Giải pháp nào để nâng tầm công nghiệp vùng Đông Nam bộ- Kỳ 1

Kỳ 1: Tạo động lực tăng trưởng mới

Ngành công nghiệp vùng Đông Nam bộ đang đối mặt với nhiều vấn đề cần giải quyết, như: Tốc độ phát triển chưa tương xứng so với tiềm năng; chưa khai thác hết dư địa, lợi thế; chủ yếu còn gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm…

Chú trọng dự án công nghệ mới

Tại hội nghị lần thứ tư của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ mới đây, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vùng đều cho rằng công nghiệp là một trong ba trụ cột quan trọng của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, liên kết vùng thiếu chặt chẽ.

Dẫn chứng về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết trong 7 tháng năm 2024, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam bộ chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây nguyên (3,86%). Trước thực tế này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cho rằng cần có một hướng liên kết phát triển, phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng từ những động lực tăng trưởng công nghiệp.

Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tham quan sản phẩm công nghiệp các địa phương tại Hội nghị xuất khẩu vùng Đông Nam bộ vừa qua

Theo ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), cần phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) tại vùng kinh tế động lực của Đông Nam bộ, lấy TP.Hồ Chí Minh là vùng lõi theo định hướng nghiên cứu - phát triển công nghệ, tập trung các hoạt động sản xuất công nghệ cao có giá trị gia tăng cao và dần dịch chuyển ra các địa phương trong vùng kinh tế động lực.

Bên cạnh đó, cần tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng khu vực để tạo tác động tương hỗ, lan tỏa phát triển công nghiệp CNTT cho toàn vùng; chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, có hoạt động nghiên cứu và phát triển, có liên doanh sản xuất với các DN Việt Nam.

Đối với tỉnh Bình Dương, hiện đang triển khai khu CNTT tập trung nhằm phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông (ICT). Tỉnh Bình Dương cũng đang tích cực phối hợp với Bộ TT&TT triển khai Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp, CNTT tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Liên kết chặt chẽ

Ông Thái Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, cho biết trong thời gian qua, tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành và phát triển liên kết ngành công nghiệp do DN tự kết nối với nhau hoặc thông qua chương trình xúc tiến thương mại của các ngành may mặc, da giày, điện tử, chế biến gỗ…

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết cùng với việc linh hoạt thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, tỉnh Bình Dương cũng tích cực liên kết vùng, tăng cường kết nối các khu công nghiệp để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp. Tỉnh tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, với yêu cầu mới, thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các khu, cụm công nghiệp sắp tới phải gắn với các khu công nghiệp xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng, đồng thời thực hiện theo yêu cầu chung chuyển đổi với việc bảo đảm môi trường. Tỉnh Bình Dương đã có phương án, kế hoạch và giải pháp trong việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp đáp ứng được yêu cầu này, nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn đến từ các quốc gia phát triển.

Tuy nhiên, sự liên kết này chưa chặt chẽ giữa các khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Hiện có một số đơn vị ở tỉnh Đồng Nai muốn liên kết với DN nước ngoài nhưng còn gặp nhiều khó khăn do không tương xứng về quy mô, trình độ công nghệ.

Mới đây, Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn liên kết vùng.

Theo đó, không chỉ với hạ tầng, trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, Bình Dương quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển thông minh, phát triển xanh, dựa trên phát triển khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy tối đa nguồn lực phát triển, kết hợp hài hòa giữa ngoại lực và nội lực, lấy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, văn hóa sáng tạo làm trọng tâm động lực phát triển.

Hiện tỉnh Bình Dương đang tiếp tục quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóa, phát triển kinh tế tuần hoàn, thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Tỉnh Bình Dương chủ động tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư, trong đó gắn kết các khu, cụm công nghiệp chặt chẽ với hệ thống giao thông, hạ tầng, đường cao tốc, đường sắt và đường sông thuận lợi trong việc kết nối theo hướng liên vùng.

Theo Tiến sĩ Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh Becamex IDC, việc tỉnh Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển linh hoạt giữa kinh tế số và kinh tế xanh là phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; chuyển dịch nhanh những lĩnh vực công nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều tài nguyên, ít hàm lượng giá trị gia tăng sang sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có hàm lượng giá trị gia tăng cao theo đúng xu thế phát triển hiện nay của Việt Nam và thế giới. (còn tiếp)

TIỂU MY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/giai-phap-nao-de-nang-tam-cong-nghiep-vung-dong-nam-bo-ky-1-a328856.html