giải pháp.

Theo ý kiến của ông Quốc Hưng (Đại học Thủy Lợi) trong bài viết "Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra", để vượt qua rào cản, ngành năng lượng tái tạo cần triển khai một số giải pháp cụ thể như sau:

- Một là, hoàn thiện khung pháp lý về NLTT: Để sớm hoàn thiện khung pháp lý về NLTT, cần xác định thứ tự ưu tiên cho các loại NLTT, đảm bảo đầu tư hiệu quả cho từng dạng NLTT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước theo từng thời kỳ, tránh đầu tư và hỗ trợ dàn trải, cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động NLTT một cách tổng thể, ở mức độ cao hơn như Luật/Nghị định NLTT để đảm bảo tính ổn định, lâu dài của các cơ chế, chính sách hỗ trợ NLTT, qua đó các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng yên tâm trong quá trình đầu tư và cho vay các dự án NLTT.

- Hai là, thành lập quỹ NLTT: Theo kinh nghiệm phát triển thành công của nhiều nước trên thế giới, trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển NLTT như hiện nay, việc thành lập quỹ NLTT là cần thiết (vấn đề này được nêu trong Quyết định số 2068/QĐ-TTg). Theo kinh nghiệm và tình hình thực tế tại Việt Nam, với các chính sách hỗ trợ hiện hành thông qua nguồn tín dụng phát triển nhà nước không phát huy tích cực đối với dự án NLTT, không thể phát triển NLTT mà không có cơ chế khuyến khích đồng bộ, đặc biệt là về tài chính. Cơ chế hình thành, quản lý, điều phối quỹ cần được nghiên cứu, xem xét một cách cẩn thận để đảm bảo sự hoạt động hiệu quả của quỹ NLTT.

- Ba là, hình thành thị trường và công nghệ NLTT: Xây dựng chương trình quốc gia về NLTT; xây dựng và phát triển ngành công nghiệp NLTT; hình thành và phát triển thị trường công nghệ NLTT nhằm giảm giá thành thiết bị và chi phí nhân công.

- Bốn là, chính sách giá điện và đảm bảo đầu tư: Xây dựng giá FIT cho các dạng NLTT nối lưới; các đơn vị điện lực có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện năng sản xuất từ NLTT thông qua hợp đồng mua bán điện mẫu, chi phí mua điện từ NLTT được tính vào giá thành bán điện, dự án NLTT được ưu tiên đấu nối với hệ thống điện quốc gia, chi phí đấu nối và chi phí khác từ NLTT được tính vào phí tuyền tải, phân phối điện.

- Năm là, áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch RPS (renewable porfolio standard): Đơn vị phát điện, phân phối điện phải có tỷ lệ sản xuất, mua điện từ nguồn NLTT nhất định.

- Sáu là, xây dựng cơ chế phát triển NLTT dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền: Cần tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức của người dân về tác hại của ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của khí nhà kính, lợi ích của NLTT, từ đó họ có thể nhận thức và ủng hộ việc phải chi trả chi phí môi trường cho quá trình sử dụng năng lượng hóa thạch của mình. Tiến tới xây dựng cơ chế người gây ô nhiễm phải trả tiền để thúc đẩy NLTT như thuế carbon, quota năng lượng hóa thạch, hình thành thị trường tài chính carbon trong nước… là những giải pháp phát triển NLTT một cách ổn định, lâu dài thay vì cần sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước như hiện nay.

M.T

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/giai-phap-nao-de-nang-luong-tai-tao-vuot-qua-rao-can-569035.html