Giải pháp nào để người dân sống chung với lũ rừng ngang?

Mỗi năm cứ đến mùa mưa bão, người dân các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ… (huyện Chương Mỹ) lại đối diện với lũ rừng ngang. Làm sao để người dân sống chung với lũ là vấn đề rất cần giải pháp.

Đến hẹn lại lên!

Khái niệm “lũ rừng ngang” được hiểu là nước lũ từ thượng nguồn các huyện Lương Sơn, Kim Bôi của tỉnh Hòa Bình đổ về; kết hợp với lượng nước mưa “nội địa”, sẽ gây ra lũ rừng ngang; và lũ rừng ngang từ lâu đã trở thành chuyện “đến hẹn lại lên” ở đất Chương Mỹ.

Theo nhiều bậc cao niên ở thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, lũ rừng ngang thì năm nào cũng có, nhưng trước kia lũ không lớn, và cũng rút rất nhanh, nhưng những năm gần đây, vì biến đổi khí hậu và những lý do khách quan khác mà có năm lũ lớn hơn.

Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng đánh giá, tính từ trận lũ lịch sử năm 2008, đến nay sau 16 năm, năm nay là lần thứ 3, lũ rừng ngang lại tràn về với cường độ lớn, tốc độ nhanh như vậy.

"Bến thuyền" thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, những ngày lũ lụt đầu tháng 8/2024.

"Bến thuyền" thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, những ngày lũ lụt đầu tháng 8/2024.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, do ảnh hưởng của bão số 2, từ 7h00 ngày 22/7 đến 22h00 ngày 25/7 lượng mưa trên địa bàn đã lên tới 324,4mm. Kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về, như một quy luật tự nhiên – lũ rừng ngang lại xuất hiện.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Chương Mỹ, 7.724m đê thuộc địa bàn 13 xã Hồng Phong, Quảng Bị, Phú Nghĩa, Tốt Động, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Trần Phú, Đồng Lạc bị ngập. 20m đê ở xã Quảng Bị bị sạt lở, 61.700m đường giao thông bị ngập.

Gia cố đê Tả Bùi, địa phận xã Quảng Bị, sau sạt lở do lũ lụt từ cơn bão số 2.

Gia cố đê Tả Bùi, địa phận xã Quảng Bị, sau sạt lở do lũ lụt từ cơn bão số 2.

Đã có 1.811,7ha lúa bị ngập lụt, 367,6ha hoa màu bị hư hại, 252,5ha cây ăn quả bị úng nước, 1.711,6ha nuôi trồng thủy sản bị thất thu, 52.091m2 chuồng trại với 1.820 gia súc và 200.932 gia cầm bị cuốn trôi. Để ứng phó kịp thời với mưa lũ, huyện Chương Mỹ đã huy động 4.271 người và 174 phương tiện tham gia chống lũ. Trong đó các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn có 450 cán bộ chiến sỹ và 11 xe các loại, 3 xuồng máy thường xuyên ứng trực. Huyện cũng đã tập kết 5.910m3 đất cát, 53.325 bao tải để gia cố các đoạn đê, tuyến đường xung yếu. Xí nghiệp Đầu tư và Khai thác công trình Thủy lợi Chương Mỹ đã vận hành 20 trạm với 89 máy bơm để tiêu nước…

Đâu là giải pháp căn cơ?

Ảnh hưởng từ lũ rừng ngang đến cuộc sống người dân các xã của huyện Chương Mỹ không phải chuyện mới; nhiều lần huyện Chương Mỹ đã đề xuất lên TP Hà Nội những giải pháp, nhằm đối phó với lũ rừng ngang. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có phương án khả thi trong thực tiễn.

Sau chuyến thị sát của lãnh đạo TP, UBND huyện Chương Mỹ tiếp tục trình UBND TP một số kiến nghị. Trong đó đề nghị UBND TP giao sở NN&PTNT chủ trì, cùng UBND các huyện Chương Mỹ,Thạch Thất, Quốc Oai và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng một chương trình/Dự án tổng thể để đánh giá, đưa ra giải pháp khắc phục mang tính chất lâu dài và bền vững (quy hoạch sử dụng đất, bố trí dân cư, đầu tư cơ sở hạ tầng, công tác cảnh báo, dự báo, thích ứng với lũ lụt..). Đề xuất UBND TP giao Sở NN&PTNT Hà Nội chủ trì cùng BQLDA Hạ tầng Nông nghiệp Hà Nội và UBND huyện Chương Mỹ rà soát các công trình đê điều, thủy lợi do TP quản lý để có phương án đầu tư xây dựng, nâng cấp cũng như đẩy nhanh tiến độ các dự án do BQLDA đang triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Chương Mỹ…

Một ngôi nhà xây kiểu chống lũ (tầng 1 để trống), ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ.

Một ngôi nhà xây kiểu chống lũ (tầng 1 để trống), ở xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ.

Trước khi những giải pháp căn cơ được triển khai, người dân cũng có những giải pháp để tự thích ứng, sống thuận với thiên nhiên.

Trả lời câu hỏi vì sao biết thường xuyên có lũ mà người dân vẫn bám trụ sản xuất? Trưởng thôn Hạnh Côn (xã Nam Phương Tiến) Đào Duy Việt cho rằng, dẫu vẫn biết lũ rừng ngang năm nào cũng có, nhưng cường độ khác nhau (năm to, năm nhỏ), không thể vì sợ lũ mà không cấy trồng… Mấy năm vừa qua lũ nhỏ, việc nuôi thủy sản, chăn nuôi gia cầm, trồng cấy hoa màu vụ mùa vẫn đem hiệu quả cho người dân, chỉ năm nay lũ lớn, mà tốc độ lại nhanh nên người dân mới “trắng tay”.

Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (địa phương thường chịu thiệt hại nặng nề nhất mỗi khi lũ rừng ngang xuất hiện) chia sẻ: Trước khi có những giải pháp toàn diện của TP, mong mỏi của người dân địa phương là được đầu tư xây dựng con đường tránh lũ (từ thôn Nhân Lý xã Nam Phương Tiến, đến thôn Phương Hạnh, xã Tân Tiến), dài độ 2 km, chiều rộng 7m, cao trình khoảng 6,5m. Nếu có được con đường này, việc sống chung với lũ của người dân Nam Phương Tiến sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Bởi với cường độ của các trận lũ đã xảy ra, không phải thôn nào của Nam Phương Tiến cũng bị ngập toàn bộ.

Trần Thụ

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giai-phap-nao-de-nguoi-dan-song-chung-voi-lu-rung-ngang.html